Phương Tây hứa viện trợ hệ thống phòng không cho Ukraina

Hơn 50 quốc gia phương Tây đã nhóm họp tại Brussels để cam kết cung cấp nhiều vũ khí hơn cho Ukraina, đặc biệt là các hệ thống phòng không, sau khi Nga tiến hành cuộc tấn công tên lửa dữ dội nhất kể từ khi chiến tranh bắt đầu.

Tại cuộc họp hôm thứ Tư (12/10) của Nhóm Liên lạc Quốc phòng Ukraina, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết các cuộc tấn công mới nhất của Nga đã thể hiện rõ "sự ác ý và tàn ác" kể từ khi nước này tấn công quân sự vào Ukraina vào ngày 24/2.

Ukraina đã có những bước tiến trên chiến trường kể từ tháng 9 nhưng quân đội nước này sẽ cần thêm sự trợ giúp mới, ông nói.

Phương Tây hứa viện trợ hệ thống phòng không cho Ukraina sau khi Nga tiến hành nhiều vụ không kích - Ảnh 1.

Làng Velyka Oleksandrivka, miền nam Ukraine đã chịu thiệt hại đáng kể trước khi lực lượng Ukraine tái chiếm trong cuộc tấn công mới nhất. Ảnh: Leo Correa/AP

"Những thắng lợi này thuộc về những người lính dũng cảm của Ukraina, nhưng các nỗ lực hỗ trợ an ninh, đào tạo và duy trì của nhóm liên lạc là rất quan trọng", ông Austin cho biết thêm.

"Tôi kỳ vọng rằng Ukraina sẽ tiếp tục làm mọi thứ có thể trong suốt mùa Đông này để giành lại lãnh thổ của mình và đạt được hiệu quả trên chiến trường. Và chúng tôi sẽ làm mọi thứ có thể để đảm bảo rằng họ có những gì cần thiết", Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nói.

Nga sử dụng hơn 100 tên lửa trong các cuộc tấn công gần đây và đã làm ít nhất 26 người trên khắp Ukraina thiệt mạng kể từ hôm thứ Hai, sau khi Tổng thống Vladimir Putin ra lệnh tấn công trả đũa sau vụ nổ xảy ra trên cây cầu quan trọng nối Nga và Crimea - cầu Kerch.

Còi báo động không kích đã vang lên khắp Ukraina trong ngày thứ Ba và thứ Tư, và đã có báo cáo về một số cuộc pháo kích, nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy cường độ lớn như các cuộc không kích trong hai ngày trước đó.

Các tên lửa của Nga chủ yếu nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng điện dân dụng và hệ thống sưởi ấm trong khi một số cuộc tấn công nhằm vào các con đường, công viên và địa điểm du lịch, bao gồm cả ở trung tâm của Kyiv.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói rằng các cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga là một dấu hiệu của sự yếu kém. Stoltenberg nói: "Nga đang thực sự thua trên chiến trường".

Sau khi các vụ tấn công xảy ra, Đức đã gửi hệ thống phòng không IRIS-T SLM cho Ukraina. Đây là hệ thống đầu tiên trong số 4 hệ thống phòng không đã được Đức lên kế hoạch, trong khi Washington cho biết họ sẽ đẩy nhanh tiến độ chuyển giao hệ thống phòng không NASAMS cho Ukraina như đã hứa.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm thứ Tư cho biết, Pháp sẽ cung cấp hệ thống phòng không cho Ukraina sau cuộc tấn công tên lửa của Nga, cuộc tấn công mà ông nói là nhằm "phá vỡ sự kháng cự của Ukraina".

"Chúng tôi sẽ cung cấp… hệ thống radar và tên lửa để bảo vệ Ukraina khỏi các cuộc tấn công này", ông Macron nói với kênh truyền hình France 2, đồng thời cho biết thêm rằng Pháp cũng đang đàm phán để gửi thêm sáu đơn vị pháo di động Caesar.

Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelenskyy cho biết hôm thứ Tư rằng, việc tăng cường hỗ trợ tài chính từ các nhà tài trợ quốc tế sẽ giúp kết thúc cuộc chiến của Nga ở Ukraina nhanh chóng hơn. Ông cũng cho biết 38 tỷ USD là cần thiết để bù đắp vào ngân sách thâm hụt ước tính trong năm tới.

"Hiện tại Ukraina càng nhận được nhiều sự trợ giúp, thì chúng ta càng sớm kết thúc cuộc chiến với Nga và chúng ta càng sớm và chắc chắn hơn rằng chúng ta sẽ đảm bảo rằng một cuộc chiến tàn khốc như vậy sẽ không lan sang các nước khác", ông Zelenskyy nói trong một phát biểu trực tuyến tại một diễn đàn cấp cao thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới tại Washington.

Cộng hòa Séc cho biết họ sẽ từ chối cho phép những người Nga có thị thực khu vực Schengen nhập cảnh kể từ ngày 25/10 khi nước này cùng các thành viên Liên minh châu Âu thắt chặt các định về nhập cảnh.

"Trong khi tên lửa của Nga rơi trên sân chơi của trẻ em và người dân ở Ukraina, thì có tới 200 công dân Liên bang Nga đến Cộng hòa Séc qua các sân bay quốc tế mỗi ngày", Ngoại trưởng Jan Lipavsky cho biết.

(Nguồn: Al Jazeera)

N.MINH