“Nhẫn thạch” - bản nhạc buồn về số phận người phụ nữ

“Nhẫn thạch” là nhan đề tiếng Việt của tiểu thuyết “Syngué Sabour” - tác phẩm của nhà văn Pháp gốc Afghanistan Atiq Rahimi đã giành giải Goncourt vào năm 2008

Đây là tác phẩm viết bằng tiếng Pháp duy nhất trong 4 tiểu thuyết của Atiq Rahimi và giành giải thưởng danh giá của Pháp bởi“chất văn học tuyệt vời, tính hiện đại, khắc nghiệt, độ chính xác và lối viết không chút cường điệu”.

Hẳn nhiều bạn đọc cũng như tôi, khi cầm cuốn tiểu thuyết sẽ thắc mắc về cái nhan đề “Nhẫn thạch”. Nhẫn thạch - hòn đá kiên nhẫn. Đấy là một hòn đá ma thuật trong huyền thoại Ba Tư. Một hòn đá mà người ta có thể đặt trước mặt và trút gửi vào nó tất cả những đau đớn, những bi thương, những thống khổ của mình. Người ta ký thác cho nó tất cả những gì không dám thổ lộ với ai khác. Và hòn đá, như một miếng bọt biển, hút lấy tất cả những lời ấy, tất cả các bí mật cho đến một ngày nó nổ tung. Và ngày đó ta được giải thoát.

Câu chuyện bắt đầu bằng một không gian chật hẹp đến bức bối trong một căn phòng hình chữ nhật trống trơn, chẳng chút trang trí. Trong căn phòng ấy một người phụ nữ ngồi Hồi giáo đang chăm sóc người chồng đang sống thực vật trong khi ngoài phố đang là cuộc chiến tranh hỗn loạn, tàn khốc. Người chồng - “cái xác không chịu chết” ấy vốn là một chiến binh trong cuộc chiến tranh và một viên đạn găm vào gáy đã khiến anh nằm đó bất động, trống không.

“Nhẫn thạch” - bản nhạc buồn về số phận người phụ nữ

Đã mười sáu ngày người phụ nữ chăm sóc người chồng, ngày ngày cầu kinh Koran với hy vọng, phép màu sẽ làm anh hồi sinh. “Mười sáau ngày em thở cùng anh”. “Các ngày của em, em không chia chúng thành giờ, các giờ không thành phút, phút thành giây... một ngày đối với em bằng chín mươi chín vòng chuỗi hạt!”. Thế nhưng, tất cả là vô vọng, dù cầu kinh hằng ngày, hằng giờ thì người chồng vẫn không có dấu hiệu nào của sự sống “Chẳng có gì ngoài những hơi thở”.

Có lẽ người phụ nữ vẫn tiếp tục cầu kinh, vẫn tiếp tục tin rằng thánh Allah sẽ làm người chồng tỉnh dậy nếu như không có một ngày cuốn kinh Koran bị lấy đi. Cuốn kinh bị mất, đã đặt dấu chấm hết cho niềm tin vào thứ tôn giáo mù quáng và sự u mê của con người. Người phụ nữ từ bỏ việc cầu kinh và tìm đến hòn đá đen - đá thiêng - Nhẫn Thạch trong huyền thoại. Người phụ nữ ấy đã có một quyết định hẳn rất điên rồ: Chính mình sẽ kéo sự sống của người chồng trở lại bằng cách thổ lộ những bí mật sâu kín của mình. “Một phép lạ cho em, nhờ có em. Hơi thở của anh níu vào câu chuyện về các bí mật của em”. “Nhưng anh đừng lo, các bí mật của em không có kết thúc đâu”. “Và bây giờ, em không muốn mất anh nữa!”.

Người phụ nữ ấy tin rằng, những bí mật của mình sẽ giúp người chồng hồi sinh, như hòn đá sau khi hút hết bí mật thì nổ tung, cũng là muốn một sưự giải thoát cho chính mình. Và cô coi người chồng bất động ấy chính là “Nhẫn thạch”. “Đúng rồi, anh là Nhẫn Thạch của em!”. Chị lướt nhẹ bàn tay trên khuôn mặt anh, cứ như chị thật sự chạm vào một hòn đá quý. “Em sẽ nói tất cả, Nhẫn Thạch của em, tất cả. Cho đến khi em được giải thoát khỏi mọi đau đớn, mọi thống khổ của em. Cho đến khi anh, anh…”. Từ đây, mọi bi kịch, mọi khổ đau, ẩn ức, thống khổ và cả những khát khao mà bấy lâu người phụ nữ ấy cất giấu, kìm nén mới được phơi bày.

Đối diện với “Nhẫn Thạch” người phụ nữ ấy mới thổ lộ được tất cả bi kịch của mười năm làm vợ. Làm vợ hơn quan một sưự mai mối, 10 năm rưỡi nhưng chỉ có 3 năm được sống cùng chồng. Cô được gả về nhà chồng trong khi chưa biết mặt chồng phải giữ gìn trinh tiết và đằng đẵng chờ chồng đang mai chiến chinh trong cuộc chiến tranh đẫm máu. Lần đầu tiên, khi người chồng thỏa mãn vì “xé rách tấm màn đức hạnh” thì hóa ra đấy lại là một sự dối lừa. Cứ thế, người vợ sống bên chồng như một công cụ thỏa mãn nhục dục với mong muốn được một lần thỏa mãn nỗi khát khao thầm kín, một lần được chồng quan tâm đến cảm xúc.

