Lên bản làng nơi vùng cao xứ Huế, gửi từng sợi chỉ lưu giữ báu vật của người Tà Ôi

Phi dự án hỗ trợ nguyên vật liệu chỉ may cho cộng đồng dệt Dèng huyện A Lưới vừa bảo tồn nghề truyền thống vừa giúp bà con sống với nghề.

Dệt Dèng là một loại hình sản xuất thủ công độc đáo của đồng bào dân tộc Tà Ôi tại huyện vùng cao A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế. Vải Dèng có vai trò linh thiêng trong đời sống văn hoá người dân nơi đây, là không thể thiếu trong các hoạt động tín ngưỡng, thờ cúng, là vật đính ước của các cô gái với ý trung nhân hoặc để thể hiện lòng hiếu thuận với ông bà, cha mẹ, với những người có công với bản làng. 

Đây cũng là nền tiểu thủ công nghiệp truyền thống đại diện đặc trưng của huyện A Lưới và cũng được xem như một biểu tượng văn hoá nhưng lại dần có xu hướng bị mai một.

Lên bản làng nơi vùng cao xứ Huế, gửi từng sợi chỉ lưu giữ báu vật của người Tà Ôi

Để vải Dèng không chỉ nằm nơi lại bản nhỏ

Đa số phụ nữ tại đây được dạy dệt vải Dèng khi còn rất nhỏ, tuy nhiên lại ít người có thể dựa vào đây làm nguồn thu chính. Bởi vải Dèng truyền thống đến thời điểm hiện tại hầu như chỉ phục vụ làm của hồi môn cho con gái, quà cưới... Người dân chỉ bán, trao đổi quanh làng hoặc bán cho du khách khi có cơ hội nhưng với giá thành rất thấp. Đây có thể xem là nguyên nhân chính khiến phụ nữ Tà Ôi đang dần bỏ nghề dệt truyền thống để chuyển sang các công việc khác kiếm thu nhập trang trải cuộc sống trên những cánh rừng của bản làng. 

Là một người có niềm yêu thích với vải Dèng, nhà thiết kế Lanvy Nguyễn đã quyết tâm vượt qua những con đường đầy bùn lầy, sạt lở để đến với huyện vùng cao A Lưới, để tận mắt tìm hiểu quá trình bà con dệt nên tấm vải với khổ vải chỉ có 0.7m, dài nhất khoảng 3m - 3,5m nhưng lại mất tới gần cả tháng trời.

Chứng kiến quy trình làm ra một tấm vải cũng thấu hiểu những khó khăn của người dân nơi đây khi không có đủ điều kiện duy trì cũng như phát triển nghề mà ông cha để lại, NTK Lanvy Nguyễn không khỏi trăn trở với mong muốn đưa loại vải đặc biệt này ứng dụng vào thị trường may mặc trong nước và quốc tế.

Lên bản làng nơi vùng cao xứ Huế, gửi từng sợi chỉ lưu giữ báu vật của người Tà Ôi

“Loại chỉ len và màu sắc bà con dùng phù hợp với thời tiết, nhu cầu, bản sắc của người dân địa phương nhưng mục tiêu đặt ra không chỉ giữ nghề truyền thống bằng cách duy trì những gì đã có mà là giữ kỹ thuật dệt vải và luồn vải đặc biệt của Dệt Dèng cho nhiều thế hệ sau. 

Cần đẩy mạnh đa dạng màu sắc, mẫu mã, phát triển thêm sản phẩm bằng chỉ Cotton. Như vậy, bà con mới tiếp cận được đa dạng nhóm khách hàng, đáp ứng thị hiếu, nhu cầu mua sắm của nhiều nhóm khách du lịch khác nhau.

Có kinh tế, có đầu ra cho sản phẩm thì các bạn trẻ mới có động lực học nghề dệt Dèng và ở lại với nghề lâu dài. Nhờ vậy mới giữ gìn nghề truyền thống bằng cách nâng cao thu nhập cho người dân địa phương một cách bền vững được.” - NTK Lanvy Nguyễn chia sẻ.

Trước thực trạng đó, NTK Lanvy Nguyễn nói riêng cũng như Trung tâm Phát triển kinh tế và Bảo tồn văn hoá nói chung đã thực hiện phi dự án hỗ trợ nguyên vật liệu chỉ may cho cộng đồng dệt Dèng huyện A Lưới với nỗ lực bảo tồn nghề dệt truyền thống và quan trọng hơn cả là tìm cách đảm bảo sinh kế cho những người làm nghề, đồng thời cũng là nhà tài trợ trong việc hỗ trợ giới thiệu, đa dạng mẫu mã.

