"Phản ứng miễn dịch của cơ thể đối với nhiễm trùng thường đau đớn hơn so với việc nhiễm trùng. Điều tương tự cũng đúng với dịch bệnh và nền kinh tế", tờ Wall Street Journal bình luận.
Cũng như các cuộc tấn công khủng bố và khủng hoảng tài chính, dịch bệnh tạo ra sự bất ổn lan rộng và đôi khi là hoảng loạn. Các chính phủ và cá nhân thường phản ứng bằng tâm lý sốc, khuếch đại tác động kinh tế toàn cầu của nó. Thị trường chứng khoán Mỹ giảm mạnh vào thứ hai (26/2), do lo ngại virus lây lan sang các nước khác, là ví dụ.
Các nhân viên phun thuốc khử trùng ở Hồ Bắc, Trung Quốc. (Getty Images) |
"Chúng ta chuyển từ sự tự tin đến hoảng loạn và hành động không dựa trên bằng chứng nên gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế", Lawrence Gostin, Giám đốc của Viện O'Neill về Luật Sức khỏe Quốc gia và Toàn cầu tại Đại học Georgetown nói.
Chuyên gia kinh tế và quan chức các nước đang quan tâm đến tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát tại thành phố Vũ Hán (thuộc tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) đối với nền kinh tế toàn cầu.
Theo trang web bbc.com phiên bản tiếng Trung Quốc, đến thời điểm này, hầu hết các chuyên gia kinh tế quốc tế cho rằng tác động của COVID-19 đối với nền kinh tế Trung Quốc sẽ ngắn hơn so với thời gian dự báo ban đầu, nhưng với quy mô nghiêm trọng hơn khi ảnh hưởng lan rộng trên toàn thế giới. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến khác nhau về dự báo mức độ ảnh hưởng.
Khác với thời điểm xảy ra dịch SARS năm 2003, Trung Quốc đã thay đổi rất nhiều, tình hình kinh tế thế giới cũng không như trước đây.
GDP năm 2003 của Trung Quốc chỉ là 1.600 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với con số 14.300 tỷ USD của năm 2019. Năm 2003, Trung Quốc mới chỉ là nền kinh tế lớn thứ 7 thế giới còn giờ đây, quốc gia này đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 với vai trò không thể thiếu trên thị trường toàn cầu.
Theo đánh giá của nhiều tổ chức quốc tế uy tín dự báo dịch bệnh COVID-19 này có thể khiến GDP toàn cầu giảm khoảng 0,3-0,7 điểm % năm 2020, tương đương mức thiệt hại khoảng 160 tỷ USD - hơn 200 tỷ USD, gấp khoảng 4 lần dịch Sars năm 2003. Có thể nói Trung Quốc chao đảo, cả thế giới cũng sẽ bị cuốn vào vòng xoáy.
Xáo trộn chuỗi cung ứng toàn cầu
Vũ Hán vốn là một trung tâm vận tải và công nghiệp của Trung Quốc. (Nguồn: Shutterstock) |
Trước dịch bệnh người dân sẽ có tâm lý co cụm, chờ đợi tạo một lực cản tới chuyển động đầu tư. Điều này thể hiện rõ nhất là các chuyến thăm dò, khảo sát thị trường hiện nay đều bị dừng lại. Cùng với đó, tiêu dùng sẽ bị đình trệ, giảm sút trừ 1 số mặt hàng thiết yếu. Bản thân tác động của dịch đã lớn nhưng đáng lo ngại hơn là tâm lý hoang mang, hoảng loạn không chỉ ảnh hưởng tới tiêu dùng mà còn tác động tới cả đầu tư, sản xuất.
Vũ Hán là một thành phố lớn, đồng thời là một mắt xích quan trọng trong chuỗi công nghiệp chế tạo của Trung Quốc. Thành phố này có các cụm công nghiệp quy mô lớn trong các lĩnh vực điện tử, xe hơi và dược phẩm. Việc Vũ Hán và tỉnh Hồ Bắc đang ở vào trạng thái phong tỏa, thời gian phục hồi còn chưa rõ gây lo ngại cho tất cả các bên về ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế toàn cầu, hiệu ứng domino kinh tế.
Tờ The Guardian (Anh) chỉ rõ, nhiều công ty toàn cầu dựa vào các nhà cung cấp của Trung Quốc. Ví dụ, trong số 800 nhà cung cấp của Apple, có 290 nhà cung cấp ở Trung Quốc, Trung Quốc chiếm 9% sản lượng TV trên toàn cầu.
50% ngành sản xuất của Vũ Hán có liên quan đến ngành công nghiệp ô tô, 25% liên quan đến các nguồn cung công nghệ khác trong khu vực. Giới lãnh đạo các hãng xe hơi ở châu Âu và Mỹ đã cảnh báo rằng họ chỉ còn vài tuần nữa là thiếu nguồn cung liên quan đến xe ô tô. Do thiếu các linh kiện do Trung Quốc cung ứng, Hyundai Motors đã ngừng hoạt động tại Hàn Quốc trong vài ngày.
Ảnh hưởng đến các quốc gia khu vực châu Á
Theo phân tích của The Guardian, Đông Nam Á hiện là một trong những khu vực đang đứng trước nguy cơ cao nhất vì có mối quan hệ chặt chẽ với nền kinh tế địa phương khổng lồ của Trung Quốc.
