East Asia Forum: Kinh tế Việt Nam vượt qua cơn bão COVID-19 bằng chính sách đúng đắn

Theo East Asia Forum, ngày 6/10, tác giả Suiwah Leung, Phó giáo sư Đại học quốc gia Australia (ANU), ca ngợi chính phủ Việt Nam đã điều hành đất nước không chỉ đứng vững trước đại dịch, mà còn là "biểu tượng của sự kiên cường".

Giáo sư Suiwah Leung mở đầu bài viết: “Nền kinh tế và con người Việt Nam thường được mô tả là ‘kiên cường'. Không có gì tốt hơn để kiểm chứng điều này là liên quan đến đại dịch COVID-19”, “Sau khi giải quyết thành công COVID-19, Việt Nam vẫn ghi nhận mức tăng trưởng GDP 1,8% trong nửa đầu năm 2020, trong khi tăng trưởng âm ở hầu hết các nơi trên thế giới”.

Giáo sư Leung cho biết, theo báo cáo chứng khoán tháng 7/2020 của Ngân hàng Thế giới (WB), kết quả hoạt động kinh tế gần đây của Việt Nam là kết quả của hai động lực tăng trưởng - nhu cầu xuất khẩu và tiêu dùng nội địa - đều tăng liên tục trong hai quý đầu năm 2020.

Từ tháng 1 đến giữa tháng 4, xuất khẩu của Việt Nam ghi nhận mức tăng 13%/tháng, trong khi các đối tác thương mại như Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc... đều có dấu hiệu giảm mạnh. Trong giai đoạn này, tiêu dùng nội địa đã giảm xuống do sự giãn cách xã hội nghiêm ngặt và đóng cửa nền kinh tế. 

Sau đó, từ giữa tháng 4 đến cuối tháng 6, nền kinh tế trong nước bước vào giai đoạn phục hồi với sản xuất tăng trưởng 30% trong khi xuất khẩu hàng hóa giảm. WB dự báo tDP của Việt Nam sẽ đạt 2,8–3% vào năm 2020 và mức tăng trưởng trở lại trước khủng hoảng là 6,8% vào năm 2021.

  Các chính sách được Chính phủ Việt Nam thông qua trong giai đoạn đại dịch COVID-19 sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế của đất nước. Ảnh: TTXVN.

Các chính sách được Chính phủ Việt Nam thông qua trong giai đoạn đại dịch COVID-19 sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế của đất nước. Ảnh: TTXVN.

Theo WB, số liệu này dựa trên cơ sở Chính phủ Việt Nam đạ tích cực sử dụng chính sách tài khóa để hỗ trợ tăng trưởng trong ngắn hạn và nền kinh tế tiếp tục hưởng lợi từ chuyển hướng thương mại và đầu tư trong trung hạn thông qua việc tham gia các Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) được ký kết vào tháng 6/2020.

Một trong những biện pháp tức thời để hỗ trợ tăng trưởng là giảm bớt hạn chế di chuyển do du lịch đóng góp khoảng 10% vào tăng trưởng GDP. Sau nhiều tháng xảy ra rất ít ca nhiễm COVID-19 và không có ca tử vong, các báo cáo vào tháng 8 đã ghi nhận con số xoay quanh khoảng 1.000 ca nhiễm với 25 ca tử vong đến từ khu vực Đà Nẵng, một địa điểm du lịch nổi tiếng trong nước.

Tính đến cuối tháng 9, thống kê được báo cáo là 1.097 trường hợp nhiễm bệnh, 35 ca tử vong, nhưng không lây truyền trong nước trong 27 ngày. Do đó, các hạn chế áp đặt một lần nữa đang được dỡ bỏ và tác động kinh tế từ đợt này có thể không đáng kể.

Thêm vào đó, Chính phủ cũng đã áp dụng nhiều chính sách tài khóa khác, bao gồm: tăng chi các dự án đầu tư công, đặc biệt các dự án Hỗ trợ Phát triển Chính thức (ODA) hiện đang trong quá trình triển khai. Chính phủ cũng có các chương trình hỗ trợ khu vực tư nhân, chẳng hạn như đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số của đất nước cũng đang được thực hiện.

