Trào ngược axit, hay còn gọi là bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD), là một tình trạng rối loạn tiêu hóa phổ biến gây ra cảm giác nóng rát ở ngực và khó chịu kéo dài. Theo Viện Quốc gia về Bệnh Tiểu đường, Tiêu hóa và Thận Hoa Kỳ (NIDDK), chế độ ăn uống đóng một vai trò then chốt trong việc kích hoạt hoặc làm giảm nhẹ các triệu chứng của căn bệnh này.
Theo các chuyên gia, một số loại thực phẩm có thể làm suy yếu cơ thắt thực quản dưới, "cánh cửa" ngăn axit dạ dày trào ngược, hoặc làm tăng lượng axit trong dạ dày khiến tình trạng trào ngược dễ xảy ra hơn. Việc nhận diện và hạn chế những "thủ phạm" trong chế độ ăn uống hàng ngày được xem là chìa khóa giúp kiểm soát tình trạng bệnh hiệu quả và duy trì hệ tiêu hóa khỏe mạnh.
Dưới đây là những nhóm thực phẩm phổ biến nhất được cảnh báo:
Đồ ăn cay nóng
![]() |
Ớt, tiêu và các loại sốt cay có thể gây kích ứng niêm mạc thực quản và làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh. Chất capsaicin trong ớt không chỉ tạo cảm giác cay mà còn làm chậm quá trình tiêu hóa, tăng nguy cơ trào ngược. Theo Bệnh viện Cleveland, người mắc GERD nên hạn chế hoặc tránh hoàn toàn các món ăn cay.
Trái cây và nước ép họ cam quýt
![]() |
Cam, chanh, quýt, bưởi dù giàu vitamin C nhưng lại có độ axit cao, dễ làm bùng phát triệu chứng trào ngược. Nước ép trái cây họ cam quýt có thể làm tăng độ axit trong dạ dày và dẫn đến cảm giác nóng rát. Các chuyên gia khuyến nghị những người hay bị trào ngược nên thay thế những trái cây này bằng những loại trái cây nhẹ nhàng hơn như chuối hoặc dưa gang.
Cà chua và các sản phẩm từ cà chua
![]() |
Các thực phẩm như sốt mì ống, tương cà và pizza là những món ăn tiềm ẩn nguy cơ làm trầm trọng thêm tình trạng trào ngược do cà chua có tính axit tự nhiên. Hiệp hội Tiêu hóa Hoa Kỳ khuyên những người mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản nên hạn chế ăn các loại thực phẩm từ cà chua để giảm các đợt bùng phát.
Sô-cô-la
![]() |
Sô-cô-la chứa caffeine, theobromine và chất béo - bộ ba tác nhân có thể làm giãn cơ thắt thực quản dưới, mở đường cho axit trào ngược lên thực quản. Chỉ một lượng nhỏ cũng có thể gây ra vấn đề cho những người nhạy cảm. Ngay cả sô-cô-la trắng, dù không chứa caffeine nhưng vẫn giàu chất béo và cần được dùng thận trọng.
Đồ chiên rán và thực phẩm nhiều chất béo
![]() |
Những thực phẩm giàu chất béo như đồ chiên, nước sốt kem, sữa nguyên kem và thịt đỏ có thể làm chậm quá trình làm rỗng dạ dày, tăng áp lực lên cơ thắt thực quản dưới. Trường Y Harvard khuyến cáo bạn nên lựa chọn các phương pháp nấu ăn lành mạnh như hấp, luộc hoặc nướng thay vì chiên rán.
Đồ uống chứa caffeine
![]() |
Cà phê, trà đặc và nước tăng lực có thể kích thích sản xuất axit và làm giãn cơ thắt thực quản, khiến tình trạng trào ngược trở nên trầm trọng hơn. Ngay cả cà phê decaf cũng có thể gây vấn đề đối với một số người. Hạn chế lượng caffeine tiêu thụ có thể giúp giảm đáng kể sự khó chịu.
Đồ uống có ga
![]() |
Soda và các loại đồ uống có ga không chỉ chứa axit mà còn tạo áp lực lên bụng do lượng khí carbon dioxide, làm tăng nguy cơ trào ngược. Thay vào đó, các chuyên gia khuyến khích dùng nước lọc hoặc trà thảo mộc như hoa cúc và gừng để làm dịu đường tiêu hóa.
Rượu bia
![]() |
Rượu được chứng minh có khả năng làm giãn cơ thắt thực quản dưới và kích thích sản xuất axit trong dạ dày. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo những người có bệnh lý tiêu hóa nên hạn chế hoặc tránh xa các loại đồ uống có cồn.
Theo khuyến cáo từ các chuyên gia, dù thuốc có thể giúp kiểm soát tạm thời các triệu chứng, nhưng những thay đổi trong lối sống và chế độ ăn uống mới là giải pháp bền vững. Nếu bạn thường xuyên bị ợ nóng hoặc khó chịu ở đường tiêu hóa, hãy cân nhắc hạn chế hoặc loại bỏ những thực phẩm này.
Bên cạnh đó, người bệnh cũng nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn cá nhân, đồng thời loại trừ những bệnh lý tiềm ẩn nghiêm trọng hơn.
Chuyên gia cảnh báo tác hại đồ uống đá bào đối với trẻ nhỏ
Theo khuyến cáo, đồ uống slushies chứa glycerol có thể gây nhiều tác hại nghiêm trọng với sức khỏe.