Nhà thơ Nguyễn Phong Việt: 'Thơ vẫn nên là một đam mê, đừng đắm chìm hay kỳ vọng điều gì lớn lao từ nó'

"Thơ ca vẫn luôn là phần tâm hồn nhạy cảm nhất, là nơi tôi nói được những tiếng nói thầm kín nhất trong lòng..."

Từng được mệnh danh là “Một hiện tượng xuất bản thơ”, “Nhà thơ best seller”… của Việt Nam, nhưng cũng không ít người gọi thơ anh là “sến”, “ủy mị”, “thực dụng”… trước mọi luồng ý kiến, Nguyễn Phong Việt vẫn luôn thẳng thắn đối diện, không né tránh. Dường như sau mọi biến cố, sau những tổn thương đã gặp phải trong đời như một số mệnh, Nguyễn Phong Việt vẫn điềm tĩnh và bình thản với tất cả. Anh luôn giữ cho mình một nguồn năng lượng hiền hòa, tĩnh tại, cố gắng “thành thật với cảm xúc trên trang viết” – như anh chia sẻ.

Giờ đây, sau hành trình 10 năm với 10 tập thơ trong mỗi mùa Giáng sinh, một hành trình mà anh vẫn gọi là “tự chữa lành”, Nguyễn Phong Việt tạm dừng lại, tìm cho mình một quãng nghỉ để chuẩn bị cho những kế hoạch tiếp theo trên hành trình thơ ca.

Nhà thơ Nguyễn Phong Việt (Ảnh: internet).
Nhà thơ Nguyễn Phong Việt (Ảnh: internet).

 “Không có gì tốt hơn là phải tự trưởng thành từ những biến cố bản thân mình đã trải qua”

- Phóng viên (PV): Khép lại hành trình 10 năm với “Đã đi qua thương nhớ” đúng như kế hoạch, một hành trình dài để tìm lại chính mình, sau những mất mát và tự chữa lành, đây có thể gọi là một “happy-ending” không, thưa anh?

- Nguyễn Phong Việt: Thật ra tôi nghĩ không nên gọi đấy là “happy- ending” mà đúng hơn phải gọi là mình đã đi đến được điểm khởi đầu của hành trình thấu hiểu bản thân và chấp nhận những mất mát của đời sống vốn dĩ định sẵn. Hành trình ấy còn rất dài nhưng may mắn là mình đã đi được những bước đi đầu tiên.

Mình tự chữa lành những vết thương của bản thân và biết cách tạo ra được niềm vui sống giản dị nhất có thể. Phải mất 10 năm để làm được những điều đấy, không ngắn cũng không quá dài, nhưng đó là một hành trình xứng đáng. Suy cho cùng, không có gì tốt hơn là phải tự trưởng thành từ những biến cố bản thân mình đã trải qua.

- Tâm hồn nhạy cảm, nhưng đằng sau đó vẫn nhìn thấy một sự tỉnh thức để mỗi ngày tìm lấy sự cân bằng, để về với sự bình yên. Thơ anh có phải sự phản chiếu chính nội tâm anh?

- Sự thật là như vậy. Như rất nhiều người trẻ khác, tôi vào đời bằng tất cả sự ngây ngô và cuồng dại, hoàn toàn không hiểu mình nhưng lại mang những mộng ước rất lớn lao. Thế nên, những ngày tháng phải vật lộn với đau thương và niềm tuyệt vọng để sống sót là tất yếu.

Ảnh: internet.
Ảnh: internet.

Chỉ là có thể tôi may mắn học cách đối diện với những thử thách ấy một cách trực diện nhất. Có những ngày tôi phải tự học cách nói chuyện với chính mình để tìm ra đáp án cho lựa chọn của ngày mai phải sống tiếp như thế nào. Tôi thích viết bằng trải nghiệm của bản thân, và chỉ như thế tôi mới có thể thành thật với cảm xúc trên trang viết.

- Anh có thực sự tìm thấy được sự bình yên trong tâm hồn chưa? Thơ ca có vai trò như thế nào trong hành trình chữa lành đó của anh?

