Phản đối khoản nợ lịch sử với Gazprom, từ bỏ khí đốt Nga: Nước châu Âu "nôn nóng" gia nhập EU

Bộ trưởng Năng lượng Moldova Victor Parlicov cho biết hôm 2/10 rằng phần lớn Moldova sẽ không còn mua khí đốt từ gã khổng lồ năng lượng Gazprom của Nga.

Từ chối khí đốt Nga

Bình luận của Bộ trưởng Năng lượng Moldova Victor Parlicov cho thấy đất nước Moldova - một trong những quốc gia nghèo nhất của châu Âu đã có được sự chủ động về nguồn khí đốt thay vì sử dụng khí đốt của Nga.

Hãng tin Reuters (Anh) đưa tin, Moldova do Chisinau kiểm soát (gồm phần lớn lãnh thổ và dân số của đất nước này) đã ngừng mua khí đốt từ Gazprom vào tháng 12/2022. Bộ trưởng Parlicov cho biết Moldova đã có thể mua khí đốt từ các nhà cung cấp châu Âu với mức giá tốt hơn Gazprom đưa ra.

Ông Parlicov phát biểu tại một hội nghị trực tuyến ở Bucharest rằng: "Chúng tôi sẽ không mua khí đốt tự nhiên từ Gazprom cho lãnh thổ do cơ quan hiến pháp (Chisinau) kiểm soát nữa."

Trong khi đó, Điện Kremlin hôm 2/10 cho biết rằng quan hệ giữa Moldova và Gazprom vẫn đang tiếp tục, đặc biệt khi Moldova còn nợ tiền công ty khí đốt này. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhận xét, mối quan hệ giữa Gazprom và Moldova cần được giải quyết.

Moldova hiện vẫn mua điện được tạo ra từ nhà máy điện Transdniestrian sử dụng khí đốt của Gazprom. Reuters đánh giá, Bộ trưởng nước này không đưa ra dấu hiệu nào cho thấy điều này sẽ thay đổi.

Tập đoàn Gazprom thuộc sở hữu nhà nước Nga, vẫn cung cấp 5,7 triệu mét khối khí đốt mỗi ngày cho Transdniestria - một vùng đất thuộc Moldova được Nga hậu thuẫn. Tập đoàn cũng chỉ ra rằng họ vẫn nhận được yêu cầu cung cấp khí đốt hàng ngày từ nhà phân phối khí đốt tự nhiên Moldovagaz của Moldova và đáp ứng chúng bằng cách vận chuyển nhiên liệu qua Ukraine.

Gazprom không cho biết liệu khí đốt có đến Transdniestria hay không.

Phản đối khoản nợ lịch sử với Gazprom, từ bỏ khí đốt Nga: Nước châu Âu

Moldova phản đối khoản nợ lịch sử với Gazprom

Vào cuối năm 2021, Gazprom và công ty con ở Moldova nói nước này đang nợ họ hàng trăm triệu USD. 

Gazprom công bố khoản nợ của Moldova là 709 triệu USD. Đại diện chính thức của Gazprom Sergey Kupriyanov thông báo rằng khoản nợ ban đầu là 433 triệu USD, nhưng tính đến việc chậm thanh toán, tổng số tiền lên tới 709 triệu USD.

Bộ trưởng Năng Lượng Moldova Victor Parlicov cho biết nước này đã thực hiện một cuộc kiểm toán quốc tế, trong đó chỉ ra rằng nhà phân phối khí đốt tự nhiên thuộc sở hữu công Moldovagaz chỉ nợ 8,6 triệu USD và Chisinau "không có ý định trả các khoản nợ không tồn tại".

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharov khẳng định: “Chúng tôi muốn lưu ý rằng Gazprom là nhà cung cấp năng lượng đáng tin cậy trong nhiều thập kỷ”.

Gazprom "hoàn toàn không đồng ý với các tuyên bố của phía Moldova và dự định tiếp tục bảo vệ quyền lợi của mình bằng mọi cách có thể". 

Ảnh: AFP
Ảnh: AFP

"Nôn nóng" gia nhập EU

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Moldova Popescu ngày 2/10 đăng tải trên kênh Telegram cá nhân cho hay, nước này có thể thực hiện hầu hết các khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu và hy vọng sẽ nhận được quyết định tích cực khi bắt đầu quá trình đàm phán để gia nhập Liên minh Châu Âu (EU) vào cuối năm nay.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Moldova Popescu đã có cuộc điện đàm với ông Koopman - Người đứng đầu Tổng cục các Khu vực lân cận và Mở rộng của EU.

Trong cuộc điện đàm, ông Popescu nêu rõ những tiến bộ đáng kể của Moldova trong việc thực hiện 9 khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu, đồng thời bày tỏ hy vọng sớm nhận được quyết định tích cực để bắt đầu quá trình đàm phán gia nhập EU.

Tháng 3/2022, Tổng thống Moldova Sandu đã ký đơn xin gia nhập Liên minh châu Âu. Tại Hội nghị thượng đỉnh ở Brussels (Bỉ) vào ngày 23/6, các nguyên thủ quốc gia của Liên minh Châu Âu đã thông qua việc cấp quy chế ứng cử viên cho Ukraine và Moldova.

Theo Reuters, Ngoại trưởng Nicu Popescu của Moldova đã đưa ra cuộc thảo luận về tư cách thành viên EU trên cả nước vào cuối tuần trước, nói rằng sự tham gia của công chúng "có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng một tương lai thịnh vượng hơn trong khuôn khổ cộng đồng châu Âu".

Các học giả nước này sau đó đã nhanh chóng bày tỏ sự đồng tình.

Vlad Culminschi, giám đốc Viện Sáng kiến Chiến lược, nói với trang tin point.md hôm 30/9: "Nếu Moldova mất đi động lực gia nhập EU này, nước này sẽ trở nên hỗn loạn."

Culminschi, cựu phó thủ tướng cho hay: "Phấn đấu gia nhập EU không phải là việc của 1 người. Việc này lớn hơn tham vọng của một cá nhân."

Duy Anh

Từng nhường lại thị trường khổng lồ, châu Âu giờ 'lên cơn sốt tìm vàng', chạy đua hòng bắt kịp Trung Quốc

Từng nhường lại thị trường khổng lồ, châu Âu giờ 'lên cơn sốt tìm vàng', chạy đua hòng bắt kịp Trung Quốc

Việc tinh chế lithium – thứ cần thiết cho pin ô tô điện – ở châu Âu sẽ giảm bớt sự phụ thuộc của EU vào Trung Quốc.