Không ít ánh mắt hiện đang theo dõi những biến động tiếp theo của lãi suất đầu ra

Ngay từ đầu năm, nhiều dự báo cũng đã chỉ ra việc biên lãi thuần (NIM) của các ngân hàng có thể không còn rộng rãi như trước. Tuy nhiên, trong một số điều kiện, ngân hàng vẫn có thể chuyển "gánh nặng" sang người tiêu dùng.

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Việt Nam có thể đối đầu với một mức lạm phát cao là chuyện không quá khó lường. Bởi lẽ bên cạnh áp lực lạm phát từ bên ngoài, một số hàng hóa, dịch vụ trước đây được hoãn tăng giá hay miễn giảm vì đại dịch đến nay cũng đã đến hạn phải điều chỉnh tăng.

Lạm phát cũng đã khiến cho các ngân hàng trung ương toàn cầu bắt tay vào hành động. Đơn cử như Chủ tịch FED - ông Jerome Powell từng chia sẻ là rằng Cục Dự trữ liên bang sẽ tăng lãi suất đến khi nào khống chế được lạm phát. Hay như ngân hàng trung ương của Anh mới đây cũng công bố mức lãi suất 1,25%, cao chưa từng thấy kể từ thời điểm 2009.

"Nếu nước ngoài tăng lãi suất thì sớm muộn cũng sẽ đến Việt Nam. Điều này sẽ khiến cho thị trường trong nước gặp những khó khăn nhất định. Bây giờ, vay vốn nước ngoài cũng đã không còn dễ như trước vì đồng đô la tăng giá mạnh và chi phí vốn cũng không còn rẻ. Điều này có thể có dẫn đến hoạt động vay vốn của doanh nghiệp không còn quá thoải mái như trước", ông Thịnh nhận định. Chuyên gia cũng cho biết, trong thời gian vừa qua, lãi suất huy động đã tăng từ 0,5-1%, lãi suất cho vay theo đó cũng sẽ tăng lên.

Ông lưu ý, Nhà nước có thể sẽ có những biện pháp để điều tiết lãi suất, song lãi suất phải phụ thuộc nhiều sự biến động của thị trường. Các doanh nghiệp khi đi vay vốn phải tính trước về tình huống lãi suất có thể lên cao trong thời gian tới, để tránh bị rơi vào thế bị động khi các ngân hàng tăng lãi suất.

Về tỷ giá PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhận định, việc FED vừa tăng lãi suất sẽ khiến thị trường ngoại hối khó tránh khỏi những biến động lớn về cung cầu và giá cả. Ngân hàng nhà nước cũng sẽ có những biện pháp để hạ nhiệt.

"Ngân hàng Nhà nước có rất nhiều dư địa điều tiết thị trường. Tính đến cuối năm 2021 có khoảng 110 tỷ đô la dự trữ ngoại hối. Thời gian qua NHNN cũng đã bán lượng lớn USD để ổn định thị trường và gần đây lại phát đi tín hiệu sẵn sàng tham gia cung ứng ngoại tệ với tần suất nhiều hơn để điều tiết tỷ giá. Mặc dù dư địa can thiệp là có, nhưng cũng cần lưu ý rằng FED đã và đang rất quyết tâm trong việc khống chế lạm phát. Vì thế trong thời gian tới, những diễn biến về lãi suất và tỷ giá cần tiếp tục được theo dõi sát sao" - chuyên gia khuyến nghị.

Theo số liệu Tổng cục Thống kê vừa công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2022 tăng 0,38% so với tháng trước. Bình quân 5 tháng đầu năm 2022, CPI tăng 2,25% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 1,29% của 5 tháng đầu năm 2021. Nhiều chuyên gia dự báo, lạm phát năm nay có thể vượt mức 4% mục tiêu.

Dưới áp lực của lạm phát, lãi suất huy động của các ngân hàng đã tăng từ 0,1-0,45 điểm % ở nhiều kỳ hạn và không ít ngân hàng lớn cũng đã tham gia vào cuộc đua này. Việc tăng lãi suất huy động sẽ khiến cho áp lực chi phí đầu vào của các nhà băng tăng lên.

Tổng Hợp