Liên quan đến thông tin giám đốc một công ty môi giới bất động sản trên địa bàn mang sổ đỏ ra vỉa hè bày bán, ông Nguyễn Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận trả lời báo Tiền Phong cho biết, việc bày sổ đỏ ra vỉa hè bán là chưa có tiền lệ. Điều này không vi phạm gì nhưng cũng cần phải xem có thật sổ đỏ đất đai hay không.
Mạng xã hội lan truyền hình ảnh một người đàn ông ngồi trên vỉa hè, bên cạnh là rất nhiều cuốn sổ đỏ và tấm biển có dòng chữ “125 triệu đồng/1.000 m2”.
Qua tìm hiểu được biết người đàn ông trong bức ảnh là anh Nguyễn Hữu Trí (Giám đốc công ty môi giới Nhà đất trả góp, Bình Thuận).
Theo lời anh Trí nói với người viết, do thị trường khó khăn, công ty không có khách nên anh quyết định cho đóng cửa các chi nhánh rồi mang sổ đỏ đi khắp nơi để giới thiệu, rao bán.
Các sản phẩm hầu hết là đất trồng thanh long có giá khoảng 195 triệu đồng/1.000 m2, 215 triệu đồng/1.000 m2 do nông dân Bình Thuận ký gửi. Ngoài ra cũng có các sản phẩm khác như nhà ở của nhà đầu tư ký gửi.
Người đàn ông này cho biết khách hàng tới xem sổ có thể thoải mái chụp ảnh, đánh giá công khai. Công ty cũng có thể dẫn khách đi xem thực địa. Với cách bán hàng “sản phẩm thật”, “giá thật” anh Trí tự tin có thể triệt tiêu được các đối tượng bán đất trên giấy, “lùa gà”.
Để tiết kiệm phí mặt bằng, anh Trí quyết định cho đóng cửa hầu hết các chi nhánh, chỉ để lại một cái phục vụ cho việc công chứng. Nhân viên công ty toả đi khắp nơi làm truyền thông, tìm kiếm khách hàng.
“Tôi đi khắp các tỉnh Bình Dương, Tây Ninh, Long An, TP HCM, Vũng Tàu… Trong một tuần triển khai đã bán được 5 lô đất giá rẻ khoảng 195 triệu đồng/1.000 m2, 215 triệu đồng/1.000 m2… Các sản phẩm giá cao hơn thì rất khó có người mua”, anh Trí cho biết.
Cũng theo người đàn ông này, các sản phẩm hầu hết là đất nông nghiệp do người dân Bình Thuận ký gửi.
“Người dân trồng cây thanh long nợ tiền ngân hàng và điện lực nhiều trong khi thanh long rớt giá. Người dân kẹt tiền nên phải bán vườn. Nhiều người đã cầm cố sổ tại ngân hàng, tới hạn không có tiền trả sẽ bị mất sổ nên cũng cầu cứu rất nhiều. Ngoài ra, một số nhà đầu tư cá nhân cũng ký gửi nhà, đất cho công ty", anh Trí nói.
Các sản phẩm ký gửi được bán theo cách trả góp. “Ví dụ lô đất giá 300 triệu đồng khó bán thì nay khách hàng chỉ cần đưa trước 10 - 50 triệu đồng, số còn lại thanh toán dài hạn. Chúng tôi nới thời gian thanh toán ra để khách hàng có thể sở hữu sổ đất”, anh Trí cho biết.
Người đàn ông cho biết, anh khá tự tin vì bán sản phẩm thật, giá thật, có thể chuyển nhượng ngay cho khách. Cách bán hàng này sẽ triệt tiêu được các đối tượng bán đất trên giấy, “lùa gà”.
“Ban đầu người ta cũng thấy ái ngại, tưởng lừa đảo. Sau đó họ nghiên cứu, tìm hiểu và thấy ổn. Khách hàng có thể thoải mái chụp ảnh, đánh giá công khai. Ai quan tâm chúng tôi cũng hướng dẫn đi coi đất, sản phẩm thực tế”, anh Trí cho biết.
Ông Minh cho biết, tình hình thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh Bình Thuận cũng gặp phải khó khăn chung của thị trường như vốn tín dụng, thanh khoản kém nhưng không đến mức phải bày bán ra vỉa hè. Việc mang sổ đỏ ra vỉa hè bán có thể do dân đầu cơ đất đai gặp khó khăn nên bán tháo.
“Hình ảnh người dân mang sổ đỏ ra bày bán vỉa hè tại Bình Thuận tưởng chỉ 'đùa'. Chúng tôi sẽ kiểm tra về hiện tượng bán bất động sản kiểu này”, lãnh đạo tỉnh Bình Thuận cho hay.
Trước đây, Bình Thuận là một trong những “điểm nóng” về sốt đất. Theo lời môi giới địa phương, bên cạnh các yếu tố như hạ tầng và tiềm năng du lịch, việc sốt đất cục bộ xảy ra thời điểm cuối năm 2021 là do các "đội lái”, đầu cơ từ Hà Nội và TP HCM về thị trấn La Gi và huyện Hàm Tân săn đất, thổi giá.
Đất ven các trục đường như Hùng Vương, Lê Văn Duyệt, Đinh Công Tráng, DT709, Lê Minh Công, quốc lộ 55 đoạn Hàm Tân... có thời điểm tăng giá gấp 10 - 20 lần so với trước đây.
Đơn cử, đất nông nghiệp dọc trục đường Đinh Công Tráng, thị xã La Gi, trước có giá khoảng 400.000 đồng/m2 thì thời điểm tháng 12/2021 giá giao dịch lên khoảng 4 triệu đồng/m2.
Hiện nay khi cơn sốt đất qua đi, thị trường Bình Thuận trở nên trầm lắng, không chỉ các nhà đầu tư bị ảnh hưởng, có thể thấy các đơn vị môi giới cũng đang phải chật vật tìm cách tồn tại.