Nhiều nhà thầu xây dựng đã phải tạm ngưng công trình để chờ nguyên vật liệu xuống giá

Chi phí xây dựng chiếm trung bình 60% - 70% giá thành căn hộ,  trong đó, thép chiếm khoảng 20-30% chi phí xây dựng. Cơn "bão giá" nguyên vật liệu xây dựng khiến nhiều nhà thầu xây dựng phải tạm ngưng thi công các dự án đã nhận thầu, chờ giá thép giảm để giảm bớt thiệt hại. 

Hiện các nhà thầu đang đàm phán, thoả thuận với các chủ đầu tư công trình về  giá trong các hợp đồng xây dựng đã ký. Nếu không tính toán lại chi phí, doanh nghiệp sẽ bị lỗ là không tránh khỏi, hoặc buộc phải tạm ngưng xây dựng, chờ giá vật liệu xây dựng “bớt nóng”.

Việc tăng giá bất động sản chỉ diễn ra đối với những dự án chưa ra hàng, còn đối với những dự án đã chào bán cho khách hàng thì giá đã theo hợp đồng, không tăng được. Còn việc ngưng thi công dự án từ phía nhà thầu do ảnh hưởng bởi giá nguyên vật liệu tăng cao cũng còn tuỳ vào thoả thuận trong hợp đồng xây dựng giữa chủ đầu tư – nhà thầu, vì thường được phép chậm tiến độ 3-6 tháng.

Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), trong thời gian qua, giá thép trên thị trường toàn cầu cũng như ở Việt Nam có diễn biến phức tạp. Từ cuối năm 2020, giá thép có chiều hướng tăng mạnh, cho đến giữa quý 1/2021 có điều chỉnh giảm, tuy nhiên, giá thép lại tăng mạnh đến cuối tháng 5/2021 và đến nay bắt đầu chiều hướng giảm. Thị trường hiện tại dùng dằng và có chưa có chiều hướng tăng - giảm rõ rệt. Giá thép xây dựng loại thép cuộn D6, D8 cuối năm 2020 ghi nhận ở mức 12 triệu đồng/tấn tại các thương hiệu Hòa Phát, Pomina, Việt Nhật, Việt Ý, Tung Ho. Đến ngày 19/4/2021, giá thép tăng cao với giá loại thép cuộn D6, D8 lên tới 16,9 triệu đồng/tấn, thép thanh vằn ở mức 16,4- 17 triệu đồng/tấn. Giá thép cuộn tiếp tục tăng mạnh và “lập đỉnh” vào tháng 5/2021 khi lên tới 19,5 triệu đồng/tấn, nhưng đến nay đã hạ nhiệt. Tại miền Nam, thời điểm ngày 21/7/2021 ghi nhận trên thị trường giá thép đã giảm về dưới 17 triệu đồng/tấn. Cụ thể, dòng thép cuộn D6, D8 có giá từ 16,1- 16,29 triệu đồng/tấn. Thép thanh vằn 16,3-17 triệu đồng/tấn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong ngành xây dựng cho biết, dù giá thép hiện nay đã giảm so với đỉnh điểm, nhưng vẫn cao hơn thời điểm cuối năm 2020 tới 40%, khiến chi phí xây dựng "đội" lên rất cao.

Không chỉ có giá thép tăng, mà các nguyên liệu đầu vào của ngành xây dựng cũng tăng, như: cát, đá tăng giá từ 15 - 20%, gạch xây dựng tăng 10%, xi-măng, gạch ốp lát, bêtông tăng giá 5 - 10%....

Mặc dù đã có phương án dự phòng rủi ro từ biến động giá của thị trường từ 3%-5% trong những hợp đồng ký kết giữa nhà thầu xây dựng và chủ đầu tư, nhưng đà tăng giá chóng mặt của nguyên vật liệu khiến nhiều nhà thầu “bó tay”, đành phải chấp nhận chịu phạt thầu hoặc dừng thi công để tránh bị thiệt hại. Trước tình hình nêu trên, để có giải pháp khắc phục, giảm thiểu các tác động tiêu cực của biến động giá vật liệu xây dựng và ảnh hưởng của dịch Covid -19 đến các hoạt động đầu tư xây dựng, Bộ Xây dựng đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thường xuyên theo dõi, bám sát diễn biến của thị trường xây dựng để kịp thời cập nhật, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng cho phù hợp mặt bằng giá thị trường, lưu ý tránh bị tác động của các hiện tượng đầu cơ, thổi giá.

Đối với các loại vật liệu chủ yếu, có biến động giá lớn, trường hợp cần thiết, công bố giá vật liệu xây dựng hàng tháng hoặc sớm hơn, đáp ứng yêu cầu quản lý chi phí đầu tư xây dựng, hợp đồng xây dựng trên địa bàn.

Nhật Hạ