Dự án được triển khai tập trung tại huyện A Lưới, tỉnh thừa Thiên Huế. Đối tượng nhận tài trợ và hưởng lợi trực tiếp từ phi dự án hiện nay bao gồm hộ cá thể, nhóm dệt, Hợp tác xã dệt Dèng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Từ tháng 7/2018, Trung tâm Phát triển kinh tế và Bảo tồn văn hoá kết hợp với công ty TNHH Coats Phong Phú đã tiến hành các hoạt động tài trợ nguồn nguyên vật liệu phục vụ cho nghề dệt Dèng, tạo điều kiện cho người dân địa phương được làm nghề lâu dài, bền vững. Ký kết mới nhất được thoả thuận trong 2 năm từ 01/07/2022 đến 30/06/2024.

Dự án cũng nỗ lực đa dạng hoá các nguồn nguyên liệu được tài trợ để giúp người dân làm ra nhiều sản phẩm phong phú, bắt kịp thị hiếu người dùng hiện đại. Chẳng hạn, hiện nay dự án đang cung cấp nhiều màu sắc chỉ khác nhau cho người dân, bên cạnh màu đen và đỏ truyền thống của người Tà Ôi. Điều này khiến các sản phẩm dệt Dèng ngày càng đa dạng và đẹp mắt. 

Trung tâm Phát triển kinh tế và Bảo tồn văn hoá  giữ vai trò là đại diện tiếp nhận tài trợ chỉ của công ty Coats Phong Phú và phân phối miễn phí cho các đối tượng phù hợp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Trung tâm chịu chi phí về các công đoạn phân loại màu sắc, phân chia số lượng để đảm bảo công bằng cho các nhóm dệt và vận chuyển chỉ tài trợ từ văn phòng Trung tâm đến các HTX/THT/ làng nghề dệt Dèng, có biên bản giao nhận cho mỗi đợt và có sự xác nhận của đại diện Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện A Lưới mỗi hai tháng một lần.

Trong quá trình thực hiện phi dự án, Trung tâm thường xuyên liên hệ để nắm được nhu cầu của các chị em về màu sắc cũng như chất lượng sợi chỉ phù hợp, đồng thời khảo sát đánh giá hiệu quả của chương trình tài trợ chỉ để chương trình thực hiện đúng đối tượng và mục đích của phi dự án. 

Ngoài ra, Trung tâm cũng nỗ lực làm việc với các thiết kế, cố vấn của doanh nghiệp xã hội Fashion4freedom để kết hợp hỗ trợ chỉ Coats, thiết kế, công dệt vải, marketing cho phụ nữ dệt Dèng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Lên bản làng nơi vùng cao xứ Huế, gửi từng sợi chỉ lưu giữ báu vật của người Tà Ôi

Từ tháng 08/2018 đến 08/2022, Trung tâm đã tiến hành trao 31.052,4 kg chỉ với giá trị tài trợ ước tính là 4.192.074.000 và cũng nâng số thành viên tham gia vào HTX/THT/Làng nghề dệt Dèng lên đến 170 người.

Cùng với đó, Trung tâm đã tích cực trong việc làm việc, kết nối các nhà thiết kế nước ngoài (Anh, Mỹ,..) giúp quảng bá vải Dèng truyền thống với thời trang quốc tế qua các sự kiện, triển lãm. Trung tâm cùng với DNXH Fashion4freedom đã hoàn thành bộ sưu tập dựa trên nguyên liệu chính là vải Dèng, trình diễn bộ sưu tập “Reclamation” tại buổi trình diễn Elle Fashion Journey 2018, sự kiện như Shanghai Fashion Exhibitions ở Thượng Hải, Trung Quốc vào 11/2020.

Nâng cao vị thế của người phụ nữ dân tộc 

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp, tổ chức đã đồng hành cùng chia sẻ khó khăn với phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số. Theo Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam nhận định, phụ nữ nông thôn và dân tộc thiểu số thường có xu hướng lao động sớm, nhiều phụ nữ ở các địa phương là trụ cột gia đình khi vừa đảm đương việc nhà, vừa lo gánh nặng kinh tế gia đình. Song, họ còn rất thiếu cơ hội tiếp cận bình đẳng với tài chính và có ít cơ hội tự quyết định vấn đề có ảnh hưởng tới cuộc sống.

