Pyun Hye-Young và "Hố đen sâu thẳm" trong cuộc đời mỗi người

Chủ đề thường thấy trong các tác phẩm của Pyun Hye Young là nỗi sợ và cái đáng sợ tiềm ẩn trong sự lặp đi lặp của đời sống hằng ngày .

Những năm gần đây, văn học Hàn Quốc đã từng bước tiến vào thị trường Việt Nam và xây đựng dược tầng độc giả riêng. Tiêu biểu nhất phải kể đến những tác phẩm mang tính mở đường như best-seller Hãy chăm sóc mẹ (Shin Kyung Sook) hoặc các tác phẩm đoạt giải và lọt vào long-list, short-list của các giải thưởng danh giá như Bản chất của người của Han Kang...

Càng ngày, văn học Hàn Quốc càng định hình và nhấn mạnh được nét độc đáo của riêng mình – không chỉ so với các nền văn học châu Á khác mà với chính các hình thức văn hóa đã sớm phổ biến khác của Hàn Quốc (phim ảnh, ca nhạc).

Một trong những tác phẩm nổi bật của văn học Hàn Quốc phải kể đến tiểu thuyết Hố đen sâu thẳm của nữ nhà văn Pyun Hye-Young.

Pyun Hye-young sinh năm 1972 tại Seoul. Cô hoàn thành bằng cử nhân Sáng tác và thạc sĩ Văn học Hàn Quốc tại Đại học Hanyang, hiện đang giảng dạy môn Sáng tác tại Đại học Myongji. Cô có hai tiểu thuyết đã được Nhã Nam xuất bản tại Việt Nam, là Tro tàn sắc đỏHố đen sâu thẳm (tác phẩm giành giải Shirley Jackson năm 2017).

Nữ nhà văn Pyun Hye-young
Nữ nhà văn Pyun Hye-young

Chủ đề thường thấy trong các tác phẩm của Pyun Hye Young là nỗi sợ và cái đáng sợ tiềm ẩn trong sự lặp đi lặp của đời sống hằng ngày ở đô thị hiện đại. Nhưng thế giới văn chương Pyun Hye Young không đơn thuần chỉ u ám như những công viên về đêm tối tăm, bãi rác, công trường xây dựng hay cống rãnh làm bối cảnh cho những câu chuyện của cô. Cô tiết lộ cho chúng ta giá trị của việc đương đầu và nỗ lực bước tiếp để sống sót trước vực thẳm. Khi đọc tác phẩm của cô, có những khoảnh khắc vô cùng khó chịu, nhưng cuối cùng, sau khi đóng sách lại, chắc chắn mỗi độc giả sẽ cảm thấy được chiếu sáng một điều gì đó từ chính những câu chuyện tăm tối ấy.

Hố đen sâu thẳm” – tấm màn dị thường được dệt nên từ chất liệu đời sống thường ngày

“Hố đen sâu thẳm” là một tiểu thuyết tâm lý rùng rợn của Pyun Hye Young, đã từng đoạt giải Shirley Jackson Award (giải thưởng văn học được đặt theo tên của Shirley Jackson, nhà văn Mỹ nổi tiếng với các tác giả kinh dị/bí ẩn) năm 2017 và lọt top 10 sách ly kỳ rùng rợn cần đọc mùa hè cùng năm của tạp chí TIME.

Câu chuyện mở ra với cảnh Ogi, một giáo sư Địa lý tại trường đại học, tỉnh dậy do hôn mê sau một vụ tai nạn xe hơi thảm khốc đã cướp đi sinh mạng của vợ anh. Ogi tuy sống sót nhưng bị liệt toàn thân, chỉ có thể giao tiếp bằng cách chớp mắt, cuộc sống giờ đây phải hoàn toàn dựa dẫm vào người mẹ vợ xa lạ và kỳ quái.

Từ một cuộc sống đủ đầy, sự nghiệp xán lạn, bạn bè đề huề giờ cả thế giới của Ogi thu nhỏ lại thành một chiếc giường nằm trong căn phòng nhỏ và những hồi tưởng miên man về quá khứ. Theo dòng ký ức của Ogi, người đọc dần dần được hé lộ từng mảnh ghép cuộc đời anh: mẹ tự tử khi anh còn nhỏ, cha anh cũng mất sớm vì bệnh ung thư; anh và vợ gặp nhau ở trường đại học, cô tham vọng trở thành một nhà báo nổi tiếng còn anh chỉ theo đuổi cô mà không có bất kỳ mục tiêu cụ thể nào, cuối cùng sự nghiệp của vợ anh lỡ làng trong khi Ogi đã trở thành một giáo sư, sự nghiệp ổn định, còn mua được một căn nhà có sân vườn.

