Hạnh nhân từ lâu đã được ưa chuộng như một biểu tượng của dinh dưỡng lành mạnh nhờ chứa hàm lượng cao chất xơ, protein, vitamin E, chất chống oxy hóa và chất béo không bão hòa có lợi cho tim mạch. Tuy nhiên việc dùng quá nhiều hạnh nhân mỗi ngày tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe.
![]() |
Rối loạn tiêu hóa
Hạnh nhân chứa hàm lượng lớn chất xơ không hòa tan. Nếu ăn quá nhiều trong thời gian ngắn, cơ thể sẽ không thích nghi kịp thời khiến hệ tiêu hóa "trở tay không kịp", dẫn đến đầy hơi, chướng bụng, táo bón hoặc tiêu chảy. Đặc biệt, nếu cơ thể không bổ sung đủ nước, chất xơ trong hạnh nhân có thể làm cản trở nhu động ruột. Theo các chuyên gia, chỉ nên ăn khoảng 20 - 25 hạt/ngày và uống đủ nước.
Tăng cân ngoài ý muốn
Mặc dù là nguồn chất béo lành mạnh, hạnh nhân vẫn là thực phẩm có hàm lượng calo khá cao, khoảng 160 calo cho mỗi 28g. Ăn nhiều hạnh nhân mỗi ngày có thể khiến cơ thể bạn “vượt rào” về năng lượng, dẫn đến tăng cân không kiểm soát, đặc biệt nếu không điều chỉnh các bữa ăn khác.
Ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ vi chất
Hạnh nhân chứa phytic acid, một chất có thể khiến cơ thể giảm hấp thụ các khoáng chất quan trọng như sắt, kẽm, và canxi. Nếu dùng quá mức, nhất là thường xuyên ăn sống có thể khiến cơ thể thiếu hụt dinh dưỡng dù chế độ ăn vẫn “healthy”. Một mẹo nhỏ khi ăn hạnh nhân là ngâm chúng qua đêm trước khi ăn để giảm lượng phytic acid.
Nguy cơ ngộ độc vitamin E
Là thành phần có nhiều trong hạnh nhân, nhưng việc tiêu thụ nhiều vitamin E có thể gây ngộ độc. Trong mỗi khẩu phần 28g hạnh nhân đã chứa gần một nửa nhu cầu vitamin E hằng ngày của người lớn (7,4/15mg). Chính vì vậy, việc tiêu thụ lượng dưỡng chất vượt ngưỡng có thể dẫn đến các triệu chứng như đau đầu, mệt mỏi, rối loạn tiêu hóa, thậm chí nguy cơ chảy máu ở người dùng thuốc chống đông.
Phản ứng dị ứng nghiêm trọng
Một số người có cơ địa dị ứng với các loại hạt, bao gồm hạnh nhân. Việc dùng nhiều hạnh nhân mà không biết cơ địa bản thân bị dị ứng có thể gây ngứa cổ họng, phát ban, sưng môi, thậm chí sốc phản vệ gây nguy hiểm đến tính mạng.
Ảnh hưởng đến tuyến giáp
Hạnh nhân là thực phẩm goitrogen có khả năng cản trở quá trình hấp thu i-ốt của cơ thể. Với người bị suy giáp, ăn quá nhiều có thể làm tình trạng bệnh nặng thêm, ảnh hưởng đến hoạt động của tuyến giáp.
![]() |
Nguy cơ sỏi thận do oxalate
Hạnh nhân chứa nhiều oxalate, một hợp chất có thể kết hợp với canxi để hình thành sỏi trong thận. Những người có tiền sử sỏi thận hoặc nguy cơ cao nên hạn chế tiêu thụ hạnh nhân để tránh tái phát.
Nguy cơ tiêu thụ độc chất amygdalin
Hạnh nhân đắng, một biến thể tự nhiên ít phổ biến có chứa amygdalin, một chất có thể chuyển hóa thành xyanua trong cơ thể gây ngộ độc. Dù hầu hết hạnh nhân thương mại là loại hạnh nhân ngọt, người tiêu dùng vẫn cần cẩn trọng khi mua sản phẩm từ nguồn không rõ ràng.
Là một loại thực phẩm bổ dưỡng, nhưng hạnh nhân không phải là “ăn càng nhiều càng tốt”. Việc duy trì một lượng vừa đủ, kết hợp với chế độ ăn uống cân bằng và lắng nghe cơ thể là nguyên tắc cốt lõi để tận dụng lợi ích của loại thực phẩm này mà không phải trả giá bằng sức khỏe.
Xu hướng “healthy” không chỉ là một chế độ ăn lành mạnh với việc lựa chọn thực phẩm tốt mà còn phải biết cách sử dụng chúng một cách khoa học và điều độ.
Các loại hạt giúp giảm cân hiệu quả
Nếu phòng gym không nằm trong kế hoạch giảm cân của bạn, những loại hạt sau đây có thể là đáp án trong cuộc chiến dai dẳng này.