Nhiều doanh nghiệp phải lên tiếng xin lỗi khi sử dụng bản đồ không có Hoàng Sa, Trường Sa

Nhiều nhãn hàng đã đã gây bức xúc dư luận khi sử dụng bản đồ sai lệch chủ quyền Việt Nam.

Thương hiệu thời trang Yody vừa lên tiếng trước sự cố sử dụng hình ảnh bản đồ Việt Nam thiếu hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Cụ thể, trước đó, thương hiệu thời trang Yody đã đăng tải video và hình ảnh thiết kế bản đồ Việt Nam để kỷ niệm sinh nhật 9 tuổi. Tuy nhiên trên bản đồ lại thiếu hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. 

Bài đăng trên fanpage Yody đã bị xóa sau khi nhận được phản ánh. Ảnh: Yody.
Bài đăng trên fanpage Yody đã bị xóa sau khi nhận được phản ánh. Ảnh: Yody.

Sau khi nhận được phản ánh, hãng cho biết đã lập tức rà soát toàn bộ nội dung liên quan và thừa nhận đã để xảy ra thiếu sót. Nguyên nhân sai sót xảy ra do bộ phận truyền thông sơ suất trong quá trình xử lý hình ảnh và kiểm duyệt nội dung của video.

"Là một doanh nghiệp Việt Nam, được lập ra bởi những người Việt, chúng tôi ý thức rất rõ rằng sai sót này là không thể bao biện. Vì thế, chúng tôi xin nghiêm túc lắng nghe mọi phản hồi, góp ý của các cơ quan thông tấn báo chí, các tổ chức truyền thông, với tinh thần cầu thị để sửa sai và tránh lặp lại những lỗi tương tự trong tương lai”, hãng tuyến bố.

Đồng thời, công ty cho biết đã sửa đổi, điều chỉnh toàn bộ nội dung có liên quan trên các kênh truyền thông.

Trước đó một ngày, nhiều người dùng ứng dụng đặt xe trực tuyến Grab phát hiện bản đồ trên ứng dụng thể hiện thông tin sai lệch nghiêm trọng về chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

Tại khu vực quần đảo Trường Sa, bản đồ của Grab chỉ thể hiện tên tiếng Việt đối với đảo Sơn Ca và Sinh Tồn. Nhiều đảo, quần đảo và khu vực khác thể hiện bằng tiếng Trung Quốc và tiếng Anh, trong đó có nhiều tên bị ghi trái phép cho các khu vực thuộc chủ quyền Việt Nam.

Bãi Chữ Thập, thuộc chủ quyền Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép, bản đồ Grab chú thích "Nansha District" tức "huyện Nam Sa". Nam Sa là tên gọi phi pháp mà Trung Quốc dùng để gọi quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Bãi đá Vành Khăn thuộc chủ quyền Việt Nam bị chú thích theo cách gọi phi pháp của Trung Quốc là Meiji Jiao, tức đảo Mỹ Tế và ghi chú đảo Mỹ Tế, Tam Sa, Trung Quốc. Thành phố Tam Sa là chính quyền phi pháp do Trung Quốc lập ra để quản lý nhiều quần đảo, bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Nhiều doanh nghiệp phải lên tiếng xin lỗi khi sử dụng bản đồ không có Hoàng Sa, Trường Sa

Grab Việt Nam cho biết sự việc này hoàn toàn không liên quan đến sự tôn trọng của Grab đối với đất nước và nhân dân Việt Nam. "Chúng tôi tiếp nhận các ý kiến đóng góp một cách rất nghiêm túc và chân thành xin lỗi về những quan ngại có thể phát sinh", đại diện Grab Việt Nam nói.

Vừa qua, một giải bơi quốc tế đã bị xử phạt và dừng tổ chức do sử dụng hình ảnh bản đồ xâm phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam về quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Theo quyết định của Công an tỉnh Khánh Hòa, Công ty Cổ phần sự kiện Peak (TP Hồ Chí Minh) - đơn vị tổ chức sự kiện "Giải Bơi lội quốc tế ngoài trời Oceaman năm 2023" bị phạt 25 triệu đồng vì hành vi đăng, phát, sử dụng hình ảnh bản đồ Việt Nam không thể hiện đầy đủ hoặc thể hiện sai chủ quyền quốc gia quy định tại Điểm b, Khoản 3, Điều 99 Nghị định 14/2022 của Chính phủ.

Được biết, đây không phải là những trường hợp cá biệt sử dụng bản đồ sai lệch chủ quyền Việt Nam. Nhiều trang web hiện đang sử dụng dữ liệu bản đồ của OpenMapTitles và OpenStreetMap. Đây là hai công cụ mã nguồn mở, cung cấp thông tin vị trí, định vị từ nhiều nguồn, gồm cả đóng góp của người dùng. Hiện tại, bản đồ gốc OpenStreetMap cũng chứa nhiều thông tin sai lệch về chủ quyền biển đảo Việt Nam trên biển Đông.

Năm 2020, trên mạng xã hội lan truyền hình ảnh cho thấy khi khởi tạo một quảng cáo trên Facebook, người dùng nếu chọn vị trí là Việt Nam thì đường biên giới bản đồ không bao gồm hai quần đảo Trường Sa và Trường Sa của Việt Nam. Nếu chọn vị trí quảng cáo ở Trung Quốc, phần hiển thị đường biên giới sẽ bao gồm cả hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam vào chung với Trung Quốc.

Nhiều doanh nghiệp phải lên tiếng xin lỗi khi sử dụng bản đồ không có Hoàng Sa, Trường Sa

Bản đồ mà Facebook đang dùng của OpenStreetMap, một nền tảng bản đồ mở. Do đó người dùng có thể vào chỉnh sửa các thông tin này. Lịch sử chỉnh sửa cho thấy đã có một người dùng vào thay đổi chủ quyền các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam sang Trung Quốc. Việc này đã được người dùng khác chỉnh sửa lại cho đúng chủ quyền biển đảo của Việt Nam, tuy nhiên sau đó bản đồ tiếp tục bị chỉnh lại sai trái.

Khi biết quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được mô tả không chính xác trên những công cụ, Facebook cho biết đã sửa các lỗi kỹ thuật gây ra việc đó.  Facebook cho biết tất cả các bản đồ Facebook sử dụng được cung cấp bởi các bên thứ ba, chủ yếu là OpenStreetMap và HERE Maps.

"Bản đồ trong Trình quản lý quảng cáo của Facebook đã được sửa và hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa sẽ không hiển thị thuộc lãnh thổ Trung Quốc nữa", người phát ngôn của Facebook nói thêm.

Thanh Mai

Giá xăng dầu trong nước dự báo tiếp tục tăng từ ngày 11/4

Giá xăng dầu trong nước dự báo tiếp tục tăng từ ngày 11/4

Trong kỳ điều chỉnh xăng dầu ngày mai 11/4, nhiều dự báo giá xăng dầu trong nước sẽ tăng do ảnh hưởng giá xăng dầu thế giới.