Không chỉ là một loại nấm rất ngon khi ăn kèm với những thự phẩm khác. Mộc nhĩ còn có tính chất dược liệu quan trọng và được sử dụng như một vị thuốc chữa bệnh của y học cổ truyền. Mộc nhĩ có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe, đặc biệt là vị thuốc trị xuất huyết rất hiệu quả.
Mộc nhĩ có protein, carbohydrat, lipid, chất xơ, các vitamin B1, B2, B3, caroten và các khoáng chất; calci, phospho, Fe,... Trong thành phần có các hợp chất gel có tác dụng điều hòa hoạt động dạ dày ruột, ngoài ra còn có tác dụng làm giảm các huyết khối huyết tắc vi thể.
Vị ngọt nhạt, tính bình; vào vị, đại tràng nên mộc nhĩ có tác dụng bổ khí, bổ thận, hoạt huyết, lương huyết, chỉ huyết. Dùng cho các trường hợp kiết lỵ, viêm ruột, trĩ, xuất huyết tử cung, viêm đường tiết niệu, tiểu tiện xuất huyết, đau mỏi thắt lưng, tê bại tay chân. Hằng ngày dùng 10 - 30g bằng nhiều cách như nấu, hầm, hãm uống...
Biển đậu mộc nhĩ tán: mộc nhĩ 60g, biển đậu 60g. Các vị tán bột, mỗi lần uống 9g, ngày 2 - 3 lần. Dùng thích hợp cho người đái tháo đường.
Canh mộc nhĩ: mộc nhĩ 30g. Nấu chín nhừ, cho ăn với chút dấm, muối, ăn hết cả nước canh. Món này tốt cho người bị kiết lỵ, trĩ, đại tiện xuất huyết rỉ rả không cầm.
Cháo mộc nhĩ: mộc nhĩ 30g, đại táo 5 quả, gạo tẻ 100g, nấu thành cháo. Món này dùng cho người bị kiết lỵ, trĩ, xuất huyết tử cung, tiểu tiện xuất huyết, sốt xuất huyết, rong kinh, rong huyết, xuất huyết dạ dày, ruột...
Chè mộc nhĩ vừng đen: mộc nhĩ 60g, vừng đen 15g. Mộc nhĩ một nửa để sống, còn một nửa sao chín; vừng đem sao. Nấu kỹ, lọc lấy nước. Món này rất tốt cho người mắc hội chứng lỵ xuất huyết, ngoài ra còn có tác dụng tăng lực ích thọ.
Mộc nhĩ xào đậu phụ: mộc nhĩ 20g, đậu phụ 100g. Dùng dầu rán qua đậu phụ cho chín, cho tiếp mộc nhĩ và gia vị (tiêu ớt, muối mắm...), có thể cho thêm rau cần tây, cà chua, hành tây và hành; xào chín cho ăn. Người bệnh thiểu năng động mạch vành, tăng huyết áp, mỡ huyết cao ăn món này rất tốt.
Hồng táo mộc nhĩ tiễn: mộc nhĩ 20g, đại táo 5 quả. Các vị nấu chín nhừ; thêm đường liều lượng thích hợp, đun sôi để nguội cho ăn. Dùng thích hợp cho người huyết hư thiếu máu, kinh nguyệt không đều, huyết trắng, khí hư.
Song nhĩ thang: mộc nhĩ, ngân nhĩ liều lượng đều nhau 30g. Các vị nấu chín nhừ; thêm đường liều lượng thích hợp, đun sôi để nguội cho ăn. Món này tốt cho người sau điều trị bệnh dài ngày, cơ thể suy nhược, bị tiêu chảy kiết lỵ mạn tính, viêm khí phế quản mạn tính.
Thịt lợn hầm mộc nhĩ nấm hương: thịt lợn nạc 100g, nấm hương 30g, mộc nhĩ 30g, nước luộc gà 1 lít, thêm gia vị thích hợp; hầm nhừ. Món này rất tốt cho người tăng huyết áp, mỡ máu cao, xơ cứng động mạch; ngoài ra còn dùng điều trị bổ trợ cho các trường hợp u bướu.
Chú ý: Mộc nhĩ kiêng kỵ người có tỳ vị hư nên hạn chế dùng.