- Tôi tin là mình đã tìm thấy sự bình yên trong tâm hồn của mình, nhưng cuộc đời không nên nói trước về những sóng gió có thể xảy ra. Mỗi ngày, tôi đều chuẩn bị cho mình tâm thế của một người tập trung sống trọn vẹn một ngày. Còn lại, bất cứ điều gì xảy ra trong đời sống này với tôi đều không còn là bất ngờ. Tôi chỉ là học cách thuận theo quy luật tự nhiên, cái gì xảy ra thì mình phải đón nhận, vấn đề là nên đón nhận bằng sự bình tâm hay bấn loạn.

Còn nói riêng về thơ ca, đó vẫn luôn là phần tâm hồn nhạy cảm nhất của tôi và cũng là nơi tôi nói được những tiếng nói thầm kín nhất trong lòng mình mà đôi khi không thể thổ lộ với bất cứ ai.

- Quá nhiều cảm xúc với tất cả, nhưng luôn tìm được cách cân bằng, anh nghĩ mình yếu đuối hay mạnh mẽ?

- Tôi có cả hai mặt đối lập của sự yếu đuối lẫn mạnh mẽ. Nhưng nếu phải nhận diện một cách rõ ràng về nội tâm của mình, tôi tin mình đang mạnh mẽ. Vì ngay cả vào những giây phút yếu đuối nhất tôi cũng biết rõ mình yếu đuối. Tức là tôi không còn bất ngờ về những cảm xúc hiện diện bên trong mình. Tôi học cách không bao giờ nên phủ định những gì đã và đang diễn ra với mình, chỉ là học cách hiểu nó và uốn nắn nó theo chiều hướng tích cực nhất.

Ảnh: internet.
Ảnh: internet.

“Nghề viết, nếu là nghiệp thì hãy theo đuổi đến cùng, nhưng hãy mưu sinh bằng một nghề khác, làm ơn đừng mơ mộng”

“Một hiện tượng xuất bản thơ”, “Nhà thơ best seller”…, anh nghĩ gì về những “danh xưng” đó mà công chúng dành cho mình ạ? Đó là một loại giá trị, một mục tiêu hay một áp lực?

- Tôi nghĩ đó là một sự ưu ái. Dù tôi được gán vào danh xưng nào đi nữa tôi cũng biết rằng có người không thích thơ tôi, thậm chí ghét những gì tôi viết ra vì nó chẳng tạo ra giá trị gì cả. Với tôi tất cả những điều ấy là bình thường. Tôi, trong khả năng của mình, đang tạo ra một tần số rung động về cảm xúc. Những ai cùng tần số ấy với tôi, họ sẽ chia sẻ được với tôi, còn lại dĩ nhiên là không thể. Với những gì mà tôi đã có với những cuốn sách của mình, nó chỉ là hiện thân của hai điều: chăm chỉ và may mắn!

- Từ thơ tình đến thơ thiếu nhi, một kế hoạch kĩ lưỡng và dài hơi, sự nhạy bén về một thị trường tác phẩm dành cho thiếu nhi đang bỏ ngỏ, hay một trạng thái người ta gọi là “cảm thấy cần phải làm như thế” ạ?

- Đủ mạch nước sẽ làm thành con suối, đủ con suối thì sẽ hội tụ thành sông. Tôi không cố gắng đặt ra mục tiêu cuộc đời mình phải như thế nào cả, chỉ đơn giản là cái duyên của những ý tưởng một ngày nào đó chín mùi rồi tạo nên hình hài của một cuốn sách.

10 năm với 10 tập thơ dành cho người lớn vào mỗi mùa Giáng sinh cũng đã là quá nhiều, tôi cần dừng lại để cho mình một trải nghiệm mới mẻ hơn, độc giả của tôi cũng cần lắng đọng lại sau một hành trình trưởng thành cùng tôi qua từng trang viết. Tôi chuyển hướng viết thơ cho thiếu nhi đến từ lý do là tôi có những câu chuyện trong đời sống hàng ngày chăm sóc cậu con trai nhỏ của mình. Nó là thứ chất liệu xuất hiện tự nhiên và đến một ngày tôi nghĩ tôi cần viết ra.

