Những thế lực mới nổi trong cuộc chiến năng lượng toàn cầu

Những góc khuất một thời của thế giới năng lượng, từ ngoài khơi Congo đến Azerbaijan, đang vẽ lại bản đồ năng lượng của thế giới với tốc độ chóng mặt. Các quốc gia phương Tây đang hình thành những liên minh bất thường để thay thế khí đốt tự nhiên từ Nga.

Thế lực mới nổi

Tại Bir Rebaa nằm sâu trong sa mạc Sahara, công ty năng lượng Eni của Ý và công ty năng lượng nhà nước của Algeria đang khoan hàng chục giếng sản xuất khí đốt từ các mỏ chưa được khai thác trước đây.

Ba đường ống dưới biển Địa Trung Hải kết nối trữ lượng khí đốt khổng lồ của Algeria với châu Âu. Trong phần lớn thập kỷ qua, gã khổng lồ khí đốt Gazprom của Nga đã giữ giá ở mức thấp, đẩy các nhà cung cấp như Algeria ra khỏi thị trường châu Âu.

Trước chiến tranh, 45% lượng dầu xuất khẩu của Nga sang Liên minh châu Âu, trong khi Ấn Độ mua phần lớn dầu từ Mỹ, Iraq và Ả Rập Saudi. 

Nga lần đầu tiên cắt nguồn khí đốt sang châu Âu vào tháng 3/2022, một tháng sau khi cuộc xung đột với Ukraina bắt đầu. Khi phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt đối với dầu mỏ của Nga, Trung Quốc và Ấn Độ đã được giảm giá và trở thành khách hàng chính của Moscow.

Những người chiến thắng mới bất ngờ trong cuộc chiến năng lượng toàn cầu - Ảnh 1.

Một cơ sở khí đốt tự nhiên ở Sahara ở Algeria. Ảnh: WSJ

Trong khi đó, Mỹ đã tăng hơn gấp đôi lượng xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) sang châu Âu. Algeria từ lâu đã có liên minh chặt chẽ với Nga khi mua số lượng lớn vũ khí từ Moscow. Cơn khát đột ngột của châu Âu đối với khí đốt tự nhiên Algeria đang thách thức mối quan hệ đó.

Mohamed Arkab, Bộ trưởng Năng lượng Algeria, cho biết trong một cuộc phỏng vấn: "Chúng tôi có quan hệ hữu nghị và chính trị, nhưng kinh doanh là kinh doanh".

Khi nguồn cung thay đổi

Chính phủ Algeria đang đàm phán các hợp đồng khí đốt mới với người mua ở Đức, Hà Lan và các nơi khác ở châu Âu. Eni đầu tư lớn vào sản xuất ở Algeria. Chính phủ Algeria đang đàm phán với gã khổng lồ dầu khí Mỹ Chevron và ExxonMobil về các thỏa thuận cho phép các công ty lần đầu tiên sản xuất khí đốt trong nước.

Trong khi Nga đang bận rộn tìm cách chuyển hướng xuất khẩu sang người tiêu dùng châu Á, châu Âu đã tăng cường nhập khẩu khí đốt từ Azerbaijan, nước láng giềng của Nga.

Azerbaijan là một trong những quốc gia hàng đầu bắt đầu sản xuất dầu thô từ các giàn khoan ngoài khơi. Nó có tiềm năng hydrocarbon dồi dào ở khu vực ngoài khơi đối với dầu thô và khí đốt tự nhiên, thu hút đầu tư từ các nhà khai thác nước ngoài như BP, Equinor, Total. 

Tất cả các hoạt động này đang chuyển hướng dòng khí đốt tự nhiên trên khắp thế giới. Khí đốt từng chảy chủ yếu về phía Tây Nam từ Nga tới Địa Trung Hải. Hiện nay châu Âu đang chuẩn bị tăng cường nhập khẩu từ châu Phi, dòng khí đốt chảy qua Ý đến Áo và các nước khác. Xuất khẩu LNG toàn cầu tăng lên mức cao kỷ lục, được thúc đẩy bởi lượng xuất khẩu LNG của Mỹ sang châu Âu tăng mạnh.

