Nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam đang chịu áp lực từ nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và lạm phát thế giới tăng cao.
Các chuyên gia của Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô ASEAN+3 (gọi tắt là AMRO) dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm nay là 6,3%, đứng thứ 2 Đông Nam Á, chỉ sau Philippines.
Ông Hoe Ee Khor - Chuyên gia kinh tế cao cấp, Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô ASEAN+3 cho biết: "Các chính sách tài chính linh hoạt giúp kích thích nền kinh tế Việt Nam, thu hút đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng và thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng trong nước. Những điều này giúp kinh tế Việt Nam chống chịu tốt hơn trước những cú sốc từ bên ngoài và duy trì đà tăng trưởng".
Cũng theo các chuyên gia, Việt Nam đang có những tiền đề vững chắc để vượt qua những biến động toàn cầu hiện nay. Đó là tình hình chính trị ổn định, một Chính phủ nhất quán trong hành động, đồng nội tệ ổn định, dự trữ ngoại hối cao kỷ lục và lạm phát trong tầm kiểm soát
Nhiều hãng tin lớn như Reuters, Bloomberg, Nikkei Asia đồng loạt đưa tin về quyết định của Việt Nam giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn về mức sàn. Các bài viết đều nhận định đây là giải pháp kịp thời để kiểm soát lạm phát trong bối cảnh giá xăng dầu tại Việt Nam đang tăng do những biến động của thị trường thế giới.
Bà Delphine Rousselet - Giám đốc điều hành Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đánh giá: "Quyết định này của chính phủ Việt Nam chắc chắn sẽ có những tác động tích cực tới chuỗi cung ứng hiện đang bị gián đoạn nghiêm trọng và cũng sẽ giúp Việt Nam đạt được mục tiêu của mình là giữ lạm phát trong năm nay dưới mức 4%".
Về phần mình, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá cao việc các nhà chức trách Việt Nam đã áp dụng các chính sách để giảm bớt tác động của đại dịch. Việt Nam đã triển khai chiến dịch tiêm chủng ấn tượng. Chính phủ đã duy trì thành công ổn định ngân sách, năng lực trả nợ quốc tế và ổn định tài chính. IMF cùng nhiều định chế tài chính lớn khác đưa ra những dự báo lạc quan cho kinh tế Việt Nam trong nửa cuối năm nay và cả năm sau.
"Phục hồi kinh tế đã có dấu hiệu mở rộng kể từ quý II năm nay. Các chỉ số kinh tế tiếp tục phục hồi tốt trong tháng 6. Sự phục hồi có thể tăng tốc rõ rệt vào cuối năm nay, đặc biệt khi ngành du lịch đã mở cửa trở lại sau 2 năm. Chúng tôi tin rằng triển vọng tích cực của kinh tế Việt Nam về trung hạn vẫn được duy trì", bà Michele Wee - Tổng Giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam nhận định.
Tổng Hợp