Nhà thơ Nguyễn Phong Việt bên gia đình nhỏ (Ảnh:internet).
Nhà thơ Nguyễn Phong Việt bên gia đình nhỏ (Ảnh:internet).

Bên cạnh đó, đúng là mảng thơ thiếu nhi song ngữ đang bị thiếu rất nhiều, tôi muốn mình có thể làm một mạch nước nhỏ để khơi lại cái dòng chảy lớn lao ấy. Tôi không dám chắc mình sẽ còn đi bao lâu với thơ thiếu nhi sau hai tập thơ song ngữ “Xin chào những buổi sáng” và “Những chiếc ghế trong căn bếp nhỏ”, nhưng tôi sẽ luôn cố gắng hết sức mình trong mỗi tác phẩm thiếu nhi mà mình viết ra.

- Thời gian gần đây, nhiều vấn đề về thơ ca trở thành tâm điểm của dư luận, nhiều tác phẩm thơ đương đại được đưa vào các đề thi và cả sách giáo khoa phổ thông, hoặc đơn cử như bài thơ “Mẹ vẫn luôn ở đây để ôm con…” của anh cũng được đưa vào một đề thi lớp 10, độ tuổi của độc giả quan tâm đến thơ cũng trẻ hơn. Đó có phải một dấu hiệu tốt không thưa anh?

- Tôi vẫn luôn mong là như vậy. Có một vài đề thi tuyển sinh vào lớp 10 trong năm học 2021-2022 có sử dụng những bài thơ của tôi để làm đề thi. Và hầu hết những bài thơ này đã được viết ra khoảng 10 năm trước đó hoặc hơn. Nghĩa là phải cần một khoảng thời gian đủ dài để tác phẩm tự thân nó bật lên giá trị, và lúc đó các thầy cô ra đề mới tự tin chọn để đưa vào đề bài tuyển sinh.

Và tôi cũng mong trong tương lai gần sẽ có thêm nhiều hơn nữa những tác phẩm văn học đương đại của các tác giả được đưa vào đề thi các cấp. Vì nó sẽ là minh chứng cho những giá trị văn học nói riêng và đời sống nói chung của ngày hôm nay thực sự có tác động đối với giới trẻ.

- Ở Việt Nam gần như chưa ai có thể sống bằng “nghề” làm thơ, cũng không phải ai cũng có thể trở thành một “hiện tượng” như anh, phải chăng chúng ta vẫn mãi chỉ nên coi thơ như một “cuộc vui” mà chưa thể hướng tới một “thị trường” tốt hơn để có những nhà thơ chuyên nghiệp thực sự có thể sống với nghề?

- Điều này là không cần bàn cãi, thơ vẫn nên là một đam mê, đừng đắm chìm hay kỳ vọng điều gì lớn lao từ nó. Tác giả ở Việt Nam không thể sống bằng nghề, đó là thực tế, trừ những trường hợp hiếm hoi như nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Tư… Thế nên không chỉ là lúc này mà trong lương lai, nghề viết- nếu như là nghiệp- hãy theo đuổi nó đến cùng, nhưng đồng thời hãy mưu sinh bằng một nghề khác thực tế hơn, làm ơn đừng mơ mộng.

- Còn các bạn không thể kiếm sống bằng nghề khác mà chỉ có tài năng thơ thì sao, anh có lời khuyên gì sau một thập kỉ sống cùng môi trường xuất bản không?

- Ngày hôm nay, một người giỏi chữ nghĩa có thể kiếm sống bằng rất nhiều nghề khác nhau chứ không chỉ xoay quanh việc viết văn làm thơ. Giờ nghề làm content đang rất “hot” và bạn có thể ngồi làm ở bất kỳ đâu mà không cần phải lệ thuộc vào một công ty hay môi trường nào đấy. Vấn đề còn lại là bạn phải ý thức khả năng viết lách của bạn ở đâu, phù hợp với loại content nào và trên hết phải định giá mình đúng với năng lực của mình. Làm thơ sẽ không sống được đâu nhưng làm nghề bằng chữ nghĩa trong thời đại social như thế này thì sẽ sống rất tốt, đó là lời nói thật lòng của tôi.