Những người chiến thắng mới bất ngờ trong cuộc chiến năng lượng toàn cầu - Ảnh 2.

Tại Congo, công ty năng lượng Eni của Ý đã sản xuất dầu từ các mỏ ngoài khơi trong nhiều thập kỷ. Ảnh: WSJ

Nguồn cung khí đốt của Azerbaijan cho châu Âu qua Đường ống xuyên Adriatic (TAP) đạt 2,9 tỉ mét khối trong quý 1/2023. Mặc dù Azerbaijan vẫn là nhà cung cấp khí đốt tương đối nhỏ cho EU, nhưng tổng khối lượng cung cấp từ đầu năm 2023 đến thời điểm này cao hơn cùng kì những năm trước.

Châu Âu hy vọng rằng dòng chảy mới sẽ cung cấp một vùng đệm năng lượng trong ba năm tới, giai đoạn mà các quan chức và nhà phân tích lo ngại tình trạng khủng hoảng nguồn cung sẽ nghiêm trọng nhất. Nguồn cung cấp mới cũng sẽ thay thế một số loại nhiên liệu đắt tiền mà châu Âu đã phụ thuộc từ Mỹ và Qatar. 

Mỹ, nhà sản xuất dầu thô hàng đầu thế giới, có thể giúp bù đắp ít nhất một phần thiệt hại về nguồn cung từ Nga, cả về dầu và khí đốt. Xuất khẩu LNG của Mỹ sang châu Âu đang tăng mạnh và xuất khẩu nhiên liệu cũng tăng mạnh mặc dù hàng nhiên liệu tồn kho ở mức thấp trong nhiều năm tại Mỹ.

Các nhà sản xuất đã không chuẩn bị cho nhu cầu tăng mạnh khi lệnh phong tỏa được nới lỏng hoặc sự gián đoạn thị trường do chiến tranh gây ra.

Trật tự năng lượng thế giới mới

Các quan chức và nhà điều hành phương Tây bắt tay vào một chiến dịch ngoại giao năng lượng mạnh mẽ. Thủ tướng Ý - Giorgia Meloni và người tiền nhiệm Mario Draghi đã tới Algeria để sắp xếp các hợp đồng khí đốt mới. 

Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã đi thăm các quốc gia châu Phi có trữ lượng năng lượng đáng kể. Giám đốc điều hành Eni - Claudio Descalzi và Guido Brusco, người giám sát hoạt động sản xuất dầu khí của công ty, đã đi khắp các lục địa để tìm kiếm nguồn khí đốt mới cho Ý.

Cơ sở dầu khí của Eni cách thủ đô Algiers của Algeria gần 500 dặm về phía Đông Nam. Chính phủ đã tăng cường an ninh tại cơ sở này sau khi phiến quân Hồi giáo tấn công một nhà máy dầu khí và bắt công nhân làm con tin, khiến 38 người thiệt mạng cách đây một thập kỷ. 

Khu phức hợp Eni được bảo vệ bởi binh lính Algeria có vũ trang và nhân viên an ninh. Công nhân ở lại làm việc trong nhiều tuần, cơ sở thậm chí nuôi mèo để chống lại bọ cạp sa mạc.

Những người chiến thắng mới bất ngờ trong cuộc chiến năng lượng toàn cầu - Ảnh 3.

Dòng khí đốt tự nhiên của Ý được quản lý từ cơ sở Snam bên ngoài Milan. Ảnh: WSJ

Các quan chức Algeria cho biết, năm nay nước này có thể xuất khẩu 100 tỷ mét khối (bcm) khí đốt, tương đương khoảng 65% trong số gần 160 bcm mà EU đã nhập khẩu từ Nga vào năm 2021 trước khi bắt đầu chiến tranh.

Nhiều năm trước, trước khi khí đốt giá rẻ của Nga xuất hiện, Algeria là nhà cung cấp hàng đầu cho Ý. Giờ đây, nước này một lần nữa giữ vị trí dẫn đầu, giúp Ý gần như thay thế hoàn toàn lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga. 

Ý muốn tận dụng thành công đó để xuất khẩu một số nguồn cung qua biên giới phía Bắc sang Áo, Đức và các nước lân cận khác. Chính phủ gần đây đã đẩy nhanh việc xây dựng một đường ống mới để vận chuyển khí đốt về phía Bắc.

