Không có một con số chi phí chính xác mà Qatar đã chi cho việc tổ chức FIFA World Cup 2022, giải đấu sắp diễn ra trong vài ngày tới nhưng người ta chắc chắn rằng đây là kỳ World Cup đắt nhất trong số các kỳ World Cup được tổ chức kể từ lần đầu tiên vào năm 1930. Theo một số ước tính, chi phí của nó thậm chí có thể nhiều hơn 21 kỳ trước đó cộng lại.
Theo nhiều chuyên gia và báo cáo, chi phí có thể vượt quá 200 tỷ USD hoặc có thể còn cao hơn nữa. Các kỳ World Cup đắt đỏ nhất được ghi nhận trước đây là giải đấu năm 2014 ở Brazil và năm 2018 ở Nga, cả hai đều có giá dưới 15 tỷ USD.
Dan Plumley, giảng viên về tài chính thể thao tại Đại học Sheffield Hallam, nói rằng khi Qatar được chọn làm chủ nhà năm 2022 vào năm 2010, ước tính ban đầu cho thấy chi phí tiềm năng là 65 tỷ USD.
"Một số ước tính gần đây cho biết nó có khả năng lên tới 200 tỷ USD. Đây sẽ là mức chi phí lớn nhất được ghi nhận cho đến nay", ông nói. "Mặc dù chúng ta vẫn chưa biết chính xác bao nhiêu".
Qatar tổ chức World Cup không phải vì tiền
Công ty tư vấn tài chính thể thao Hoa Kỳ Front Office Sports đã ước tính chi phí 220 tỷ USD trong khi Hassan Al Thawadi, người đứng đầu cơ quan được giao nhiệm vụ tổ chức giải đấu, nói rằng chi phí cơ sở hạ tầng tính từ khi nước được trao tổ chức giải đấu cho đến khi kết thức ước tính sẽ vượt quá 200 tỷ USD.
Lý do cho sự không chắc chắn này là phần lớn trong số hàng tỷ USDa mà chính phủ Qatar đã chi trước giải đấu là dành cho cơ sở hạ tầng phi bóng đá, chẳng hạn như hệ thống tàu điện ngầm mới, sân bay quốc tế, đường xá mới, khoảng 100 khách sạn mới và các tiện nghi giải trí.
Phần lớn khoản đầu tư đó là một phần của dự án đầu tư công rộng lớn của quốc gia vùng Vịnh này, dư án được gọi là Tầm nhìn Quốc gia Qatar 2030.
Kieran Maguire, một chuyên gia tài chính bóng đá tại Đại học Liverpool, nói: "World Cup đóng vai trò như một công cụ thúc đẩy chính phủ Qatar muốn giải quyết các vấn đề liên quan đến cơ sở hạ tầng của đất nước. Nó giúp họ trở thành tâm điểm. So với các kỳ World Cup khác, nó đắt hơn rất nhiều".
Theo Plumley, đó là một "vụ đánh cược quyền lực mềm" khổng lồ mà thực sự sẽ dẫn đến thua lỗ về mặt thương mại - điều mà Doha ít quan tâm do nguồn năng lượng dồi dào của bán đảo giàu khí đốt này.
Ông nói, những lợi ích chính mà Qatar đang tìm kiếm là phi thương mại. "Quan hệ quốc tế là động lực chính để họ tổ chức giải đấu và đó cũng là sức mạnh mềm như một chiến lược quốc phòng và an ninh. Tiền rõ ràng không phải là vấn đề đối với Qatar. Quốc gia này rõ ràng có đủ khả năng để tổ chức World Cup và sẵn sàng chấp nhận những mất mát đi kèm… Theo nhiều cách, World Cup 2022 là một sự bất thường về tài chính".
Ngay cả khi có bất thường về tài chính, Qatar 2022 vẫn phải vật lộn với câu hỏi về "di sản", như mọi kỳ World Cup gần đây. Đó là ý tưởng rằng giải đấu sẽ để lại một dấu ấn có ý nghĩa cho xã hội nói chung trong nước, một giải đấu biện minh cho sự phung phí tài chính chỉ trong bốn tuần của bóng đá.
