Nhiếp ảnh gia Nick Út nói về bức ảnh "Em bé Napalm" sau 50 năm: "Tôi mong không có chiến tranh ở bất kỳ đâu nữa"

Nhiếp ảnh gia Nick Út đã có buổi trò chuyện thân mật nhân kỷ niệm 50 năm bức ảnh "Em bé Napalm" gây chấn động thế giới.

Đầu tháng 4, nhiếp ảnh gia Nick Út - tác giả của bức ảnh "Em bé Napalm" yừng đoạt giải Pulitzer năm 1973.đã về Việt Nam.

Ông Nick Út đã kể về hành trình ông đưa cô bé Kim Phúc (nhân vật chính trong bức ảnh Em bé Napalm) bị bỏng, da bị lột từng mảng, đau đớn kêu khóc tới bệnh viện trên chiếc xe của ông. Nhờ sự giúp đỡ của ông, cô bé đã lách qua khe cửa hẹp để tiếp tục cuộc sống.

Bức ảnh
Bức ảnh "Em bé Napalm" 

"Lúc đó hoảng loạn lắm, những người dân chạy ra, có gia đình cô Kim Phúc, bà nội ẵm đứa nhỏ 3 tuổi mà cháu đã mất rồi. Tôi thấy cô Kim Phúc run rẩy mới mượn cái áo để che thân thể cho cô ấy, còn mấy đứa nhỏ thì khóc ơi là khóc.

Ở đó cũng có rất nhiều phóng viên báo chí, nhưng họ chụp xong rồi phải chạy về để chuyển gấp hình. Tôi nói nếu tôi không được Kim Phúc vô bệnh viện mà bỏ đi, sau này lỡ mà tôi nổi tiếng, cô ấy chết là tôi tự tử liền. Nếu Kim Phúc chết, bức ảnh sẽ chẳng còn giá trị gì nữa…", nhiếp ảnh gia Nick Út tâm sự.

Ông tiết lộ, khi đưa Kim Phúc đến bệnh viện, ban đầu bệnh viện từ chối nhận do không đủ thuốc. Sau khi gây áp lực, Kim Phúc đã được điều trị. Vượt qua được cơn nguy kịch, Kim Phúc may mắn sống sót và trở thành một phần trong gia đình của Nick Út.

Nhiếp ảnh gia Nick Út.
Nhiếp ảnh gia Nick Út.

Suốt 50 năm, hai chú cháu coi nhau như người thân, thường xuyên gặp gỡ, trao đổi. Sau này, chính Kim Phúc đi khắp thế giới, làm đại sứ hòa bình để lên tiếng bảo vệ trẻ em trên thế giới.

"Năm 1975, khi chiến tranh chấm dứt, tôi rất mừng, tôi cũng mong không có chiến tranh ở bất kỳ đâu nữa", nhiếp ảnh gia Nick Út tâm sự.

Ông Nick Út cho biết đã bị thương 3 lần, nhưng đến khi khỏe lại vẫn tiếp tục tới chiến trường để ghi lại những câu chuyện về chiến tranh. Ông nói rằng việc có được bức ảnh cũng như thước phim tư liệu quý giá về Kim Phúc là nhờ dựa vào những kinh nghiệm tác nghiệp tại chiến trường, chỉ riêng duy nhất mình ông còn "phim" để có thể ghi lại hình ảnh chân thật đó.

Trở về Việt Nam lần này cũng như những lần sau, nhiếp ảnh gia dành nhiều thời gian để làm từ thiện, hiện những người cựu chiến binh cũng đang có dự án xây dựng thư viện cho trẻ em, ông Nick Út sẽ cùng họ tham gia vào công việc ấy.

"Những người trải qua chiến tranh họ sống bị ám ảnh, khủng hoảng nhiều về tinh thần lắm, tôi cũng bị như vậy cho nên tôi rất ít xem phim chiến tranh. Sự khốc liệt của chiến tranh không nằm ở chiến trường mà nằm vào những người bị kéo vào nó, cô Kim Phúc là một ví dụ", nhiếp ảnh gia Nick Út chia sẻ.

Nick Út, tên thật Huỳnh Công Út, (sinh ngày 29 tháng 3 năm 1951) là người Mỹ gốc Việt.

Ông là phóng viên ảnh cho hãng tin Associated Press, người chụp bức ảnh em bé Phan Thị Kim Phúc (thường được biết như "Vietnam Napalm Girl" - cô gái Việt Nam bị napalm) và những đứa trẻ khác bị bỏng do bom napalm của Mỹ tại Trảng Bàng - Tây Ninh, bức ảnh đã mang lại cho ông giải Pulitzer và ông trở nên nổi tiếng.

Bức ảnh được xếp thứ 41 trong 100 bức ảnh có tầm ảnh hưởng nhất thế kỷ 20 do Đại học Columbia bình chọn.

(Theo Wikipedia)

Thanh Mai

Mỹ trừng phạt sàn giao dịch tiền điện tử tại Nga

Mỹ trừng phạt sàn giao dịch tiền điện tử tại Nga

Ngày 5/4, Bộ Tài chính Mỹ thông báo áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với một trang "chợ đen" trực tuyến tại Nga và một sàn giao dịch tiền điện tử mà Washington cho là được điều hành từ Moskva và St. Petersburg.