Nhóm bluechip bứt phá, VN-Index tăng gần 25 điểm trong phiên 1/4

Chỉ số Vn-Index có phiên bứt phá ngoạn mục lên 1.516,44 điểm, tăng 25 điểm so với phiên trước.

Phiên giao dịch ngày 1/4 ghi nhận nhịp giằng co ở nhũng phút đầu phiên, áp lực bán gia tăng tại các nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ khiến chỉ số quay đầu giảm điểm, có thời điểm VN-Index quay về dưới mốc 1.485.

Tuy nhiên, lực cầu bắt đáy nhanh chóng tham gia, cùng với các cổ phiếu vốn hóa lớn tiếp tục bứt phá mạnh mẽ đã kéo chỉ số VN-Index ngược dòng tăng điểm ấn tượng.

Đóng phiên, VN-Index tăng 24,29 điểm lên 1.516,44 điểm. Toàn sàn có 330 mã tăng, 125 mã giảm và 40 mã đứng giá. HNX-Index tăng 4,48 điểm lên 454,1 điểm. Toàn sàn có 133 mã tăng, 108 mã giảm và 53 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,15 điểm lên 117,19 điểm.

Tổng giá trị khớp lệnh toàn thị trường đạt 31.952 tỷ đồng; trong đó, giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE đạt 26.699 tỷ đồng. Khối ngoại đẩy mạnh mua ròng gần 410 tỷ đồng ở HoSE.

screen-shot-2022-04-01-at-16.29.32.png
Vn-Index phiên 1/4. Nguồn: Tradingview

Tâm điểm trong phiên hôm nay là nhóm bluechip khi dòng tiền có xu hướng quan tâm trở lại. Các cổ phiếu tăng điểm mạnh mẽ như BVH, FPT, GVR, MSN, MWG, PNJ, SAB….

Trong nhóm VN 30, điểm sáng của đà tăng còn đến từ nhóm cổ phiếu bán lẻ, phần lớn đều tăng tốc như MSN, PNJ, DGW, FRT, VRE, VNM... trong đó, PET, MWG tăng kịch trần.

Bên cạnh đó, nhóm ngân hàng sau những phút đầu giao dịch không mấy tích cực cũng đã đồng thuận tăng. 22/25 mã ngành ngân hàng gồm các cổ phiếu như VPB, CTG, MBB, TCB, STB, TPB… giao dịch tích cực, góp phần vào đà tăng của thị trường.

Đà tăng của các chỉ số tiếp tục được nới rộng khi hàng loạt cổ phiếu nhóm chứng khoán cũng ngược dòng tăng điểm sau những phút đầu giao dịch kém tích cực, các cổ phiếu như VCI, HCM, SSI, VND, VIX, MBS, VDS, APG, SHS, CTS, AGR, BSI... tăng điểm.

Nhóm cổ phiếu hàng hóa như thép: HPG, HSG, NKG, POM, SMC...; phân bón: DCM, DPM, BFC, SFG, LAS... cũng cho thấy diễn biến phục hồi sau những phiên giảm điểm mạnh, phần lớn các cổ phiếu xanh điểm, củng cố thêm sắc xanh chung của thị trường.

Ở chiều ngược lại, nhóm dầu khí tiếp tục giao dịch có phần ảm đạm và kém tích cực. Các cổ phiếu như PVD, PXS, PVS, PVC, PVB, ASP… chịu áp lực bán và giảm điểm khá mạnh trong bối cảnh giá dầu thế giới tiếp tục điều chỉnh trong đêm qua.

Đóng cửa phiên 1/4, sàn HNX có 133 mã tăng và 108 mã giảm, HNX-Index tăng 4,48 điểm (+1%) lên 454,1 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt xấp xỉ 123 triệu đơn vị, giá trị 3.199 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,61 triệu đơn vị, giá trị 40,68 tỷ đồng.

screen-shot-2022-04-01-at-16.34.36.png
HNX-Index phiên 1/4. Nguồn: Tradingview

Nhóm HNX30 cũng đóng góp tích cực khi có tới 17 mã tăng và 10 mã giảm, chỉ số HNX30-Index tăng gần 12 điểm lên mức cao nhất ngày 835 điểm.

Trong đó, cặp đôi CEO và NVB có mức tăng tốt nhất. Cụ thể, CEO tăng 4,5% lên mức 66.900 đồng/CP, còn NVB tăng 3,5% lên 38.000 đồng/CP.

Nhóm cổ phiếu chứng khoán khởi sắc hơn trong phiên chiều khi lần lượt xác lập vùng đỉnh trong ngày với MBS tăng 3,2% và đóng cửa tại 35.000 đồng/CP, tương tự SHS tăng 2% lên 41.300 đồng/CP, BVS tăng 1,4% lên 37.200 đồng/CP…

Trái lại, nhóm dầu khí tiếp tục giật lùi, với PVC giảm 6,8% xuống mức 27.500 đồng/CP, PVB giảm 6% xuống mức thấp nhất trong ngày 22.000 đồng/CP, PVS giảm 3,2% xuống 33.600 đồng/CP…

Đáng chú ý trong rổ HNX30, cổ phiếu LHC đã quay đầu xe sau nhịp hồi phục mạnh cuối phiên sáng. Kết phiên, LHC giảm 1,7% và đóng cửa tại mức giá thấp nhất ngày 170.100 đồng/CP.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, cặp đôi nhà FLC là KLF và ART đã kéo trần thành công và kết phiên trong sắc tím với khối lượng dư mua trần khá lớn.

Trong đó, KLF có khối lượng khớp lệnh đạt 12,2 triệu đơn vị, chỉ đứng sau PVS về thanh khoản (khớp 13,86 triệu đơn vị) cùng lượng dư mua trần 1,32 triệu đơn vị; còn ART khớp hơn 5 triệu đơn vị và dư mua trần gần 0,8 triệu đơn vị.

Ngoài ra, hàng loạt mã nóng khác như PVL, BII, MBG… cũng khởi sắc trở lại.

Trên UPCoM, thị trường cũng đảo chiều hồi phục thành công về cuối phiên nhờ dòng tiền sôi động.

Chốt phiên, UpCoM-Index tăng 0,15 điểm (+0,12%), lên 117,19 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 114,5 triệu đơn vị, giá trị 1.700,6 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 14,64 triệu đơn vị, giá trị 313,24 tỷ đồng.

Cổ phiếu DVN tiếp tục là mã giao dịch sôi động nhất thị trường, đạt hơn 10,85 triệu đơn vị và kết phiên vẫn giảm sâu khi để mất 7,5% xuống mức 23.500 đồng/CP.

Trái lại, nhóm cổ phiếu ngân hàng trên UPCoM cũng không nằm ngoài xu hướng chung của ngành với ABB tăng 1,3%, BVB tăng 1%, SGB tăng 1,1%, VAB… Ngoài ra, các cổ phiếu lớn như VEA, QNS, VTP… giao dịch trong sắc xanh, cũng hỗ trợ tốt giúp thị trường hồi phục.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều tăng mạnh, với VN30F2204 tăng 29 điểm (+1,9%), lên 1.525 điểm, khớp lệnh gần 151.450 đơn vị, khối lượng mở hơn 31.070 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc xanh cũng nở rộ, trong đó CMWWG2111 dẫn đầu thanh khoản với hơn 1,64 triệu đơn vị khớp lệnh, đóng cửa tăng 63,7% lên mức giá trần 2.620 đồng/cq.

(Nguồn: TTXVN/ĐTCK)

P.V (t/h)

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương