Trong nhiều năm trở lại đây, du học đang trở thành một hướng đi được nhiều bạn trẻ Việt Nam lựa chọn. Theo Báo cáo Xu hướng chính tại Đông Nam Á năm 2024 của Acumen - một tổ chức tư vấn giáo dục quốc tế, ngày 7/2, dẫn thống kê của UNESCO cho thấy Việt Nam có hơn 132.000 du học sinh năm học 2021-2022, nhiều nhất Đông Nam Á. Theo sau là Malaysia và Indonesia, mỗi nước có hơn 56.000 du học sinh, còn Thái Lan có 32.000 du học sinh.
Không chỉ chọn lập nghiệp ở nước ngoài, nhiều bạn trẻ sau khi "tu nghiệp" chọn về Việt Nam làm việc. Trong quan niệm của nhiều người, được đi du học, được ra nước ngoài chắc chắn sẽ có cuộc sống sung túc với thu nhập lên đến hàng "nghìn đô". Tuy nhiên, thực tế đôi khi lại khốc liệt hơn như vậy.
Mới đây, trên mạng xã hội Threads, một du học sinh đã chia sẻ lại câu chuyện xin việc của mình ở Việt Nam: "Xin việc ở Việt Nam dạo này khó vậy sao mấy 'bảnh' ('bảnh' là từ tiếng lóng của Gen Z với nghĩa là 'các bạn', 'mọi người', thường được các bạn trẻ sử dụng rộng rãi trên nền tảng Threads - PV). Mình là du học sinh đã về nước được nửa năm và đang trong quá trình tìm việc làm tại TP.HCM, nhưng liên tục bị các nhà tuyển dụng từ chối hoặc ghost ('ghost' là thuật ngữ thông dụng trên mạng xã hội để miêu tả tình trạng một cá nhân bất ngờ ngừng tương tác hoặc biến mất mà không có lời giải thích).
CV của mình cũng có kinh nghiệm chuyên sâu ở mức Executive/ Manager trên 4 năm tại công ty nước ngoài, ngoại hình tốt, Tiếng Anh lưu loát, có nhiều kỹ năng liên quan", người dùng này chia sẻ.
Ảnh minh họa |
Dẫu vậy, bạn trẻ này vẫn không thể tìm kiếm được những lựa chọn công việc phù hợp. Thậm chí, bạn còn thấy nản khi liên tục "bị" các nhà tuyển dụng yêu cầu phỏng vấn nhiều vòng, rồi im lặng không phản hồi, từ chối. Tính ra, bạn trẻ này đã gửi hàng trăm CV mà thư mời phỏng vấn đếm trên đầu ngón tay.
"Mấy 'bảnh' có thể góp ý cho tui biết là có thể tui đang thiếu sót gì không? Hoặc bảnh nào là HR đang có 'open position' (vị trí cần tuyển - PV) trong ngành hospitality/event agency (lữ hành/ tổ chức sự kiện - PV) thì giới thiệu cho tui với", nữ sinh chia sẻ.
Netizen ồn ào tranh luận
Chia sẻ của du học sinh này nhanh chóng nhận được khá nhiều sự quan tâm của dân tình. Nhiều du học sinh khác tỏ ra đồng cảm vì bản thân họ cũng đang loay hoay trong quá trình tìm kiếm việc làm tại Việt Nam. Phần lớn bày tỏ sự thắc mắc vì sao hiện trạng này lại xảy ra, trong khi một số khác tích cực đi tìm nguyên nhân.
- Tui cũng giống bảnh luôn ý. Du học sinh về nước có kinh nghiệm làm việc, có bằng Thạc sĩ, nói được tiếng Anh và tiếng Đức mà về rải hơn trăm cái CV đều bị lơ hết, không được vô vòng phỏng vấn luôn, ai coi CV tui cũng không hiểu.
- Du học cho có trải nghiệm thôi chứ thấy mấy bạn trong nước giỏi lắm. Tui cũng đi du học về nè, khốn đốn lắm.
- Vấn đề này mình từng đọc của một anh cũng muốn quay về Việt Nam làm. Mặc dù, có kinh nghiệm chuyên sâu nhưng lại apply mãi không được công ty nào cả. Nhưng anh đó thử apply vào một công ty ở Nhật thì lại được. Cho nên bạn nếu muốn làm ở Việt Nam thì kiên nhẫn hơn xíu hoặc apply vào các công ty MNC (đa quốc gia - PV) xem sao. Còn không có thể thử apply nước khác như anh kia nha.
- Bạn thử apply các công ty ngoại ở Việt Nam thử xem sao. Với nền tảng của bạn, có khả năng là chưa phù hợp với vị trí họ tuyển dụng (trong quá trình phỏng vấn họ sẽ đánh giá), hoặc có thể thấy bạn cũng ổn, nhưng khi so với các đối thủ khác có thể họ sẽ không chọn bạn vì lý do như lương (trả thấp không được mà cao quá thì họ không đành), văn hoá (khả năng hoà nhập)...