Việt Nam nhận được nhiều lời khen của quốc tế trong cuộc chiến chống COVID-19. Ảnh: AFP.
Việt Nam nhận được nhiều lời khen của quốc tế trong cuộc chiến chống COVID-19. Ảnh: AFP.

Vào giữa tháng 8, Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố ra mắt nền tảng blockchain akaChain (giải pháp chuyển đổi số), giúp các công ty rút ngắn thời gian dành cho các nhiệm vụ như thủ tục kê khai điện tử, chấm điểm tín dụng và các chương trình khách hàng thân thiết. Bảo mật và tính minh bạch được cải thiện trong các phát triển tương lai của công nghệ này. Ở một quốc gia có dân số tương đối trẻ, việc dạy và học từ xa, cũng như phẫu thuật trong y học từ xa, là những tiến bộ đã được COVID-19 thúc đẩy tại Việt Nam.

Giáo sư Leung đánh giá, khu vực kinh tế tư nhân chính thức là khu vực cần được hỗ trợ nhiều nhất. Lý giải về điều này, bà cho rằng khu vực tư nhân phi chính thức của Việt Nam (ngành du lịch và dịch vụ) có khả năng phục hồi nhanh hơn một khi các quy định về giãn cách xã hội được nới lỏng. Theo đó, WB cũng chỉ ra một số rủi ro liên quan đến các chiến lược ngắn hạn và trung hạn của Việt Nam:

Thứ nhất, về vị thế đối ngoại của Việt Nam, sự tăng trưởng mạnh mẽ về xuất khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài và dòng vốn kiều hối trong 5 năm qua đã tạo ra một vùng đệm dự trữ quốc tế khá thoải mái. Cơ cấu công nghiệp của Việt Nam là xuất khẩu gắn chặt với đầu vào nhập khẩu. Vì vậy xuất khẩu hàng hóa giảm đáng kể thường đi kèm với giảm nhập khẩu để cán cân thương mại hàng hóa không bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tuy nhiên, sự thiếu liên kết ngược trong cơ cấu công nghiệp của Việt Nam lại là một cản trở nghiêm trọng đối với tăng trưởng nhanh trong dài hạn.

Thứ hai, những nỗ lực củng cố tài khóa trong 3 năm qua đã giúp Việt Nam có khả năng nới lỏng các chính sách tài khóa trong ngắn hạn mà không làm tăng đáng kể gánh nặng nợ công. WB cảnh báo nợ công tăng cao có thể tạo thêm áp lực trong quá trình tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước (SOEs).

Cuối cùng, nới lỏng các chính sách tiền tệ hiện nay là việc cần thiết. Tuy nhiên, điều này có thể dẫn đến số lượng nợ xấu tăng lên trong hệ thống ngân hàng. Do vậy, Chính phủ Việt Nam cần quản lý rủi ro để xem xét tính hiệu quả của các chính sách điều tiết, từ đó đảm bảo tăng trưởng trong dài hạn.

Những cải cách cơ bản cần thiết để đạt được tham vọng thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình của Việt Nam vẫn không thay đổi, trong đó bao gồm: tái cấu trúc ngân hàng và DNNN, xây dựng các tổ chức công hiệu quả và có trách nhiệm. Đối nền kinh tế có độ mở cao như Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế thế giới bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19, cần phát huy công cuộc cải cách cơ cấu để xây dựng động lực tăng trưởng kinh tế.

Giáo sư Leung thừa nhận trong phần kết của bài viết rằng, "mặc dù có thể có một yếu tố may mắn trong việc chuyển hướng thương mại và đầu tư ngắn hạn cũng như thời điểm xử lý đại dịch, nhưng chính sách tốt nhìn chung đã được thông qua và sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo tăng trưởng kinh tế dài hạn của Việt Nam".

NGỌC CHÂU

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương