Trên địa bàn Hà Nội có 1.793 di sản văn hoá phi vật thể đã được kiểm kê và nhận diện. Trong đó có 41 di sản văn hoá phi vật thể được ghi danh vào Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia và 4 di dản được UNESCO ghi danh vào các Danh sách di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại và Di sản văn hoá phi vật thể đại diện cần bảo vệ khẩn cấp.
Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Tạ Quang Đông trao Quyết định ghi danh "Phở Hà Nội" là Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia cho lãnh đạo Sở VH&TT Hà Nội cùng cộng đồng chủ thể phở Hà Nội. |
Cùng với các di sản thuộc lĩnh vực ẩm thực: Nghề cốm Mễ Trì, Nghề làm xôi Phú Thượng, nghề ướp trà sen Quảng An. Hôm nay, Thành phố Hà Nội vinh dự có thêm “Phở Hà Nội” được ghi danh vào Danh mục Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.
Phở là món ăn giàu dinh dưỡng, được ưa chuộng đối với mọi đối tượng từ người già, tới trẻ nhỏ. Cửa hàng phở là không gian để mọi người kết nối giao lưu, là nơi gặp gỡ của những người bạn chung sở thích về ẩm thực.
Tại Hà Nội, quá trình hình thành món “Phở” là sự sáng tạo của nhiều người, của cộng đồng gắn với bối cảnh xã hội, lịch sử, văn hóa Hà Nội đầu thế kỷ XX, là biểu hiện của quá trình giao thoa, tiếp biến văn hóa bản địa của người Việt với văn hóa ẩm thức của người Hoa và người Pháp.
Thủa ban đầu Phở vốn là một loại quà rong được gánh đi rao bán khắp phố phường Hà Nội, trải qua bao thăng trầm theo những biến đổi của lịch sử xã hội, những tri thức, kỹ năng, kỹ thuật, bí quyết chế biến phở được cộng đồng chủ thể là chủ các cửa hàng phở trao truyền, lưu giữ và không ngừng sáng tạo trở thành bí quyết riêng của mỗi gia đình, dòng họ.
Đến nay trên địa bàn Hà Nội có gần 700 cửa hàng phở tại 30 quận, huyện, thị xã. Những cửa hàng phở lâu đời tập trung tại các quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa. Có thể kể đến những cửa hàng Phở gia truyền trên 2-3 thế hệ gồm các cửa hàng chuyên phở bò như: Phở Thìn Bờ Hồ, Phở Sướng, Phở Bát Đàn, phở Mạnh Cường, Phở Tư Lùn, Phở Phú Xuân…; Các cửa hàng chuyên phở gà như: Phở Chí, Phở Tình, Phở gà số 156 Quán Thánh và nhiều cửa hàng phở khác.
Ảnh minh hoạ |
Nghề nấu phở mang lại thu nhập, nâng cao sinh kế cho người dân, góp phần tạo điều kiện gia tăng chuỗi giá trị trong nông nghiệp, sản xuất chế biến thực phẩm bánh phở. Đằng sau mỗi quán phở lại có một châu chuyện lịch sử riêng tạo thành những mảnh ghép để hiểu hơn ẩm thực và con người Hà Nội. Quy trình chế biến và thưởng thức Phở chứa đựng tinh hoa đất Kinh kỳ, chứa đựng chiều dài văn hóa, sự khéo léo và tinh tế của người Hà Nội.
Phở Hà Nội được ghi danh là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, khẳng định những giá trị và sức sống của di sản, góp phần khẳng định thương hiệu văn hoá ẩm thực Hà Nội trong quá trình phát triển công nghiệp văn hoá Thủ đô.
Trong thời gian tới, thực hiện Nghị định số 39/2024/NĐ-CP ngày ngày 16 tháng 4 năm 2024 Quy định biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể trong các Danh sách của UNESCO và Danh mục Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Thành phố Hà Nội tăng cường các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá những giá trị văn hoá, lịch sử và khoa học của di sản; Tổ chức các hoạt truyền dạy, duy trì và giáo dục di sản trong và ngoài cộng đồng;... Tôn vinh nghệ nhân thực hành di sản, đề xuất xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú đối với những nghệ nhân đặc biệt xuất sắc, tiêu biểu có cống hiến to lớn cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể “Phở Hà Nội”.
Qua sự kiện này, Thành phố Hà Nội kêu gọi cộng đồng chủ thể thực hành di sản cùng các sở, ban, ngành đoàn thể và các đơn vị liên quan chung tay bảo vệ và phát huy giá trị di sản “Phở Hà Nội”, góp phần phát triển công nghiệp văn hoá trên địa bàn Thủ đô.
“Cảm thức Đông Dương”: Sự sáng tạo kế thừa từ nguồn mạch lịch sử
Trong khuôn khổ “Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024”, vừa khai mạc ở tối 9/11/2024, sẽ có hơn 100 hoạt động hấp dẫn được tổ chức