Trong khoảng 10 năm trở lại đây, thị trường bất động sản phía Nam nói chung, TP.HCM nói riêng, chứng kiến giá bất động sản không ngừng tăng cao.
Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, giá đất xung quanh các công trình cầu đường hay dự án đô thị nơi có quy hoạch hạ tầng giao thông thường biến động rất mạnh, bởi khi Nhà nước công bố quy hoạch đất đai, giá đất trong khu được quy hoạch và vùng phụ cận đều tăng từ 8-10%, còn khi Nhà nước rót vốn vào các công trình hạ tầng hoặc các nhà đầu tư khác phát triển dự án đô thị thì mức tăng lên đến 45-50%.
Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân khiến giá bất động sản tăng như nhu cầu nhà ở ngày càng tăng cao trong khi nguồn cung khan hiếm, lạm phát, chỉnh trang đô thị, đầu cơ tích trữ đất đai..., nhưng dễ nhận thấy là do quy hoạch hạ tầng và nơi nào có hệ thống hạ tầng giao thông phát triển, có hướng mở trong quy hoạch, thì giá trị bất động sản nơi đó thường tăng mạnh.
Lấy ví dụ, tại TP.HCM, 10 năm trước, khu vực quận Bình Thạnh, Gò Vấp là các quận nội thành nên giá bất động sản khá cao, còn Thủ Đức là vùng ven nên giá thấp hơn đáng kể. Tuy nhiên, kể từ sau khi tuyến đường Phạm Văn Đồng được khởi công và chính thức đưa vào sử dụng năm 2015, sau đó là một loạt công trình hạ tầng kết nối khác như hầm Thủ Thiêm, cầu Sài Gòn, cầu Thủ Thiêm 1, cầu Thủ Thiêm 2…, khoảng cách này nhanh chóng được thu hẹp.
Đặc biệt, sau khi TP. Thủ Đức được thành lập với việc sáp nhập 3 quận 2, 9 và Thủ Đức, giá bất động sản nhiều khu vực tại thành phố mới này đã tăng lên ngang bằng các quận trung tâm. Chẳng hạn, giá bán đất mặt tiền một số tuyến đường khu vực quận 2 cũ như đường Song Hành, Lương Định Của, Trần Não… trung bình từ 300-400 triệu đồng/m2, tương đương các quận 1, 3 hay 10, trong khi 10 năm trước chỉ từ 60-80 triệu đồng/m2, còn các quận trung tâm cao gấp đôi.
Cuối tuần qua, Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư nhiều công trình hạ tầng giao thông trọng điểm trên cả nước, trong đó có tuyến đường Vành đai 3 vùng TP.HCM. Dự án có chiều dài hơn 76 km đi qua 4 địa phương gồm TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An, chia thành 8 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công, tổng mức đầu tư sơ bộ của dự án là 75.378 tỷ đồng. Theo kế hoạch, công tác chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án bắt đầu từ năm 2022, cơ bản hoàn thành trong năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026.
Theo phân tích của giới kinh doanh địa ốc, khi đường Vành đai 3 khởi công, kết hợp với một loạt công trình hạ tầng giao thông đã, đang và sẽ đầu tư khác như tuyến đường Vành đai 2 TP.HCM, cao tốc TP.HCM - Dầu Giây - Phan Thiết, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, sân bay Long Thành… sẽ tạo thành một mạng lưới kết nối hạ tầng liên vùng, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế các địa phương nơi các tuyến đường đi qua nói chung, thị trường bất động sản những địa phương này nói riêng.
Tổng Hợp