Các ngân hàng như BIDV, Techcombank, Eximbank, TPBank , VietABank, OCB… vừa thông báo cho khách hàng yêu cầu đăng ký sinh trắc học để chuẩn bị áp dụng quy định mới trong giao dịch gửi tiền.
Theo đó, các nhà băng thông báo, từ 1/7, chuyển tiền trực tuyến trên 10 triệu đồng mỗi lần hoặc hơn 20 triệu mỗi ngày phải được xác thực bằng sinh trắc học (vân tay, nhận diện khuôn mặt) khớp với dữ liệu trên căn cước công dân (CCCD) gắn chip.
Ngoài ra, việc chuyển đổi ứng dụng giao dịch trực tuyến, hoặc thanh toán hóa đơn định kỳ trên 100 triệu đồng cũng được một số nhà băng yêu cầu phải xác thực bằng hình thức này.
Ngân hàng TPBank cho biết, từ đầu tháng 5 khách hàng có thể bắt đầu đăng ký dữ liệu sinh trắc học, gồm dữ liệu khuôn mặt, vân tay đồng bộ với thông tin CCCD gắn chip, để sử dụng trong xác thực giao dịch giá trị cao thông qua app TPBank và các điểm giao dịch của ngân hàng.
"Việc triển khai sớm xác thực giao dịch bằng sinh trắc học từ trước cả thời điểm quy định mới, có hiệu lực không chỉ sớm tăng cường bảo mật mà còn giúp khách hàng chủ động thời gian đăng ký; tránh tình trạng quá tải đăng ký nhận diện trước 1/7”, địa diện ngân hàng cho biết, theo TPO.
Đại diện ngân hàng BIDV cũng cho biết, ngân hàng triển khai thông tin sớm với khách hàng. Theo đó, khách hàng chỉ cần vào app của ngân hàng có thể khai báo thông tin về sinh trắc học.
HDBank, một trong những ngân hàng thương mại tư nhân có doanh số giao dịch khách hàng cá nhân lớn cũng đã áp dụng hình thức bảo mật an toàn, xác thực danh tính thông qua nhận diện sinh trắc học vân tay, khuôn mặt trên kênh chuyển tiền qua ứng dụng điện thoại.
Ở góc độ cơ quan quản lý, ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (trực thuộc NHNN) cho biết mục đích của việc xác thực khuôn mặt là đảm bảo chính chủ đang thực hiện giao dịch.
"Xác thực sinh trắc học là khuôn mặt thật chứ không phải hình ảnh cài trên điện thoại, tức là người thực hiện chuyển tiền phải soi khuôn mặt mình vào ứng dụng, nhìn lên nhìn xuống để đảm bảo đây là hình ảnh sống", ông Tuấn cho biết.
Dấu hiệu sinh trắc học có thể được xác định bằng dữ liệu sinh trắc học lưu trong chip của căn cước công dân và tài khoản VNeID do Bộ Công an quản lý, hoặc dữ liệu sinh trắc học lưu trong cơ sở dữ liệu của ngân hàng.
"Công nghệ này được xem là hạn chế khả năng làm giả và sẽ có tính bảo mật cao nhất", lãnh đạo NHNN khẳng định.
Ông Tuấn đồng thời nhấn mạnh từ ngày 1/7, kể cả khi khách hàng lỡ chuyển tiền vào tài khoản của các đối tượng lừa đảo thì cũng có thể lấy lại tiền do đã có quy định mới rất cụ thể. Trường hợp kẻ gian dùng tài khoản của khách hàng để chuyển tiền, cơ quan công an sẽ nhanh chóng xác định được danh tính qua đối chiếu với thông tin trên căn cước gắn chip, theo Zing.
Theo số liệu thống kê của NHNN, hiện có khoảng 90% các khoản chuyển tiền liên ngân hàng dưới 10 triệu đồng, chỉ 10% chuyển trên 10 triệu đồng.
Vì vậy, các chuyên gia nhận định mức độ ảnh hưởng từ sự thay đổi này đến trải nghiệm của người dùng là không lớn. Với khả năng ứng dụng công nghệ hiện nay của các tổ chức tín dụng, việc xác thực sinh trắc học chỉ mất khoảng 3-5 giây.