“Đừng áp đặt cho mình một sứ mệnh nào đó, hay một thiên chức nào đó quá lớn”

- Anh thường làm thơ trong trạng thái như thế nào?

- Tất cả những ý tưởng về thơ của tôi đều đến một cách tự nhiên và bất chợt, thường là 2 câu thơ đầu tiên sẽ xuất hiện và tôi ghi lại chúng xuống hoặc là trang giấy hoặc là trên file word. Và vào những lúc tôi cảm thấy mình có nhiều cảm xúc để viết ra, tôi chỉ cần đọc lại 2 câu khởi đầu đó và tự khắc câu chuyện cứ thế sẽ được kể như cách mà nó đã có sẵn ở đó. Tôi chưa bao giờ phải cố gắng viết, tôi chỉ đơn giản là viết xuống thứ trong đầu mình đã lưu giữ.

Nhà thơ Nguyễn Phong Việt: 'Thơ vẫn nên là một đam mê, đừng đắm chìm hay kỳ vọng điều gì lớn lao từ nó'

- Sáng tạo, với anh là một sự lao động nghiêm cẩn và rèn luyện mỗi ngày, hay đơn giản là sản phẩm của những cảm xúc chợt đến?

- Tôi thích cách viết dựa trên cảm xúc, tôi không thích làm việc kiểu khoa học là mỗi ngày phải viết ra từng này thứ như một quy trình. Dĩ nhiên, tôi luôn cho phép mình một khoảng thời gian đủ rộng rãi để có thể triển khai những câu chuyện mình viết xuống trang giấy mà không bị cập rập về mặt thời gian. Nói ví von như kiểu mình sáng tạo tự do nhưng trong một giới hạn định sẵn. Không quá mải chơi nhưng cũng không quá nghiêm khắc.

- Tôi rất ấn tượng với một quan điểm của anh về người làm nghệ thuật, đại ý là: “đừng áp đặt cho mình một sứ mệnh nào đó, hay một thiên chức nào đó quá lớn”, rằng mình cứ làm thứ mình muốn, chính là mình, rồi mọi thứ sẽ đến. 10 năm trôi qua với nhiều thành công, quan điểm đó của anh vẫn không thay đổi chứ ạ?

- Tôi vẫn không thay đổi quan điểm ấy. Cho đến giờ này, tôi nghĩ mình có một sứ mệnh nhỏ nhoi là viết ra những cuốn sách cũng rất nhỏ nhoi, nhưng dù nó nhỏ nhoi như thế nào thì mình cũng phải dốc hết tâm trí cho từng trang viết ấy. Còn lại sau đó mọi thứ thành bại như thế nào sẽ phụ thuộc vào rất nhiều thứ của đời sống này. Tôi không ganh đua với ai, không tranh giành điều gì với ai, mỗi ngày tôi chỉ đang cố gắng vượt qua chính mình của ngày hôm qua, như thế thôi cũng đã là nỗ lực ghê gớm lắm rồi.

- Nếu không làm thơ, thì anh thế nào?

- Thật ra thì thơ chỉ là một phần rất nhỏ trong con người của tôi, và nó chưa bao giờ đại diện cho toàn bộ một Nguyễn Phong Việt. Tôi còn làm về content, social, PR, marketing, kịch bản phim… Nói chung tôi là một freelancer đúng nghĩa và là một “thợ đụng”, đụng gì làm nấy. Chỉ là tôi biết mình có khả năng làm được gì và cứ tập trung làm những gì mình có thể thôi, không tham lam hơn và cũng không ảo tưởng về năng lực bản thân!

Cảm ơn anh đã nhận lời phỏng vấn!

Lan Anh

Giải Nobel Văn học 2020 thuộc về nữ nhà thơ người Mỹ

Giải Nobel Văn học 2020 thuộc về nữ nhà thơ người Mỹ

Bà Louise Glück đã giành giải Nobel Văn học bởi “giọng thơ không thể nhầm lẫn với vẻ đẹp khắc khổ khiến sự tồn tại cá nhân trở nên phổ quát”.