Lên bản làng nơi vùng cao xứ Huế, gửi từng sợi chỉ lưu giữ báu vật của người Tà Ôi

Nếu như Phi dự án hỗ trợ nguyên vật liệu chỉ may cho cộng đồng dệt Dèng huyện A Lưới cung cấp nguyên vật liệu, thì “Home for Life” - Một dự án của Home Credit Vietnam cung cấp dịch vụ tài chính hợp lý và có trách nhiệm để chị em phụ nữ có thể làm chủ cuộc sống.

Chị Phạm Thị Bích Liên, Trưởng phòng Vận hành Tiếp thị và Phát triển Bền vững Home Credit Vietnam đã từng chia sẻ: “Phụ nữ là một trong những đối tượng được ưu tiên hỗ trợ trong Chiến lược Tài chính Toàn diện Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Do đó, chúng tôi đặc biệt tập trung hướng tới mục tiêu mở rộng dự án Home for life để hỗ trợ phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn và cam kết mang đến cơ hội tiếp cận nguồn vốn đáng tin cậy cho họ.” 

Phi dự án hỗ trợ nguyên vật liệu chỉ may cho cộng đồng dệt Dèng huyện A Lưới còn hướng tới những mục tiêu cụ thể về cả mặt kinh tế xã hội lẫn tác động môi trường. Nhờ vào việc phát triển dệt Dèng có thể nâng cao mức sống dân cư, tạo thêm cơ hội việc làm, tăng thu nhập. Cùng với đó, nhờ có nguồn nguyên liệu được tài trợ, các em nhỏ chưa biết dệt sẽ có cơ hội để học hỏi và thử sức làm nghề.

Lên bản làng nơi vùng cao xứ Huế, gửi từng sợi chỉ lưu giữ báu vật của người Tà Ôi

Không chỉ vậy, do đặc thù nghề dệt Dèng nên đối tượng hưởng lợi của phi dự án chủ yếu tập trung vào phụ nữ dân tộc yếu thế cần được quan tâm và phát triển. Có thêm việc làm và nguồn thu nhập sẽ giúp họ được tôn trọng, có vai trò, tiếng nói hơn trong gia đình. 

Từ việc chỉ coi dệt Dèng là một nghề phụ, nhiều chị em tại đây không chỉ có thể tạo ra nguồn thu cho chính mình mà còn giúp đỡ các chị em khác có thêm công ăn việc làm. Như chị Lê Thị Kim Thoại (HTX thổ cẩm xã Nhâm) có những thời điểm do đơn hàng quá nhiều, để đảm bảo thời gian giao hàng đã thuê thêm 6 – 10 thợ dệt vải. Đặc biệt trong giai đoạn bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, nhờ vào nguồn chỉ tài trợ có sẵn các chị em vẫn có thể ở nhà dệt vải và giao hàng đi các nơi để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống.

Nhờ việc có thêm thu nhập, nhiều chị em không chỉ có thể cải thiện cuộc sống hàng ngày mà còn có thể suy tính cho tương lai. Chị Kăn Xao – HTX thổ cẩm xã Nhâm chia sẻ niềm vui giản đơn của mình khi có được nguồn thu nhờ dệt Dèng: “Nhờ có đơn đặt hàng mà chị có thể lợp lại mái tôn mới thay cái đã bị hỏng ở nhà”.

Lên bản làng nơi vùng cao xứ Huế, gửi từng sợi chỉ lưu giữ báu vật của người Tà Ôi

Không chỉ mang đến những lợi ích về kinh tế, phi dự án còn mang đến những lợi ích thiết thực về môi trường bởi nguồn chỉ dùng để tài trợ là nguồn chỉ dư từ nhà máy sản xuất sợi. Điều này góp phần tiết kiệm nguồn tài nguyên, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hạn chế khí thải gây hiệu ứng nhà kính bởi số chỉ đó nếu không dành cho tài trợ thì sẽ trở thành rác thải công nghiệp và bị nhà máy đem đi tiêu hủy.

Cùng với đó, việc tăng cường phát triển, quảng bá sản phẩm dệt Dèng cũng là một cách mang các sản phẩm văn hoá truyền thống Việt Nam đến gần hơn, không chỉ với du khách trong nước mà còn là bạn bè quốc tế. Chị Lê Thị Châu Quỳnh - Giám đốc Trung tâm Phát triển kinh tế và Bảo tồn văn hoá chia sẻ:

“Các sản phẩm dệt Dèng được dệt với nguồn chỉ mới với nhiều màu sắc hiện đại, cùng sự hỗ trợ về thiết kế đa dạng mẫu mã, kết hợp với tính truyền thống đã gây ấn tượng mạnh với khách hàng trong và ngoài nước, nâng cao hiểu biết của cộng đồng về nghề dệt Dèng truyền thống của địa phương. 

