Những bất thường có lý trong tranh của Phan Cẩm Thượng

Tranh của Phan Cẩm Thượng hầu hết là vô hướng, và “ngẫu hứng trong có lý”, trông có vẻ lạ lùng nhưng đều là những sự tính toán cân bằng thị giác

Ngày 14 tháng 4 năm 2022, triển lãm tranh của họa sĩ Phan Cẩm Thượng đã chính thức khai mạc tại địa điểm The Muse Artspace 47 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, HN. Triển lãm trưng bày từ ngày 15/4/2022 đến 9/5/2022, trong khoảng 9 giờ sáng đến 9 giờ tối tất cả các ngày trong tuần.

Những bất thường có lý trong tranh của Phan Cẩm Thượng

Nói về họa sỹ, nhà nghiên cứu, phê bình Phan Cẩm Thượng, xin mượn lời của Giám tuyển Vân Vi:

"Tạm gạt sang một bên những thông tin đầy rẫy về ông trên google, về nhà nghiên cứu văn hóa, hay phê bình nghệ thuật…chúng ta đến triển lãm này, hãy chỉ nghĩ về ông là một họa sỹ. Phan Cẩm Thượng sinh năm 1957, tốt nghiệp Đại học mỹ thuật Việt Nam năm 1984, trong dòng lịch sử hội họa Việt chúng ta có thể xếp ông vào thế hệ các họa sỹ thời kỳ Đổi Mới.

Hãy nói sang chuyện dòng lịch sử hội họa để có thể trở về với vị trí của Phan Cẩm Thượng. Những họa sỹ được xếp vào dòng lịch sử hội họa thế giới là những họa sỹ đại diện cho một phong trào sáng tạo nên cái gì mới, còn đối với dòng lịch sử hội họa dân tộc Việt, tạm tính từ đầu thế kỷ 20, thì thông thường, họa sỹ đó một tạo hình nghệ thuật riêng, và có tiếng nói đại diện cho lối sống, cho tư duy, cho một thời kỳ hoặc đặc trưng văn hóa. Ông Phan Cẩm Thượng đã viết nghiên cứu nghệ thuật cho nhiều họa sỹ khác, nhưng ông lại không đặt chính mình vào dòng chảy hội họa Việt.

Tranh ông Thượng có tạo hình riêng biệt, không trùng với bất kỳ họa sỹ nào đang và đã từng vẽ. Xem ông Thượng vẽ, tôi mới chứng nghiệm được rằng tạo hình riêng theo từng nét bút, đi ra từ tất cả các thành tố tạo nên một người họa sỹ, chứ không chỉ học ở đâu mà được. Vẽ là một kỹ năng có thể rèn luyện được, nhưng ở người họa sỹ nó phải được luyện đến mức trở thành bản năng, vẽ như hòa hợp với tâm hồn mình, với cảm xúc của mình. Trong từng nét bút, người khác có chép y hệt, nó cũng không phải là hồn ấy.

Mỗi một họa sỹ đều có một cội nguồn văn hóa. Cái gốc văn hóa ấy quyết định cách nhìn trong nghệ thuật của họ như một phẩm chất tự nhiên. Với ông Thượng thì đó là văn hóa cổ. Tranh ông Thượng đa số là một khổ giấy dó 60x120cm, từ những tờ giấy dó đã để 20 năm nọ độ ẩm khiến những nét bút mềm và màu quyện vào giấy. Những bức tranh trong triển lãm này mang cảm hứng từ những nhân vật trong thế kỷ thứ 17, cùng các tập tục trang phục và mật mã văn hóa ẩn chứa bên trong. Bố cục tranh hầu hết là vô hướng, và “ngẫu hứng trong có lý”. Đôi khi là những tà áo bay ngược xuôi, những chân tay mọc ra từ trong tà áo ở những chỗ bất thường, trông có vẻ lạ lùng nhưng đều là những sự tính toán về cân bằng thị giác.

