Những âm thanh đầu tiên
Ngày 21/6, hy vọng tìm thấy 5 thành viên trên tàu lặn Titan mất tích đã được thắp sáng khi nhóm cứu hộ dường như nhận thấy dấu hiệu sự sống từ con tàu thám hiểm Titan.
Đài CNN dẫn thông tin nội bộ Chính phủ Mỹ cho biết lực lượng cứu hộ đã nghe thấy tín hiệu định vị trong quá trình tìm kiếm chiếc tàu lặn mất tích.
Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ cho biết, máy bay của Canada đang trong sứ mệnh tìm kiếm 5 người mất tích trên tàu ngầm thám hiểm đã nghe thấy tiếng động ngắt quãng 30 phút/lần ở khu vực mà chiếc tàu ngầm biến mất. Sau khi các phao sonar được triển khai, người ta vẫn nghe thấy tín hiệu này 4 tiếng sau đó.
Chuyên cơ RCC đã phóng P8 Poseidon có khả năng phát hiện âm thanh ở dưới nước và nhận thấy tín hiệu sự sống gần vị trí gặp nạn.
Ông Richard Garriot de Cayeux - chủ tịch của câu lạc bộ thám hiểm (The Explorers Club) đã khẳng định rằng những tiếng động này là âm thanh của hy vọng. "Chúng tôi tự tin hơn rằng có nguyên nhân để hy vọng, dựa theo dữ liệu tại hiện trường, dường như đã phát hiện dấu hiệu người sống sót tại hiện trường."
Cuộc tìm kiếm quy mô lớn
Một chiến dịch tìm kiếm lớn đang diễn ra ở Bắc Đại Tây Dương sau khi tàu ngầm Titan đột ngột mất tích trong khi thực hiện chuyến thám hiểm xác tàu Titanic vào hôm 18/6.
Theo BBC, tàu nghiên cứu Polar Prince đã mất liên lạc với thủy thủ đoàn trên tàu ngầm Titan sau khi con tàu này bắt đầu lặn được một giờ 45 phút. Trong cập nhật vào chiều 20/6 giờ Mỹ, Lực lượng tuần duyên Mỹ cho biết lượng oxy trong tàu lặn không còn nhiều như thông tin ban đầu.
"Từ dữ liệu mà chúng tôi đang sử dụng ban đầu, không khí của tàu là 96 giờ. Tại thời điểm này, chúng tôi còn khoảng 40, 41 tiếng nữa", đại úy Jamie Frederick thuộc Lực lượng tuần duyên Mỹ cho biết. Kể từ lúc thông báo đến nay, thời gian đang lùi về gần 30 tiếng.
Công ty vận hành tàu OceanGate cho biết đang xem xét mọi lựa chọn để đưa các hành khách trở về an toàn. Các cơ quan chính phủ Mỹ và Canada cũng tham gia chiến dịch tìm kiếm.
Con tàu Titan được cho là đang cách bờ biển của bán đảo Cape Cod khoảng 1.450 km ở thời điểm mất liên lạc.
Các tàu và máy bay của lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ và Canada đang lùng sục 7.600 dặm vuông đại dương (khoảng 20.000 km2), ước tính lớn hơn cả bang Connecticut, Mỹ để tìm kiếm.
Frederick cho biết một tàu thương mại với thiết bị lặn sâu được điều khiển từ xa cũng đang tìm kiếm gần địa điểm này. Pháp cũng cử đến tàu nghiên cứu với robot để hỗ trợ tìm kiếm theo yêu cầu của hải quân Mỹ. Dự kiến con tàu này sẽ đến vào tối thứ tư theo giờ địa phương Mỹ.
Những thách thức to lớn
Chuẩn đô đốc lực lượng tuần duyên Mỹ John Mauger nhận định chiến dịch giải cứu gặp phải nhiều thách thức do đây là một khu vực cách xa bờ.
Theo ông, chiến dịch tìm kiếm có hai khía cạnh chính. Đầu tiên là cuộc tìm kiếm trên mặt nước, trong trường hợp tàu Titan đã nổi lên nhưng bị mất liên lạc. Khía cạnh thứ 2 là cuộc tìm kiếm dưới lòng biển sử dụng công nghệ định vị sóng âm.
Theo Alistair Greig, giáo sư kỹ thuật hàng hải tại Đại học College London, trong trường hợp khẩn cấp giữa lúc lặn, phi công có thể đã thả vật nặng để nổi trở lại mặt nước. Tuy nhiên, nếu không có liên lạc, việc định vị một chiếc tàu lặn cỡ van ở Đại Tây Dương rộng lớn có thể là một thách thức khó khăn.
Nếu Titan ở dưới đáy đại dương, nỗ lực giải cứu sẽ còn khó khăn hơn do điều kiện khắc nghiệt hơn 2 dặm dưới bề mặt. Titanic nằm ở độ sâu 12.500 feet (3.810 mét) dưới nước, nơi không có ánh sáng mặt trời xuyên qua. Chỉ những thiết bị chuyên dụng mới có thể đạt tới độ sâu như vậy mà không bị áp lực nước khổng lồ đè bẹp.
John Mauger cho biết hiện chưa có thiết bị tại chỗ để khảo sát đáy. Chuẩn Đô đốc Hải quân Hoàng gia Anh Chris Parry ví đáy Đại Tây Dương giống như không gian "ngoài vũ trụ". "Ở dưới đó hoàn toàn tối đen như mực, rất nhiều bùn và những thứ khác bị cuốn lên, chỉ có thể nhìn thấy đường ở 6m phía trước mà thôi, không thể nhìn xa hơn được, dòng hải lưu dưới đáy mạnh đến nỗi có thể cuốn trôi tất cả đi".
Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng John Kirby cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden đang "theo dõi chặt chẽ các sự kiện".
Titan là một chiếc tàu ngầm có khả năng chở theo 5 hành khách, được thiết kế để lặn xuống độ sâu 4.000 m và di chuyển với tốc độ 5,6 km/h.
Ngoài chở khách đến xác tàu Titanic, Titan cũng được sử dụng cho các mục đích khác như nghiên cứu, theo dõi, thu thập dữ liệu, quay phim, kiểm tra thiết bị và phần mềm ở độ sâu lớn.
Trang web của OceanGate cho biết Titan có hệ thống theo dõi và đánh giá tình trạng vỏ tàu trong thời gian thực. Hệ thống này hoạt động dựa trên các cảm biến, đánh giá tác động của việc thay đổi áp suất lên vỏ tàu trong quá trình lặn.
(Nguồn: France24/Reuters)