Ai hưởng lợi?

Tầm quan trọng mới của Algeria với tư cách là nhà cung cấp năng lượng, Mỹ và châu Âu đang cố gắng đẩy chính phủ này rời xa Nga. Algeria là một trong những nước mua thiết bị quân sự của Nga lớn nhất thế giới và nhiều thế hệ sĩ quan Algeria đã được đào tạo ở Nga.  

Ngân sách năm nay của Algeria vạch ra kế hoạch sử dụng lợi nhuận từ dầu khí để tăng gần gấp đôi ngân sách quốc phòng. Các quan chức phương Tây lo ngại rằng phần lớn khoản chi tiêu đó có thể rơi vào ngành công nghiệp vũ khí của Nga. 

Các quan chức Mỹ đã cảnh báo Algeria rằng việc mua sắm đáng kể từ Nga sẽ khiến nước này có nguy cơ bị Mỹ trừng phạt, theo luật nhằm chống lại việc bán vũ khí của Nga, Iran và Triều Tiên. Các cường quốc quân sự của Mỹ và châu Âu cho biết họ có thể giúp lấp đầy khoảng trống.

Một quan chức Mỹ ở Algeria cho biết rằng việc mua sắm quân sự không thể bị đảo ngược trong một sớm một chiều. Tuy nhiên, nước này có thể tránh mua thêm đáng kể các thiết bị quốc phòng của Nga. 

Những người chiến thắng mới bất ngờ trong cuộc chiến năng lượng toàn cầu - Ảnh 4.

Một tàu tiếp nhiên liệu ở Piombino, Ý, có thể tiếp nhận các chuyến hàng khí đốt tự nhiên hóa lỏng. Ảnh: WSJ

Tại Azerbaijan, tập đoàn do BP đứng đầu đang nỗ lực thúc đẩy sản xuất từ dự án Shah Deniz  ở biển Caspian. Các công ty này cũng đang nỗ lực khai thác khí bị mắc kẹt bên dưới trữ lượng dầu tại mỏ ACG, cách Baku ở Caspian khoảng 60 dặm về phía Đông. Những nguồn cung cấp mới này sẽ giúp Azerbaijan đáp ứng thỏa thuận được ký năm ngoái nhằm tăng cường cung cấp từ 10 bcm lên 20 bcm khí đốt vào năm 2027.

Ở Congo, Eni đã sản xuất dầu từ các mỏ ngoài khơi trong nhiều thập kỷ, bơm lượng khí đốt tự nhiên dư thừa vào bể chứa dưới đáy biển. Khi nền kinh tế toàn cầu nổi lên sau đại dịch COVID-19, các nhà điều hành đã ấp ủ kế hoạch bán lượng khí đốt đó và sản xuất nhiều hơn bằng cách sử dụng tàu tiếp nhiên liệu LNG. 

So với cách truyền thống, tiếp nhiên liệu từ tàu sang tàu sẽ giúp rút ngắn thời gian cập cảng của tàu biển và nâng cao đáng kể khả năng cạnh tranh quốc tế của các nhà xuất khẩu khí lỏng trên thế giới. 

Các nhà sản xuất bắt đầu đàm phán để mua một trong số ít những chiếc tàu như vậy trên thị trường từ Exmar, một công ty của Bỉ. Eni đã công bố một thỏa thuận mua tàu vào tháng 8/2022. Công ty cho biết họ đang trên đà bắt đầu hóa lỏng khí đốt trong năm nay.

Một số nhà lập pháp châu Âu lo ngại rằng sự phụ thuộc ngày càng tăng vào Algeria và Azerbaijan có thể một lần nữa khiến lục địa này rơi vào tình trạng tồi tệ như trước đây. Roberto Cingolani, cựu Bộ trưởng Môi trường Ý cho biết chính sách tốt nhất là giữ cho các nhà cung cấp của lục địa này luôn đa dạng.

Ông nói: "Có càng nhiều nhà cung cấp càng tốt, giảm thiểu rủi ro sử dụng khí đốt làm đòn bẩy trong cuộc chiến địa chính trị".

(Nguồn: WSJ)

TÚC