Chỉ còn 2 tuần nữa là kết thúc năm 2020, song đại dịch COVID-19 - vốn hoành hành thế giới suốt 1 năm nay - vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt. Theo giới quan sát, cuộc khủng hoảng dịch tễ đang làm nổi rõ 2 xu hướng: Trọng tâm kinh tế dịch chuyển sang châu Á và cuộc đối đầu Mỹ-Trung ngự trị chính trường quốc tế.
Năm 2020, năm tồi tệ nhất?
Phải chăng năm 2020 thực sự là năm tệ hại nhất trong lịch sử nhân loại như nhận định của tạp chí Time số ra ngày 14/12/2020?
Đúng sai thế nào hạ hồi phân giải, nhưng có một điều chắc chắn rằng đây là một năm đầy tang tóc. Đại dịch COVID-19 bùng phát ở Vũ Hán (Trung Quốc) từ cuối năm 2019 đã thật sự để lại một dấu ấn kinh hoàng trong tâm trí nhân loại.
Quảng trường Puerta del Sol tại Madrid, Tây Ban Nha, vắng vẻ sau khi chính phủ ban bố tình trạng khẩn cấp hồi tháng 3/2020. Ảnh: Reuters |
Chỉ trong vỏn vẹn 1 năm, thế giới có hơn 72 triệu người nhiễm bệnh, hơn 1,6 triệu người chết vì COVID-19. Pascal Boniface, chuyên gia về địa chính trị của Viện Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (IRIS), nói trên kênh truyền hình quốc tế France 24: “COVID-19 sẽ là một sự kiện đáng nhớ trong lịch sử ngành địa chính trị.
Thế giới quen thuộc đột nhiên biến mất, một thế giới hoàn toàn mới bỗng xuất hiện. Đường phố hoang vắng không một bóng người. Cả thế giới như bị tê liệt, hơn một nửa cư dân địa cầu bị 'giam lỏng ở nhà'. Hầu như toàn bộ các đường biên giới bị đóng cửa". Theo một báo cáo của mạng xã hội Twitter công bố ngày 7/12, từ khóa COVID-19 và những thuật ngữ có liên quan được sử dụng đến gần 400 triệu lần. Năm 2020 sắp qua đi, và đây là dịp để nhìn lại những bài học đau đớn cũng như đưa ra dự đoán về những thách thức trong tương lai.
Phương Tây và cú sốc kép
Khủng hoảng COVID-19 là một cú sốc kép về dịch tễ và kinh tế. Các hoạt động kinh tế, giao dịch thương mại đột nhiên ngưng trệ, thất nghiệp tăng cao do chính phủ các nước áp đặt nhiều biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt, khiến nhiều cơ sở kinh doanh và doanh nghiệp bị phá sản.
Các nước phương Tây ngỡ ngàng nhận ra rằng họ đã quá lệ thuộc vào nguồn cung của Trung Quốc từ các sản phẩm tiêu dùng hàng ngày cho đến các mặt hàng từng bị cho là thứ yếu nhưng hiện giờ lại mang tính chiến lược ví dụ như khẩu trang.
Số ca nhiễm COVID-19 tăng đột biến khiến các chính phủ trở tay không kịp. COVID-19 đã phơi bày những yếu kém của các nước phương Tây, vốn luôn tự hào về những thành quả xã hội đạt được, trong công cuộc đối phó với dịch bệnh. Số nạn nhân COVID-19 tại châu Á thấp hơn nhiều so với phương Tây. Hiện giờ, trong khi châu Á đang dần khôi phục đời sống sinh hoạt bình thường, thì châu Âu và Mỹ vẫn loay hoay với các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh.
Quan tài của các bệnh nhân COVID-19 được chôn cất tập thể trên Đảo Hart, quận Bronx, phía đông New York hôm 9/4. Ảnh: Reuters. |
Thái độ cao ngạo, chủ quan có lẽ là những nguyên nhân chính. Dịch COVID-19 bùng phát tại châu Âu và Mỹ còn gióng lên hồi chuông suy tàn của phương Tây, trong đó hình ảnh hố chôn tập thể ở New York, bệnh viện bị quá tải ở châu Âu thật sự gây sốc.
Ông Pascal Boniface, tác giả cuốn sách “Địa chính trị COVID-19” nói: “Điều này thật sự không có gì mới mẻ vì từ nhiều năm qua, phương Tây đã mất độc quyền về thế mạnh, nhưng họ không nhận ra điều đó. Có thể nói, cuộc khủng hoảng COVID-19 là một bài học về sự khiêm tốn và khiến phương Tây bừng tỉnh nhận ra rằng họ không còn là những nước duy nhất có sức mạnh, họ cũng không còn là những nước duy nhất giàu có, trên thực tế còn nhiều nước khác có chỗ đứng quan trọng trên trường quốc tế ngày nay”.