Ông Thượng dùng hệ màu tự nhiên trên giấy dó, các hòa sắc ưa thích là màu của củ nâu, màu hồng gạch, vàng già, vàng nghệ, màu đen của mực tàu, đâu đó  là xanh thái thanh lam, xanh ngọc phỉ thúy…trong một bản hòa sắc mang tính thẩm mỹ dân tộc, làm hiển hiện lên trong mắt ta điều gì đó thân quen nhưng lại đã từ lâu không thấy, thành thử nó có vẻ ấm áp và dịu dàng. Điểm cuối cùng không thể không đề cập, tuy là nội dung có tính chất văn hóa cổ, sử dụng hệ màu tự nhiên, nhưng tổng hòa lại mang chiều hướng hiện đại, mới - chứ không hề cũ".

Một số tác phẩm trong triển lãm:

1. Tên tác phẩm: Nàng ấy

Năm sáng tác: 2021

Chất liệu: Màu tự nhiên trên giấy Dó.

Kích thước: 60x120cm

Ở Bút Tháp thường có những nhà sư trẻ tuổi tham gia phục dịch cho hoàng tộc Lê Trịnh khi tới chùa hành lễ.

Những bất thường có lý trong tranh của Phan Cẩm Thượng

Cái khó trong việc vẽ giấy dó là sử dụng các khoảng trắng, trắng mà không trống. Tạo hình của ông Thượng cho phép người phụ nữ khỏa thân ở phía giữa tranh có cảm giác đầy đủ các khối trên da thịt chỉ hoàn toàn bằng việc đi nét mà không cần nhấn đậm nhạt. Cô gái có một dải lụa màu xanh trên ngực, là một tập tục buộc ngực của phụ nữ quyền quý xưa. Trên cơ thể cô mang những hình vẽ hoa văn trang trí rồng phượng là một chi tiết hư cấu của họa sỹ.

2. Tên tác phẩm: Con rồng

Năm sáng tác: 2021

Chất liệu: Màu tự nhiên trên giấy Dó.

Những bất thường có lý trong tranh của Phan Cẩm Thượng

Mơ mộng và ẩn dấu cũng là một trong các tính cách đặc trưng của tranh Phan Cẩm Thượng. Những tà áo phượng bay lên che bớt một phần thân thể của cô gái, khiến bức tranh có cảm giác như đang lơ lửng trong không trung, không hiện thực. Bức tranh không xuất hiện hình ảnh ông vua, mà chỉ có tấm áo bào thêu rồng và cô cung nữ. Vua có nhiều cung nữ, cung phi có tới hàng trăm người, không phải ai cũng may mắn được vua lâm hạnh (tới ngủ). Nỗi cô đơn, sự buồn bã nơi cung cấm và niềm khao khát thông thường của người phụ nữ.

Hòa sắc của tranh này cân bằng trong sự kết hợp giữa hai màu chính là màu gạch và màu tím nhạt, một cách tự nhiên là bản phối của sự chân phương và sang trọng.

3. Tên tác phẩm: Quận chúa áo xanh

Năm sáng tác: 2021

Chất liệu: Màu tự nhiên trên giấy Dó.

Kích thước: 60x120cm

Những bất thường có lý trong tranh của Phan Cẩm Thượng

Quận chúa Lê Thị Ngọc Duyên và quận chúa Trịnh Thị Ngọc Cơ thuộc hoàng tộc Lê- Trịnh được thờ ở chùa Bút Tháp. Hai cô đều là con gái của hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc, được thờ hai bên bà Trúc. Bức họa vẽ về cảnh quận chúa Ngọc Cơ áo xanh thêu phượng, phía sau là quận chúa Ngọc Duyên đội mũ, thân trần – phần nào là thân phận của quý tộc thế kỷ 17 “gửi thân tâm vào cửa phật”.

PV

Nữ cầu thủ 16 tuổi mặc váy đá bóng ở lễ hội Soóng Cọ

Nữ cầu thủ 16 tuổi mặc váy đá bóng ở lễ hội Soóng Cọ

Cuộc tranh tài trên sân bóng của các cô gái Sán Chỉ là điểm thu hút nhất trong lễ hội Soóng Cọ ở Bình Liêu (Quảng Ninh)