Đăng cai một giải đấu là cuộc đấu tranh lớn về tài chính đối với hầu hết các kỳ World Cup, nhưng trong trường hợp của Qatar, có còn có thêm những nghi ngờ.
Một trong những vấn đề rõ ràng nhất là các sân vận động. Trong số tám địa điểm, bảy địa điểm đã được xây dựng khi nước này được chọn là quốc gia đăng cai vào năm 2010. Chính phủ Qatar cho biết chi phí xây dựng chúng là 6,5 tỷ USD. Khi World Cup kết thúc, đất nước chỉ có 2,8 triệu dân này sẽ không cần nhiều địa điểm thi đấu lớn như vậy.
Sau giải đấu, ba trong số các sân vận động sẽ tiếp tục tổ chức các trận đấu, nhưng năm sân vận động còn lại sẽ bị tháo dỡ, chuyển đổi lại cho các mục đích thay thế hoặc giảm sức chứa đáng kể.
Maguire tin rằng Qatar cũng sẽ sử dụng cơ sở hạ tầng mới để xin phép đăng cai các trận chung kết lớn của châu Âu trong tương lai, chẳng hạn như Europa League hoặc Champions League.
Giải đấu được trả giá bằng sinh mạng của hàng ngàn lao động nhập cư
Bao trùm lên câu hỏi về chi phí của World Cup là số phận của những người lao động nhập cư đã làm việc cực nhọc ở đất nước này trong thập kỷ qua. Kể từ khi được trao giải đấu vào năm 2010, Qatar đã phải đối mặt với sự chỉ trích nặng nề từ các nhóm nhân quyền vì cách đối xử với người lao động nước ngoài.
Năm 2016, Tổ chức Ân xá Quốc tế cáo buộc Qatar sử dụng lao động cưỡng bức tại Sân vận động Quốc tế Khalifa, một sân vận động hàng đầu của nước này.
Các báo cáo cho rằng, hàng nghìn lao động nhập cư đã chết ở Qatar kể từ năm 2010. Vào tháng 2 năm 2021, tờ The Guardian đưa tin rằng 6.500 lao động nhập cư từ Ấn Độ, Pakistan, Nepal, Bangladesh và Sri Lanka đã chết ở nước này trong khoảng thời gian từ năm 2010 đến năm 2020.
Qatar đã thực hiện một số cải cách lao động trong những năm gần đây, nhưng theo Tổ chức Ân xá Quốc tế, vẫn còn những vấn đề lớn cần phải giải quết. "Cuối cùng, tình trạng vi phạm nhân quyền vẫn tồn tại ở quy mô đáng kể cho đến ngày nay", tổ chức này cho biết trong một báo cáo vào tháng trước.
Một lần nữa FIFA lại thắng
Đối với FIFA, cơ quan quản lý quốc tế của bóng đá, cái chết của công nhân nhập cư cũng như câu hỏi về chi phí sẽ không ảnh hưởng đến lợi nhuận mà mình thu về.
Dan Plumley cho biết giải đấu sẽ mang lại lợi ích tài chính lớn cho FIFA, giống như giải đấu năm 2018.
"Đối với FIFA, World Cup là lợi ích tiền tệ và tạo doanh thu để tài trợ cho các hoạt động của nó trong mỗi chu kỳ bốn năm", ông nói, chỉ ra thực tế là doanh thu từ World Cup 2018 của FIFA vượt quá mong đợi của của tổ chức này.
"Hãy mong đợi thành công tương tự từ Qatar đối với FIFA. Việc tổ chức một giải đấu có thể khiến quốc gia đăng cai phải trả một khoản chi phí đáng kể, nhưng lợi ích của FIFA là đảm bảo sự kiện diễn ra thành công và tất nhiên, họ không cần phải lo lắng quá nhiều về chi phí".
(DW)