Thế kỷ XXI, kỷ nguyên của châu Á
“Người khổng lồ da trắng” giờ đây khó có thể “một vai gánh cả địa cầu” như câu nói của nhà văn Anh Rudyard Kipling trong thế kỷ XIX. Trong bối cảnh dịch bệnh về cơ bản đã được kiểm soát, châu Á - từ Trung Quốc, đầu tầu kinh tế, đến Hàn Quốc hay Việt Nam - sẽ sớm tăng trưởng trở lại.
Trong khi đó, thị trường châu Âu suy sụp, rơi vào trầm cảm chưa biết khi nào thoát. Đại dịch COVID-19 dường như còn đẩy nhanh hơn nữa xu hướng chuyển dịch đầu tư, công-kỹ nghệ và các thị phần sang vùng Viễn Đông. Theo bình luận của nhà sử học Pierre Grosser trên đài France Culture (Pháp), điều này một lần nữa khẳng định “Mỹ không còn là đầu tầu tăng trưởng cho châu Á nữa, mà chính châu Á đảm nhiệm vị trí này”.
Đáng chú ý là dịch COVID-19 bùng lên từ Vũ Hán nhưng không cản trở được Trung Quốc tiếp tục đà đi lên thành cường quốc. Dịch bệnh là “cơ hội vàng” để Bắc Kinh tiếp tục gia tăng ảnh hưởng, củng cố thế mạnh kinh tế-quân sự, mà bằng chứng điển hình là Hiệp định Đối tác Kinh tế Khu vực Toàn diện (RCEP) được ký kết hồi trung tuần tháng 11/2020 giữa 15 nước châu Á-Thái Bình Dương, dưới sự chủ trì của Trung Quốc.
Dịch COVID-19 bùng lên từ Vũ Hán nhưng không cản trở được Trung Quốc tiếp tục đà đi lên thành cường quốc. Ảnh: Xinhua. |
“Ở đâu Donald Trump bỏ trống, ở đó Tập Cận Bình len vào” là nguyên nhân chính giải thích vì sao Bắc Kinh vẫn có thể gia tăng ảnh hưởng bất chấp nguồn gốc khởi phát dịch bệnh từ Trung Quốc.
Chuyên gia Pascal Boniface nói: “Trung Quốc đã biết cách tận dụng sự vắng mặt của Mỹ trong bối cảnh nước Mỹ chủ trương co cụm, mà hành động điển hình là ngừng tất cả các chương trình tài trợ cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đúng vào thời điểm nguồn tài chính này là rất cần thiết. Nhờ vậy, Trung Quốc đã gia tăng sự hiện diện của mình. Có thể nói, mức độ Bắc Kinh tăng cường sự hiện diện tỷ lệ thuận với sự thoái lui của Mỹ”.
COVID-19 còn làm cho cuộc chiến giành bá quyền giữa Mỹ và Trung Quốc trên nhiều mặt trận - từ kinh tế, quân sự cho đến công nghệ cao - thêm phần gay gắt. Đối đầu trực diện giữa hai nước phải chăng là điều không thể tránh khỏi?
Chuyên gia Pascal Boniface khẳng định rằng đọ sức Mỹ-Trung vẫn sẽ là chủ đề thời sự quốc tế hàng đầu mà ở đó, châu Á sẽ là đấu trường chính. Ông nói: “Mầm mống đối đầu đã có từ trước bởi vì Mỹ cảm thấy khó chấp nhận thực tế Trung Quốc bắt kịp mình do từ năm 1945, Mỹ là cường quốc hàng đầu. Họ cho rằng nước Mỹ có những phẩm chất đạo đức hơn tất cả những nước khác, nên việc bị một nước khác đuổi kịp, mà đó lại là một nước châu Á, một nước cộng sản, là điều không thể chấp nhận được đối với Mỹ".
Có thể nói, hiện là thời điểm quan trọng của cuộc khủng hoảng dịch tễ COVID-19 vì sự đối đầu Mỹ-Trung đã trở thành một sự kiện lớn điển hình quan trọng nhất ở cấp độ địa chính trị và có thể kéo dài trong nhiều năm tới. Cuộc cạnh tranh giữa Bắc Kinh và Washington chắc chắn sẽ là chủ đề xuyên suốt của địa chính trị toàn cầu.
(Theo TTXVN)