Novaland thâu tóm thêm 500 ha đất tại Đồng Nai, quận 9 và quận 2

Trong 9 tháng năm 2020, Tập đoàn Novaland đã tích góp thêm gần 500 ha cho quỹ đất của mình tại Đồng Nai, quận 9 và quận 2 nhờ hoạt động M&A.

Trong quý II và quý III/2020, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va ( Novaland , mã cổ phiếu: NVL) của ông Bùi Thành Nhơn liên tục tìm cách bành trướng quỹ đất thông qua các thương vụ M&A.

Mua đảo Phụng Hoàng, nâng diện tích Aqua City lên 1.000 ha

Hồi cuối tháng 6/2020, Tập đoàn Novaland đã hoàn tất việc mua 69,86% vốn chủ sở hữu của Công ty TNHH Bất động sản Phúc Hoa với giá phí là gần 4.300 tỷ đồng. Sau khi trừ khoản tiền thu được, tiền thuần Novaland chi ra vẫn gần 4.300 tỷ đồng.

Với việc kiểm soát Phúc Hoa, thị trường truyền tai nhau rằng, tập đoàn của ông Bùi Thành Nhơn đã trở thành chủ sở hữu của đảo Phụng Hoàng, xã Tam Phước, thành phố Biên Hòa, Đồng Nai. 

Đúng như đồn đoán, sang đầu tháng 7/2020, Novaland lập tức ra mắt phân khu Phoenix South trong đại dự án Aqua City. Phân khu này rộng 286 ha, gồm các sản phẩm như nhà phố  liền kề, nhà phố thương mại, biệt thự,… Đảo Phụng Hoàng được khởi công ngay trong quý III/2020 và dự kiến bàn giao đúng sau 3 năm. Dự kiến vào cuối tháng 11 này, Novaland sẽ mở bán giai đoạn 1 phân khu trên.

Việc thâu tóm Bất động sản Phúc Hoa, có được đảo Phụng Hoàng giúp Aqua City nâng tổng diện tích lên gần 1.000 ha. Ảnh: Novaland
Việc thâu tóm Bất động sản Phúc Hoa, có được đảo Phụng Hoàng giúp Aqua City nâng tổng diện tích lên gần 1.000 ha. Ảnh: Novaland

Như vậy diện tích của Aqua City sẽ được tăng lên 286 ha và đưa quỹ đất tổng cộng của dự án này lên khoảng 1.000 ha… Thị trường đồn đoán rằng, theo kế hoạch, Novaland tiếp tục gom quỹ đất xung quanh để phát triển Aqua City thành một khu đô thị tầm cỡ với tổng diện tích từ 1.800 ha đến 2.000 ha.

Theo quan sát của một số người trong nghề, kế hoạch này chỉ có thể thực hiện thuận lợi khi doanh nghiệp của ông Bùi Thành Nhơn gom đất thuộc xã Tam Phước. Việc Novaland đàm phán phía bên kia cầu Vàm Cái Sứt sẽ khó vì đây là quỹ đất của Công ty TNHH Amata mà một doanh nghiệp lớn nhất nhì ngành bất động sản đang thương lượng thâu tóm.

Chính thức sở hữu Palm Marina quận 9?

Sau thương vụ chi đến hàng nghìn tỷ đồng, tác động đáng kể đến năng lực tài chính của mình, Novaland không nghỉ ngơi mà tiếp tục chi tiền lớn để làm rộng thêm quỹ đất.

Vào cuối tháng 9/2020, Tập đoàn Novaland chi hơn 882 tỷ đồng để có được 99,98% vốn chủ sở hữu của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Huy. Công ty này đang được thị trường đồn đoán là có yếu tố liên quan tới 2 nữ doanh nhân bất động sản kín tiếng Võ Thị Kim Khoa và Lê Nguyễn Diễm My. Đây là hai nữ doanh nhân từng sở hữu dự án Palm Marina tại phường Long Trường, quận 9. Đây cũng là 2 cá nhân từng chuyển nhượng Công ty TNHH Bất động sản Gia Đức cho Novaland vào tháng 4/2017.

Hiện, dự án Palm Marina được thị trường ngầm xác nhận đã thuộc về Novaland. Theo thông tin chúng tôi có được, dự án này chỉ còn diện tích 7,4 ha, bao gồm 900 căn hộ và 150 căn biệt thự, nhà liền kề. Đến nay, Palm Marina vẫn đang còn “đắp chiếu” mà chưa rõ ngày nào sẽ được ra mắt chính thức và khởi công. Tuy nhiên, đây được xem là một trong những dự án chiến lược của ông Bùi Thành Nhơn với vị trí vô cùng đắc địa.

Palm Marina nằm cạnh đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây nhưng vẫn đang bị
Palm Marina nằm cạnh đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây nhưng vẫn đang bị "đắp chiếu". Ảnh: Tri Thức Trực Tuyến

Qua việc mua lại An Huy, doanh nghiệp của ông Bùi Thành Nhơn cũng đồng thời kiểm soát Công ty Cổ phần Địa ốc Ngân Hiệp do An Huy nắm giữ 99,98%. Công ty này đang có lợi ích tại dự án Chung cư Nguyễn Kim - khu B (quận 10). Dự án này từng bị Thanh tra TP.HCM chỉ mặt vì Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn (RESCO), doanh nghiệp nhà nước trực thuộc UBND TP.HCM, đã sử dụng tiền 100% vốn nhà nước để chi trả các chi phí thực hiện dự án thay Ngân Hiệp.

