Trước đó vào ngày 9/3, MobiFone được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép số 09/GP-NHNN cho các dịch vụ trung gian thanh toán bao gồm: Dịch vụ cổng thành toán điện tử; Dịch vụ hỗ trợ thu hộ, chi hộ; Dịch vụ hỗ trợ chuyển tiền điện tử và dịch vụ ví điện tử.
Cụ thể, ví điện tử của MobiFone giúp khách hàng thực hiện các giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt trên chính chiếc điện thoại của mình một cách dễ dàng như nhận và chuyển tiền, nạp tiền điện thoại, thanh toán các hóa đơn điện, nước, truyền hình, Internet và nhiều tính năng tiện ích khác…
Đại diện MobiFone cho biết, ví MobiFone Pay ứng dụng các công nghệ tiên tiến, bảo mật nhất hiện nay để thực hiện việc định danh, xác thực khách hàng như hệ thống định danh eKYC, xác thực đăng nhập qua sinh trắc học nhận diện gương mặt (Face ID), cảm biến vân tay (Touch ID) hoặc qua mật khẩu nhằm đem đến trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng khi sử dụng dịch vụ.
Hiện, MobiFone Pay đã liên kết với 38 ngân hàng. Người dùng có thể tải ứng dụng từ các kho ứng dụng trực tuyến của Apple và Google.
Thị trường ví điện tử bùng nổ
Năm 2020 ghi nhận thị trường fintech Việt Nam bùng nổ khi Báo cáo kinh tế số E-Conomy SEA 2020 của Google và Temasek (Singapore) khẳng định, VNPay đã chính thức trở thành kỳ lân công nghệ.
Là kỳ lân đầu tiên của Việt Nam trong lĩnh vực fintech, VNPay đã có bước tăng trưởng ấn tượng sau khi “bắt tay” với hàng chục ngân hàng Việt Nam xây dựng các ví điện tử sử dụng mã QR để thanh toán.
Trong khi đó, năm 2020, ví điện tử MoMo cũng khiến thị trường ngạc nhiên khi tuyên bố sở hữu hơn 20 triệu khách hàng cá nhân, đây là con số mơ ước của mọi fintech. Đáng chú ý, chỉ trong vòng 5 năm qua, lượng khách hàng cá nhân của ví điện tử này đã tăng gấp 40 lần.
Không riêng gì Momo, hàng loạt ví điện tử khác như Moca, Zalo pay, AirPay... cũng đã có những thay đổi đáng kể trong bối cảnh các doanh nghiệp dần chuyển đổi từ phương thức kinh doanh, bán hàng truyền thống sang hình thức online.
Dù sự nhộn nhịp của sân chơi ví điện tử là tín hiệu đáng mừng đối với lĩnh vực fintech Việt Nam nhưng điều này đồng thời cũng báo hiệu sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường này trong thời gian tới. Nhiều ví điện tử đã phải chọn hướng đi mới để tồn tại và giữ khách hàng.
Trong hướng đi đó, việc liên kết với các sàn thương mại điện tử được các ví điện tử lựa chọn nhiều nhất để tăng tỉ lệ người dùng quay trở lại cũng như tăng khách hàng trung thành.
Đơn cử như từ tháng 11/2019, Lazada chính thức tích hợp phương thức thanh toán qua ví điện tử eMonkey (eM). Shopee cũng áp dụng nhiều chính sách khuyến mại hấp dẫn cho người dùng khi thực hiện thanh toán qua ví AirPay, Sendo có ví SenPay, Tiki hợp tác với ví điện tử MoMo.
Nhiều chuyên gia tài chính nhận định, bắt đầu từ năm 2021, sau giai đoạn bùng nổ, thị trường ví điện tử nói riêng và fintech nói chung sẽ bắt đầu có các cuộc chạy đua về thành lập hệ sinh thái số, đồng thời thanh lọc lẫn nhau.
Những ví điện tử, fintech na ná giống nhau sẽ phải tìm hướng đi mới, xây dựng nên những “siêu ứng dụng” để tồn tại, nếu không muốn lao vào cuộc đua “đốt tiền” lãng phí.