Mặc dù Nhật Bản giàu có hơn, nhưng nước này cũng phải đối mặt với những rủi ro lớn. Trung Quốc là thị trường tiêu thụ lớn về máy móc công nghiệp, xe ô tô, xe tải và hàng tiêu dùng công nghệ tiên tiến của Nhật Bản. Một số lượng lớn linh kiện do Trung Quốc sản xuất được xuất khẩu sang các nhà máy Nhật Bản.
Một số tổ chức tài chính cho rằng, virus corona sẽ gây hiệu ứng domino đối với nền kinh tế Trung Quốc, có tác động đến chuỗi cung ứng toàn cầu và làm giảm tăng trưởng kinh tế thế giới. (Nguồn: mobiwork.vn) |
Ngoài ra còn có hàng triệu khách du lịch Trung Quốc đến Nhật Bản mỗi năm. Nhật Bản đã có sự chuẩn bị trong việc hủy 400.000 khách du lịch đến Nhật Bản trong quý I năm nay.
Nền kinh tế Australia cũng liên kết chặt chẽ với Trung Quốc. Thủ tướng Australia Scott Morrison cảnh báo dịch bệnh COVID-19 sẽ gây sức ép lớn đến nền kinh tế Australia. Rất nhiều trường đại học Australia, nơi tiếp nhận một lượng lớn sinh viên Trung Quốc, cũng chịu ảnh hưởng.
Ảnh hưởng đến Anh, EU và Mỹ
Thống đốc Ngân hàng trung ương Anh Mark Carney gần đây đã tuyên bố trước Ủy ban về các vấn đề kinh tế Hạ viện rằng tác động của đại dịch COVID-19 đối với nền kinh tế Trung Quốc lớn hơn tác động kinh tế do sự lây lan của dịch SARS năm 2003.
Mặc dù gần đây có thông tin nói rằng số người bị nhiễm mới COVID-19 đang giảm, nhưng hiện còn quá sớm để đưa ra phán đoán toàn diện về tình hình kinh tế vĩ mô của Trung Quốc và quốc tế. Ngân hàng trung ương Anh (BoE) cũng như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), đang theo dõi chặt chẽ diễn biến của tình hình.
Ông Carney khẳng định các bài kiểm tra áp lực đối với ngành ngân hàng Anh cho thấy các ngân hàng nước này đã chuẩn bị tốt để đối phó với tác động lớn hơn đến tăng trưởng kinh tế. Một số chuyên gia kinh tế cho rằng hiện nay vẫn còn khó để dự đoán tác động quốc tế của COVID-19.
Giờ đây khi Trung Quốc hắt hơi, cả thế giới cảm cúm. |
Giống như các nước châu Âu khác, Anh có thể sẽ hạn chế dòng khách du lịch Trung Quốc đến Anh mà không ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế nước này. Tuy nhiên, các điểm nóng du lịch của Anh mà du khách Trung Quốc rất thích đến tham quan, như trung tâm mua sắm Bicester Village ở Oxfordshire, có thể sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng.
Tờ The Guardian cho biết, nếu thương mại toàn cầu bắt đầu chậm lại như dự báo, Anh sẽ cảm nhận được tác động lớn hơn. Anh có mối liên hệ chặt chẽ với tất cả các nền kinh tế lớn trên thế giới, vì vậy khi nền kinh tế toàn cầu “hắt hơi”, Anh luôn bị “cảm lạnh”. Năm ngoái, ngành công nghiệp sản xuất của Anh rơi vào suy thoái do cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc.
Tờ “Tin tức hàng ngày” (Đức) mới đây có bài viết cho rằng nền kinh tế Đức sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, Bộ trưởng Kinh tế Đức Pet Peter Altmaier đầu tháng 2/2020 nhận định, còn quá sớm để đánh giá ảnh hưởng của COVID-19 đến nền kinh tế Đức như thế nào.
Hãng tin EU Reporter dẫn lời Đại sứ Trung Quốc tại Bỉ, Tào Trung Minh cho rằng những thay đổi trong nền kinh tế Trung Quốc sẽ có tác động đến châu Âu, nhưng ảnh hưởng chỉ là tạm thời và trong tầm kiểm soát. Sau khi dịch bệnh kết thúc, hợp tác giữa Trung Quốc và EU sẽ tiếp tục phát triển gắn bó như trước đây, đà phát triển cũng sẽ sớm được phục hồi.
Goldman Sachs dự đoán kinh tế Mỹ quý I/2020 mất 0,8 điểm phần trăm do thiệt hại từ việc du lịch giảm, xuất khẩu và gián đoạn chuỗi cung ứng. Peter Berezin, Chiến lược gia trưởng toàn cầu tại BCA Research, ước tính tăng trưởng toàn cầu sẽ giảm về 0 trong quý hiện tại và sau đó tăng trở lại, với mức thiệt hại tăng trưởng cả năm là 0,5 điểm phần trăm.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, hai ước tính tác động của dịch Covid-19 này và nhiều dự báo khác đến nay cũng chỉ là phỏng đoán.
Người châu Á bị giễu cợt, phê phán và cự tuyệt vì corona
Dịch virus corona ở Trung Quốc dẫn đến sự phân biệt đối xử, lời lẽ thù ghét, thậm chí là bạo lực nhắm vào người gốc Á ở nhiều nước.