Đỉnh điểm bi kịch của người phụ nữ đấy là khi người chồng vô sinh, và cô lại là người gánh chịu mọi tội lỗi. Để được sống yên ổn, trốn tránh ánh mắt soi mói của bà mẹ chồng cay độc, cô lại phải một lần nữa lừa dối chồng trong nhục nhã, ê chề. Cô phải quan hệ với người đàn ông bịt mặt cho đến khi mang thai và nói với mẹ chồng rằng tìm đến vị “Hakim” xin bùa phép để có con. “Em bèn kể với mẹ anh là có một vị Hakim vĩ đại đã làm được những phép lạ trong những chuyện loại này. Anh biết câu chuyện… nhưng không biết sự thật!”. Cô đã kinh tởm đến buồn nôn khi phải làm những việc như thế. Nhưng ê chề hơn là, sau những lần quan hệ cùng người đàn ông bịt mặt về nhà chị vẫn phải ăn nằm với chồng trong đau đớn cùng cực. “Tuy nhiên sau mỗi lần, em lại khóc. Em thấy mình có tội… em căm ghét mọi người, em nguyền rủa anh, anh và gia đình anh! Và càng đau đớn cùng cực những đêm em phải ăn nằm với anh!”.

Tất cả những bí mật đã được người phụ nữ thổ lộ với “Nhẫn Thạch” - người chồng nằm hôn mê bằng những lời độc thoại chỉ để mong chờ một sự giải thoát. Cô tận dụng giây, từng phút để thổ lộ, để bày tỏ nỗi lòng sâu kín. Cô đã dám đứng lên, vùng dậy để giải thoát cho thể xác và tâm hồn. Dường như thế giới nội tâm của người phụ nữ ấy đang muốn phá tan những gông cùm, xiềng xích đang đè nặng lên những người phụ nữ Hồi giáo. Hành động bỏ tấm mạng che mặt giống như một sự giải thoát cho chính mình, một chiến thắng trong cuộc chiến giành tự do khỏi cuộc sống nô lệ.

Chỉ với 180 trang sách, “Nhẫn thạch” giúp bạn đọc nhìn thấy một Afghanistan đầy hỗn loạn, với chiến tranh đẫm máu, sặc mùi thuốc súng và những con người man rợ. Ở đấy, người phụ nữ trở thành nạn nhân của thứ tôn giáo hà khắc, dễ dàng bị biến thành nô lệ tình dục, bị ngược đãi và giết hại bất cứ lúc nào. Tác phẩm không chỉ là bản tố cáo nỗi thống khổ của người phụ nữ mà nó còn là tiếng nói đấu tranh bình đẳng giới cho những người phụ nữ Hồi giáo. Thông qua những khát khao về tình yêu, những ham muốn thể xác mà người phụ nữ bộc lộ với “Nhẫn Thạch”, đấy là tiếng nói đòi công lý, tự do và giải thoát cả về tâm hồn và thể xác. Nó không còn là những khát khao, là tiếng nói của riêng cô mà còn là “tiếng nói bị vùi nén từ hàng nghìn năm”.

Những trang sách cuối cùng khép lại, có lẽ không ít bạn đọc sẽ bị ám ảnh. Ám ảnh bởi những lời độc thoại của người phụ nữ xuyên suốt tác phẩm. Dường như Atiq Rahimi dựng lên một sân khấu và trên sàn diễn ấy chỉ có duy nhất một người độc diễn. Những lời độc thoại cứ chầm chậm, thời gian cũng cứ trôi chầm chậm trôi. Đơn vị đo thời gian không tính bằng giờ, phút, giây mà tính bằng những giọt nước đang nhỏ xuống, bằng những lần người phụ nữ lần tràng hạt, bằng hơi thở của người chồng. Và ám ảnh bởi sự “bùng nổ” ở cuối truyện, khi “Nhẫn thạch” và cả người phụ nữ cùng “nổ tung”. “ Giọng chị chế nhạo: “Nhẫn Thạch của em nổ tung rồi”, rồi chị kêu lên: “Al-Sabour” nhắm mắt lại “Cám ơn Al-Sabour! Cuối cùng em đã được giải thoát mọi đau khổ”, và ôm chặt đôi chân người đàn ông”. Tác phẩm khép lại như một bản nhạc buồn về thân phận người phụ nữ và để lại trong lòng bạn đọc thật nhiều xúc cảm.

Atiq Rahimi là người Pháp, sinh năm 1962 tại thủ đô Kabout, Afghanistan, hiện đang sống và làm việc tại Paris. Ông từng học ở ngôi trường Trung học Pháp -Afghanistan mang tên Estiglal. Năm 1984, ông rời đất nước Trung Đông này đến Pakistan vì lý do chiến tranh, tiếp đó xin tị nạn chính trị tại Pháp, nơi ông thi đỗ bằng iến sĩ truyền thông tại đại học danh tiếng Sorbonne. Ngoài viết tiểu thuyết, Rahimi còn làm đạo diễn phim tài liệu. Nhẫn thạch là tiểu thuyết thư tư của Rahimi nhưng lại là tiểu thuyết đầu tiên viết bằng tiếng Pháp. Nhẫn thạch mang về cho Rahimi giải thưởng Văn học lớn nhất nước Pháp, giải Goncourt 2008.

Phạm Ngọc

Giải Nobel Văn học 2020 thuộc về nữ nhà thơ người Mỹ

Giải Nobel Văn học 2020 thuộc về nữ nhà thơ người Mỹ

Bà Louise Glück đã giành giải Nobel Văn học bởi “giọng thơ không thể nhầm lẫn với vẻ đẹp khắc khổ khiến sự tồn tại cá nhân trở nên phổ quát”.