Người dân nên xét nghiệm đậu mùa khỉ nếu có triệu chứng nghi ngờ

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) nếu có các triệu chứng như sốt, nhức đầu, đau cơ, đau lưng, mệt mỏi, sưng hạch bạch huyết, phát ban, tổn thương ở da, người dân nên đến bệnh viện xét nghiệm đậu mùa khỉ.

Theo HCDC, các tổn thương da ban đầu của đậu mùa khỉ bằng phẳng, sau đó nổi nốt có dịch, sau một thời gian sẽ đóng vảy, khô và bong ra. Những nốt này có xu hướng tập trung ở mặt, lòng bàn tay, lòng bàn chân, có thể gặp ở miệng, bộ phận sinh dục và mắt. Thời gian ủ bệnh từ 5 - 21 ngày, các triệu chứng thường 2 - 3 tuần và tự biến mất.

Bệnh đậu mùa khỉ lây truyền qua dịch tiết ra từ vết thương và giọt bắn. Người có thể bị lây bệnh đậu mùa khỉ do tiếp xúc gần với người mắc bệnh khi mặt đối mặt, da kề da, miệng kề miệng hoặc miệng kề da, kể cả quan hệ tình dục.

Theo TTXVN, khi người bệnh có vết thương hở, sờ vào đồ vật, khi người khác sờ đúng vị trí đó cũng có thể bị lây nhiễm. Theo nghiên cứu, bệnh này lan truyền nhiều nhất ở giới đồng tính nam do có quan hệ đồng tính, do những mụn nước này xuất hiện nhiều ở vùng kín, hậu môn.

Nhận diện bọng nước đậu mùa khỉ, đến ngay bệnh viện xét nghiệm nếu nghi ngờ - Ảnh 1.

Bọng nước đậu mùa khỉ.

Phân biệt đậu mùa khỉ, đậu mùa và thủy đậu: Về tác nhân gây bệnh, bệnh đậu mùa khỉ và đậu mùa có liên quan với nhau, đều thuộc họ Poxviridae và nhóm Orthorpoxvirus. Nhưng bệnh đậu mùa lây từ người sang người; còn đậu mùa khỉ, không những lây từ người sang người mà còn qua động vật gặm nhấm (khỉ).

Còn thủy đậu thuộc họ Human, nhóm Herpesviridae, lây từ người sang người. Bệnh này đang lưu hành và có vaccine phòng bệnh nhưng không nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia mà phải tiêm dịch vụ.

Hiện vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ chưa có, nhưng có thể dùng vaccine của đậu mùa, có thể tạo miễn dịch phòng bệnh đậu mùa khỉ với hiệu quả 85%.

Về thời gian ủ bệnh, cả ba loại bệnh này đều giống nhau là 5 - 21 ngày. Triệu chứng bệnh cũng giống nhau, với các biểu hiện sốt, đau cơ, đau đầu, có sang thương ở da, niêm mạc (ban đầu xuất hiện hồng ban, đến sẩn, bóng nước, và cuối cùng là đóng mài khô).

Điểm khác biệt giữa bệnh đậu mùa khỉ và thủy đậu là vị trí bóng nước, hạch, vết sẹo. Cụ thể, với bệnh đậu mùa khỉ thì bóng nước từ mặt rồi lan ra cơ thể, hạch sưng to, vết sẹo sâu; còn thủy đậu thì bóng nước từ thân lan ra, ít khi có hạch sưng to, vết sẹo nông. 

Đối với việc chẩn đoán và mức độ nặng, lây lan: bệnh đậu mùa khỉ được chẩn đoán qua thực hiện PCR Monkeypox virus từ sang thương, mức độ lây lan ít, tỉ lệ tử vong 3-6%. Còn thủy đậu được thực hiện qua PCR VZR từ sang thương bóng nước, mức độ lây lan cũng ít, tỉ lệ tử vong thấp.

Hiện Việt Nam chưa có quy định cách ly người có dấu hiệu mắc bệnh nhưng theo khuyến cáo của WHO, người bệnh nên tự cách ly tại nhà 21 ngày. HCDC khuyến cáo, người dân có triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM để được xét nghiệm, điều trị.

(tổng hợp)

HÀ MY

Đọc nhiều nhất