Người dân đi rút tiền ở TP.HCM có vi phạm Chỉ thị 16 không?

Trường hợp người dân ra ngoài rút tiền ở cây ATM hoặc ngân hàng được xem là "thật sự cần thiết", có thể rút nhiều tiền hơn bình thường để hạn chế tối đa việc ra ngoài.

Ngày 9/7, TP.HCM áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Nhiều người dân sống tại TP.HCM thắc mắc, đi rút tiền tại ATM hoặc ngân hàng thì có vi phạm Chỉ thị 16 không, vì không phải chỗ nào cũng có thể thánh toán được bằng thẻ.

z2611283324664_941f0fd9799a8136d18cb44fd45eace1(1).jpg
Ảnh minh họa.

Trả lời thắc mắc này, luật sư Đào Thị Bích Liên (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết như sau:

Điều 2 Công văn 2279 (ban hành ngày 8/7) nêu rõ: Nhằm giảm thiểu tối đa nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng, yêu cầu mọi người dân ở nhà, chỉ ra ngoài trong một số trường hợp thật sự cần thiết. Trong đó có quy định việc ra ngoài để mua lương thực, thực phẩm.

Tuy Chỉ thị 16 và công văn 2279 không nêu rõ việc có được ra ngoài cây ATM hay ngân hàng để rút tiền hay không. Nhưng để đảm bảo an toàn cho mọi người và phát huy hiệu quả phòng, chống dịch bệnh Công văn 2279 nêu rõ: Căn cứ vào tình hình diễn biến dịch COVID-19 trên địa bàn TP, trên cơ sở “có kế thừa, có đổi mới; vừa làm vừa rút kinh nghiệm, hoàn thiện mở rộng dần; không cầu toàn, không nóng vội” nhằm triệt để khoanh vùng, tập trung truy vết và dập dịch trong cộng đồng”.

Trường hợp người dân ra ngoài rút tiền ở cây ATM hoặc ngân hàng cũng được xem là "thật sự cần thiết". Nhưng cũng nên hạn chế tối đa việc ra đường, có thể rút nhiều tiền hơn mức bình thường để dùng cho những lần sau. Trong trường hợp khẩn cấp cần rút tiền, người dân nên đi một mình, không đi nhiều người, theo Zing.

Đồng thời, người dân cần tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng chống dịch của Bộ Y tế, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; không tập trung quá 2 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, bệnh viện và phải giữ khoảng cách tối thiểu 2m.

Nếu người dân ra đường không có lý do chính đáng, không đeo khẩu trang, không giữ khoảng cách 2m sẽ bị phạt từ 1-3 triệu đồng (theo điểm a, khoản 1, Điều 12 Nghị định 117 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế). Các hành vi này vi phạm không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế.

Tối 12/7, tại cuộc họp báo thông tin về tình hình dịch bệnh và triển khai các biện pháp phòng chống theo Chỉ thị 16 tại TP.HCM, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Từ Lương cho biết, từ 0h ngày 9/7 đến 17h ngày 12/7, 21 quận/huyện và và TP.Thủ Đức đã tổ chức 7.305 cuộc kiểm tra với 603 đoàn kiểm tra, lập biên bản xử phạt hành chính 12.433 vụ; tổng số tiền xử phạt là hơn 3,3 tỷ đồng, theo CAO.

Trong 2 ngày đầu, lực lượng chức năng chủ yếu xử phạt và nhắc nhở, 2 ngày tiếp theo đã tăng cường xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định phòng, chống dịch COVID-19. Tính riêng trong 2 ngày (từ 17h ngày 10/7 đến 17h ngày 12/7), các địa phương đã xử phạt hơn 2,2 tỷ đồng, gấp 4 lần so với 2 đầu thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16.

(Tổng hợp)

AN LY