Ngân hàng nghìn tỷ kinh doanh chìm trong thua lỗ với mức kỷ lục, nợ xấu tăng cao khi thay lãnh đạo mới

Báo cáo tài chính hợp nhất của Ngân hàng Quốc dân (NCB) cho biết, nhà băng này lỗ hơn 200 tỷ trong quý IV/2021, với các hoạt động kinh doanh chính đều lao dốc so với cùng kỳ. Nợ xấu tăng vọt, báo lỗ cao nhất lịch sử sau khi thay đổi Chủ tịch HĐQT.

Kết quả kinh doanh không mấy tích cực của NCB diễn ra trong bối cảnh nhà băng này vừa có sự thay đổi nhân sự lãnh đạo chủ chốt, với sự xuất hiện của CEO một tập đoàn bất động sản hàng đầu Việt Nam. Cuối tháng 7, Bà Bùi Thị Thanh Hương được bầu vào vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị NCB sau phiên họp cổ đông bất thường.

Ngoài bà Hương, các cổ đông Ngân hàng Quốc dân (NCB) cũng bầu bổ sung bà Trương Lệ Hiền vào Hội đồng quản trị ngân hàng. Sau phiên họp, Hội đồng quản trị NCB có 5 thành viên, gồm ông Nguyễn Tiến Dũng, ông Phạm Thế Hiệp, ông Kido Tamaki, bà Bùi Thị Thanh Hương và bà Trương Lệ Hiền. Bà Bùi Thị Thanh Hương, sau đó, cũng được bầu vào vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị thay cho ông Nguyễn Tiến Dũng. Ông Dũng đảm nhận vai trò Phó chủ tịch Hội đồng quản trị.

Bà Hương sinh năm 1980, có kinh nghiệm hơn 20 năm trong lĩnh vực kiểm toán - tài chính ngân hàng - quản lý điều hành doanh nghiệp. Bà từng giữ vị trí Phó tổng giám đốc phụ trách tài chính - chiến lược, Phó giám đốc phụ trách khối tài chính kiêm kế toán trưởng của một số ngân hàng có tiếng. Năm 2018, sau khi rời vị trí Phó tổng giám đốc của một ngân hàng, bà Hương đảm nhận vị trí CEO của một tập đoàn bất động sản.

Động thái thay đổi nhân sự cấp cao giúp cổ phiếu NCB được chú ý, bất chấp việc nhà băng này nằm trong nhóm kém nhất của hệ thống ngân hàng. Trên thị trường chứng khoán, mã NVB ghi nhận mức tăng gấp 3 lần chỉ trong thời gian ngắn, từ mức 9.000 đồng lên vùng giá 30.000 đồng, nằm trong nhóm cổ phiếu ngân hàng tăng giá mạnh nhất năm vừa qua.

Trong ba tháng cuối năm, thu nhập lãi thuần của NCB giảm hơn 70% xuống còn 170 tỷ đồng. Hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư tăng gần gấp ba lên 270 tỷ, nhưng cũng không đủ sức bù đắp phần sụt giảm từ hoạt động chính. Kết quả, tổng thu nhập hoạt động của NCB quý cuối năm giảm 30%. Trong khi các hoạt động chính giảm mạnh, chi phí hoạt động của ngân hàng này tăng 20% lên 265 tỷ đồng. NCB cũng trích chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng thêm 80 tỷ đồng so với cùng kỳ. Tính cả các khoản xử lý theo đề án tái cấu trúc, NCB lỗ hơn 200 tỷ trong quý IV, gấp 8 lần so với cùng kỳ năm 2020. Tính chung cả năm, NCB không báo lỗ nhưng kết quả kinh doanh không cải thiện so với 2020, đi ngược với xu hướng chung của hệ thống ngân hàng. Theo đó, cả năm 2021, nhà băng này báo lãi chỉ vỏn vẹn hơn 2 tỷ đồng.

Tính đến hết 2021, chất lượng tài sản của NCB cũng đi xuống rõ rệt do tác động của Covid-19 khi nợ nhóm 2 tăng gấp 4,4 lần lên 3.155 tỷ đồng, nợ xấu nhóm 3 tăng gần gấp 10 lần lên 600 tỷ, nợ xấu nhóm 4 tăng gấp đôi lên 180 tỷ đồng. Do đó, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của nhà băng này tăng từ mức 1,51% hồi đầu năm vọt lên 3% vào cuối 2021.

Tổng Hợp