Ngân hiệp còn sở hữu dự án Khu biệt thự Ngân Hiệp với diện tích diện tích 2,52ha tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Dự án này được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư vào năm 2002, nhưng đến tháng 7/2020, Ngân Hiệp vẫn chưa triển khai các thủ tục chuẩn bị đầu tư tiếp theo theo quy định như lập và trình phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, hoàn thành thủ tục đất đai, phòng cháy chữa cháy và cấp giấy phép xây dựng,… Rất có thể, Novaland sẽ ra tay “cứu” dự án này đang trên thềm “chết yểu”.

Chi 1.400 tỷ đồng kiểm soát dự án Thạnh Mỹ Lợi

Cũng trong cuối tháng 9/2020, Novaland hoàn tất mua 99,98% vốn chủ sở hữu của Công ty Cổ phần Đầu tư Liberty với giá phí là 1.400 tỷ đồng. Qua đó, phía ông Bùi Thành Nhơn cũng đồng thời kiểm soát Công ty Cổ phần Thạnh Mỹ Lợi do Liberty nắm giữ 14,12% vốn. Cùng với việc trước đó đã sở hữu 55,64% trong Thạnh Mỹ Lợi, Tập đoàn Novaland hiện đang nắm khoảng 70% vốn chủ sở hữu tại công ty này.

Trong báo cáo tài chính quý III/2020 , tiền thuần chi ra gồm 5.445 tỷ đồng do Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển bất động sản CQ89 (CQ89) để mua Thạnh Mỹ Lợi năm 2018 và gần 1.400 tỷ đồng chi ra trong năm 2020. Như vậy, tổng số tiền thuần mà Novaland đã chi ra để sở hữu khoảng 70% cổ phần trong Thạnh Mỹ Lợi đã lên tới gần hơn 6.800 tỷ đồng.

Công ty Cổ phần Thạnh Mỹ Lợi được biết là doanh nghiệp đang sở hữu dự án gây sốt với tổng diện tích gần 180 ha, nằm ngay khu vực cầu Phú Mỹ, quận 2. Năm 2004, UBND TP.HCM đã giao cho Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích Thanh Niên Xung Phong làm chủ đầu tư dự án Khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi B với tổng diện tích tạm tính gần 179 ha.

Dự án Thạnh Mỹ Lợi đã bị treo 15 năm qua. Ảnh: Tri Thức Trực Tuyến
Dự án Thạnh Mỹ Lợi đã bị treo 15 năm qua. Ảnh: Tri Thức Trực Tuyến

Đến năm 2011, Công ty Thanh Niên Xung Phong đã mang đất góp vốn để liên doanh với đối tác khác lập ra Công ty Cổ phần Thạnh Mỹ Lợi để thực hiện dự án trên. Liên doanh này có vốn điều lệ hơn 2.162 tỷ đồng, trong đó Công ty Thanh Niên Xung Phong nắm 10% tỷ lệ còn 90% vốn còn lại do nhóm Mesa Group (gồm Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại Mesa, Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại Đại Phước).

Dù được giao đất thực hiện từ năm 2004, nhưng 16 năm trôi qua dự án Thạnh Mỹ Lợi vẫn không được triển khai. Dự án này còn được biết đến với nhiều vụ khiếu nại, cầu cứu của người dân. Trong đó, nổi nhất là gia đình rapper Tiến Đạt và các hộ dân có đất trong dự án, lên tiếng tố giá đền bù đất không thoả đáng. Năm 2013, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM từng công bố quyết định thanh tra dự án.

Đến năm 2018, Novaland đánh tiếng tham gia dự án. Hiện, Thạnh Mỹ Lợi được đánh giá là dự án trọng điểm có giá trị lên đến hàng tỷ USD của tập đoàn này.

Theo thống kê của Chứng Khoán Bản Việt (VCSC), Novaland là doanh nghiệp về nhì khi xét về quỹ đất với 2.300 ha tại TP.HCM và các khu vực ven biển. Tuy nhiên, tại ĐHCĐ năm 2020, Tổng giám đốc Bùi Xuân Huy cho biết, tập đoàn này đang có 671 ha quỹ đất ở trung tâm TP.HCM, 722 ha quỹ đất ở các khu đô thị vệ tinh và 3.500 ha bất động sản nghỉ dưỡng.

Theo ông Huy, với quy mô quỹ đất này đủ để cho Novaland phát triển trong 5 - 10 năm tới. Năm 2020 và các năm tiếp theo, Novaland sẽ tiếp tục tìm kiếm và phát triển quỹ đất, hợp tác sâu rộng, đẩy nhanh các dự án nghỉ dưỡng vào hoạt động.

Cũng theo VCSC, miếng bánh thị trường bất động sản nhà ở tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020, Novaland cũng đang đứng thứ hai về thị phần. Tuy vậy, doanh nghiệp này chỉ chiếm được 4% thị phần. Với phân khúc cao cấp và hạng sang, Novaland đang nắm giữ 18%. Doanh nghiệp này mất hút tên tuổi ở mảng bất động sản nhà ở tầm trung.

TẤT ĐẠT

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương