Trước đó vài ngày, trên mạng xã hội Facebook xôn xao thông tin "một cuộc mua bán lan đột biến giữa vườn lan var Đất mỏ (TX.Đông Triều) với 4 cá nhân, có tổng giá trị lên đến 250 tỉ đồng". Cụ thể, lá non Pleiku được bán với giá khởi điểm hơn 20 tỉ đồng; lá non Cờ đỏ giá khởi điểm 18 tỉ đồng và 1 kie Hồng chương chi có giá khởi điểm 15 tỉ đồng.
Ai mà biết được một ai đó bỏ cả “núi tiền” mua một nhành lan chỉ vì đam mê hay đó là kiểu mua bán “thịt lừa”. Xin hãy nhớ rằng tiền mình bỏ ra là tiền thật, tiền mồ hôi nước mắt. Còn có bán được không, với những cái giá trên trời như lúc mua thì lại là chuỵên khác.
Hình ảnh các "tấm gương" đổi đời, làm giàu nhanh chóng từ hoa lan, dễ dàng kiếm tiền tỷ trong thời gian ngắn đã đánh vào tâm lý hám lợi của một số bộ phận người dân, thúc đẩy họ tham gia đầu tư vào hoa lan đột biến.
Từ một thú chơi lúc trà dư tửu hậu, việc kinh doanh hoa lan đột biến gen đang trở thành trào lưu với sự tham gia của nhiều thành phần xã hội. Hầu hết người chơi đều mong kiếm lời dễ dàng, đổi đời trong chớp mắt; không ít người trong số đó bất chấp rủi ro, cầm cố tài sản, vay mượn ngân hàng, người thân, thậm chí huy động cả nguồn "tín dụng đen" để đầu tư.
Đây là nguyên nhân dẫn đến nguy cơ vỡ nợ dây chuyền, phát sinh các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến "tín dụng đen", "đòi nợ thuê", tội phạm trộm cắp, cướp giật tài sản.
[caption id="attachment_18131" align="aligncenter" width="522"] Giá trị lan đột biến được định giá[/caption]
Ngày 19.3, UBND TX.Đông Triều (Quảng Ninh) cho biết, đơn vị này vừa có văn bản gửi Công an cùng Chi cục thuế TX.Đông Triều về việc kiểm tra giao dịch lan đột biến (lan var) trị giá 250 tỉ đồng tại P.Mạo Khê (TX.Đông Triều). Theo đó, Chủ tịch UBND TX.Đông Triều yêu cầu lực lượng công an chủ trì, phối hợp cùng Chi cục thuế và UBND P.Mạo Khê xác minh cụ thể thông tin trên, tham mưu UBND thị xã xử lý theo quy định trước ngày 23.3.
Những chồng tiền, cục tiền, mà không, phải là đồi tiền, núi tiền, thậm chí “hoang đường tiền”… cho một nhánh lan đột biến (lan var) lại làm nóng dư luận.
Và phải mở ngoặc thêm, chuyện “núi tiền” mua lan var không phải là mới khi năm ngoái, cũng tràn ngập những thông tin khi một kie (mầm con phát triển từ mắt của cây lan mẹ) mang tên gì đó "Huyền thoại..." được bán với giá 15 tỉ đồng, hay một giao dịch "bí ẩn" về chậu lan Juliet đột biến với giá được cho là mấy chục tỉ đồng...
Để khỏi tranh luận mất thời gian, những người muốn “xuống tiền” hãy cứ hỏi công an và phòng thuế. Công an thì đã liên tục cảnh báo từ mấy năm nay. Mới nhất, hôm 17.3, Công an Tuyên Quang lại vừa khuyến cáo người dân cần tỉnh táo, tìm hiểu kỹ thông tin về giá cả, mặt hàng trước âm mưu, thủ đoạn của các đối tượng lợi dụng hoạt động mua bán hoa lan đột biến gene nhằm mục đích trục lợi, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Một đại gia đam mê cây cảnh cho biết, năm ngoái dòng lan đột biến đã lắng xuống thì năm nay lại bùng lên mạnh hơn. Trong thời gian sắp tới, những vụ giao dịch thế này có thể sẽ diễn ra tràn lan hơn. Nhiều người tiền ở nhà chưa chắc đã có nhưng bán nhà, bán xe mua lan nhưng giá trị thu về lại bằng không.
Ví dụ bán 1 mắt lan giá 1 tỷ đồng, nhưng nếu sang năm ra hoa không phải như cam kết ban đầu, mắt đó dài hơn 2 phân thì phải đền 20 tỷ đồng, nếu dài 5 phân phải đền tới 50 tỷ đồng. Vậy nên những giao dịch mua bán ở đây là bằng lòng tin chứ không ai biết được thật giả như thế nào. Trong hàng triệu cây lan mới có 1 cây đột biến, không thể có lắm đột biến như thế được. Vậy nhưng mỗi một năm ai cũng thấy trên thị trường xuất hiện hàng loạt cây đột biến. Nếu so sánh với năm ngoái, chỉ có vài loại đột biến thì năm nay phải có đến 30 loại đột biến.