Lên bản làng nơi vùng cao xứ Huế, gửi từng sợi chỉ lưu giữ báu vật của người Tà Ôi
Lên bản làng nơi vùng cao xứ Huế, gửi từng sợi chỉ lưu giữ báu vật của người Tà Ôi

Du khách có dịp biết đến và quan tâm đến sản phẩm Dèng cũng như mong muốn đến thăm và trải nghiệm tại vùng đất A Lưới, góp phần trong việc kích cầu du lịch địa phương. Ngoài ra, có nhiều khách hàng quan tâm sản phẩm và liên hệ qua trang fanpage đã được kết nối trực tiếp đến với các HTX dệt Dèng huyện A Lưới. 

Các bộ sưu tập vải Dèng được thiết kế theo xu hướng thời trang hiện đại được quảng bá với thời trang quốc tế thông qua các sự kiện, triển lãm cũng được quan tâm và đón nhận.”

Với những giá trị của mình, năm 2016, Nghề dệt Dèng của người Tà Ôi đã được Bộ VHTTDL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo. Đây là niềm tự hào, vinh dự của đồng bào dân tộc Tà Ôi nói riêng và của tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung, góp phần vào sự phát triển nghề dệt Dèng. 

Hiện nay, các sản phẩm dệt Dèng của A Lưới đã có mặt trên toàn quốc và đang dần vươn ra quốc tế. Với những tiềm năng như hiện tại, nếu được hỗ trợ gìn giữ và phát triển đúng cách, sức sống của nghề dệt Dèng chắc chắn sẽ còn lan tỏa mạnh mẽ, từ đó giúp kích cầu phát triển du lịch huyện A Lưới cũng như Thừa Thiên Huế, truyền cảm hứng, tiếp nối nghề cho thế hệ mai sau.

Lên bản làng nơi vùng cao xứ Huế, gửi từng sợi chỉ lưu giữ báu vật của người Tà Ôi

“Quá trình để đưa chỉ Coats không chỉ về đến thành phố Huế mà đến tận từng địa bàn xã là tâm huyết không chỉ của một thành viên mà của cả tập thể từ các thành viên của nhà tài trợ, Trung tâm, UBND huyện và Phòng kinh tế hạ tầng huyện A Lưới.

Mặc dù phải di chuyển quãng đường xa với địa hình khó khăn nhưng các thành viên tham gia phi dự án vẫn luôn cảm thấy phấn khởi. Bởi có thể nhìn thấy nụ cười của các chị khi nhận được nguồn chỉ tài trợ, thấy được không khí vui tươi khi các thành viên cùng nhau chia chỉ hay những đứa trẻ rạng rỡ lúc được mẹ truyền dạy nghề cha ông để lại.” - Chị Châu Quỳnh vui mừng chia sẻ những thành công phi dự án đã đạt được sau quá trình đồng hành bền bỉ cùng chị em duy trì và phát triển nghề dệt Dèng tại A Lưới.

"Giải thưởng hành động vì cộng đồng - Human Act Prize" do Báo Nhân Dân chỉ đạo tổ chức, với sự tham gia đồng hành của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, cùng sự phối hợp tổ chức của Công ty Cổ phần VCCorp nhằm tôn vinh các cá nhân, tổ chức có những đóng góp tích cực cho xã hội thông qua những sáng kiến, dự án cộng đồng uy tín, mang lại hiệu quả lâu dài và bền vững.

Các dự án tham gia giải thưởng sẽ được đánh giá dựa trên 5 tiêu chí đại diện cho các giá trị và Giải thưởng Hành động vì Cộng đồng - Human Act Prize đang thúc đẩy, bao gồm tính cam kết, tính bền vững, tính sáng tạo, tính tác động, tính lan tỏa.

Rất mong giải thưởng có thể nhận thêm nhiều sự quan tâm cũng như đóng góp của cộng đồng!

Website chính thức: https://humanactprize.org/

Fanpage: https://www.facebook.com/HumanActPrize

Phạm Trang

Chuyện nữ nhà văn lai hai dòng máu và LOAN - Quỹ từ thiện mang tên người mẹ Việt: “Tôi muốn chữa lành vết thương của mẹ ngày ấy”

Chuyện nữ nhà văn lai hai dòng máu và LOAN - Quỹ từ thiện mang tên người mẹ Việt: “Tôi muốn chữa lành vết thương của mẹ ngày ấy”

Quỹ LOAN (LOAN Stiftung) do nữ nhà văn Isabelle Müller thành lập năm 2016 đã mang đến tương lai tươi sáng hơn cho những em nhỏ tại vùng nhiều khó khăn.