- Mình cũng gặp khó khăn trong việc tìm việc trong nước. Thế nhưng CV mình qua vòng hồ sơ rất nhiều do có bằng cấp nước ngoài (trường mình học cũng rất bình thường, và mình ứng tuyển trái ngành cũng nhiều). Nên nếu bạn chưa qua được vòng CV, tự hỏi xem CV của bạn có thực sự phù hợp với vị trí không. Vì nếu nhà tuyển dụng chưa nhìn thấy sự phù hợp của bạn, thì dù bạn có overqualified thì cũng không qua nổi vòng hồ sơ.
Theo từ điển Cambridge, "overqualified" là "having more knowledge, skill, and/or experience than is needed (for a particular job)" (Tạm dịch: có nhiều kiến thức, kỹ năng và/hoặc kinh nghiệm hơn so với mình vần thiết cho một vị trí công việc cụ thể - PV). Thuật ngữ này thường được sử dụng trong tuyển dụng.
Việc tuyển dụng ứng viên "overqualified" có thể mang đến nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, nó cũng có thể là nhược điểm khiến ứng viên trượt phỏng vấn.
Ảnh minh họa |
Vì sao có hiện trạng du học sinh về nước khó tìm việc?
Trong quá trình đi tìm nguyên nhân dẫn đến hiện trạng, một bộ phận lớn netizen cho rằng mọi chuyện có thể là do chất lượng đào tạo, chất lượng người lao động ở Việt Nam giờ không có quá nhiều khác biệt so với nước ngoài. Thậm chí, các bạn học sinh trong nước có lợi thế hơn các bạn du học sinh vì có hiểu biết về thị trường lao động.
Ở một diễn biến khác, không ít người còn chỉ ra "vấn đề lớn" đó là nhiều du học sinh về nước có nhu cầu cao hơn so với mặt bằng chung và chính điều này đã đẩy họ vào thế bất lợi. Khi tình hình kinh tế trở nên khó khăn và ngân sách dành cho tuyển dụng bị thu hẹp, các công ty thường sẽ cân nhắc kỹ lưỡng trong việc tuyển dụng, đặc biệt là những vị trí đòi hỏi mức lương cao. Điều này đúng với cả những ứng viên đã có kinh nghiệm du học, vì họ thường có kỳ vọng lương cao hơn so với những ứng viên khác.
Ngoài ra, nhà tuyển dụng cũng có thể lo ngại rằng những ứng viên này có thể không sẵn lòng chia sẻ khó khăn và đồng lòng cùng công ty vượt qua giai đoạn khó khăn do họ đã quen với điều kiện sống và làm việc tốt hơn.
Trong số vô vàn bình luận, comment của bạn trẻ này bên dưới bài đăng nhận được nhiều sự hưởng ứng nhất: "Công ty mình lúc trước từng từ chối 1 bạn du học sinh để nhận 1 bạn nhảy từ BIG4 sang. Mặc dù lương cho bạn BIG4 có cao hơn chút xíu không đáng kể (vài trăm ngàn). Đơn giản là yêu cầu của bạn du học sinh khá cao, bên mình vẫn đáp ứng được tuy nhiên giữa 1 người không đòi hỏi nhiều, chỉ yêu cầu không làm việc cuối tuần (bạn BIG4) và bạn du học sinh (yêu cầu chỉ làm 6 tiếng/ngày, công ty chi trả tiền nhà, tiền taxi đi làm...) thì chọn ai là các bạn biết rồi".
"Du học sinh là quốc tịch Việt Nam đi học ở nước ngoài về thôi chứ có phải chuyên gia nước ngoài di chuyển về Việt Nam đâu mà đòi trả tiền nhà, tiền taxi rồi đủ thứ khác", một người khác đồng tình.
Đáp lại, một người dùng chia sẻ bản thân không hề đồng tình với những yêu cầu của bạn du học sinh trên, bởi "nó có phần không phù hợp với môi trường lao động ở Việt Nam". Nhưng nhìn nhận một cách đa chiều, bạn trẻ này nghĩ: "Nhưng nếu công việc đặc thù, phải di chuyển nhiều thì có thể cân nhắc tùy vào mức độ đãi ngộ của công ty. Còn làm 6 tiếng/ngày thì cũng tùy theo hiệu suất làm việc của bạn ấy".
Ảnh minh họa |
"Do giai đoạn này các công ty đang gặp khó khăn. Ví dụ như công ty riêng của mình thì mình cũng khá e ngại tuyển những ứng viên như bạn. Đơn giản vì mình sợ ngân sách không đủ thôi. Mình cũng không biết nữa, nhưng mình kinh doanh với tư duy win-win nên mình muốn trả lương nhân sự xứng đáng với năng lực của họ, nên trong giai đoạn khó khăn này mình không đủ tự tin để kéo những người giỏi như bbạn về. Với lại, mình cũng không chắc bạn có thể gắn bó với công ty bao lâu với mức lương mà công ty đề xuất", một người dùng khác để lại ý kiến.
Còn bạn, bạn nghĩa sao về chủ đề này?
Làm video nói tiếng Anh hút hơn 2,2 triệu lượt xem, rich kid Chao vẫn bị chê "du học sinh 8.0 IELTS mà phát âm thế này"
Những tranh luận về khả năng tiếng Anh của Chao đang nổi lên không ngớt.