Pyun Hye-Young và

Tuy nhiên, không phải mọi ký ức của Ogi đều tươi đẹp, khi trút bỏ hết lớp vỏ bọc hào quang do quá khứ khoác lên, người đọc bắt đầu cảm nhận được những bất thường ở cuộc hôn nhân của Ogi (vợ chồng anh ngày càng xa cách, anh thậm chí đã ngoại tình với đồng nghiệp dạy cùng trường) và buộc phải nghi ngờ tính chân thực của câu chuyện được kể qua điểm nhìn của anh. Đặc biệt, sự bất thường này ngày một rõ ràng hơn với sự hiện diện áp đảo của mẹ vợ Ogi. Ngay khi từ bệnh viện trở về, bà bỏ mặc Ogi, tìm mọi cách để sỉ nhục anh trước mặt người khác (cho anh đi tiểu, thay đồ cho anh trước mặt khách), và kinh hoàng nhất là khi Ogi phát hiện mẹ vợ đang nhổ đi đám cây mà vợ anh trồng trong khu vườn và ra sức đào xới. Và khi được hỏi đến, bà ấy chỉ nói rằng bà đang cố kết thúc những gì mà cô con gái quá cố đã bắt đầu.

Một cái hố để trồng cây? Một cái hố để làm bể cá? Hay một cái hố… dành cho kẻ liệt giường?

Qua câu chuyện có phần kịch tính như phim truyền hình Hàn Quốc này, ta nhận thấy Pyun Hye Young đã dệt nên một tấm lưới dị thường bao phủ tác phẩm của mình từ chính những chất liệu bình thường nhất của đời sống – và có lẽ cũng chính bởi vậy mà nó càng đáng sợ và rợn người hơn bao giờ hết.

Quan hệ gia đình, quan hệ xã hội, công việc, tham vọng, sa ngã, tình yêu, thù hận, địa vị, suy đồi – Pyun Hye Young không bày ra yếu tố gì khác lạ mà chầm chậm đào sâu vào những cốt lõi của một cuộc sống bình thường, theo quy chuẩn xã hội. Và ta sớm nhận thấy, cái bình thường đã mục ruỗng từ bao giờ: Ogi và vợ đã sớm xa cách từ trước khi một hố đen sâu thẳm hữu hình tồn tại, rõ rệt nhất ở cách anh ta ngấm ngầm coi thường mọi việc vợ mình làm, ôm một thái độ thượng đẳng trong mối quan hệ với vợ, bàng quan trước cảm xúc của vợ và đã vượt ranh giới tới mức ngoại tình; quá trình thăng tiến của Ogi trong sự nghiệp cũng không hoàn toàn chính trực, anh đã ít nhiều dùng thủ đoạn để vượt mặt đồng nghiệp – và phải chăng bởi vậy, “tai nạn” ban đầu thực chất là một cái kết tự hủy không tránh khỏi?

Pyun Hye-Young và

Hố đen sâu thẳm triển khai mạch truyện một cách chậm rãi. Câu chuyện không phát triển dồn dập hay kịch tính nghẹt thở mà chậm rãi trong sự bất an và căng thẳng. Cường độ căng thẳng tăng dần theo từng chương với sự tăng dần mức độ Ogi bị mẹ vợ hành hạ và sự rơi rụng của những lớp hình ảnh Ogi tự tô vẽ cho mình. Pyun Hye Young đã thành công trong việc duy trì nhịp truyện vừa đủ gây hiếu kỳ vừa tạo một bầu không khí bí bách và ngột ngạt rất riêng.

Luôn có một vùng trống trong cuộc đời mỗi người

Q: Xin tác giả cho biết cô đã viết tác phẩm “Hố đen sâu thẳm” như thế nào?

A: Khi viết một tiểu thuyết, chủ đích của tôi ban đầu không phải là truyền tải thông điệp, mà muốn mô tả chân thật nhất mối quan hệ và cảm xúc của nhân vật chính. Tôi đặc biệt tập trung vào mối quan hệ giữa Ogi với vợ và mẹ vợ. Theo tôi nghĩ, nhân vật này dù đáng phê phán, nhưng có hai mặt đối lập: một mặt, anh ta có nhiều điểm tiêu cực, mặt khác, cuộc sống của anh ta cũng có sự thiếu thốn. Thông qua nhân vật này, tôi muốn chia sẻ thông điệp đó. Nhiều độc giả cảm thấy rất đồng cảm với việc anh ta đã phải chịu đau khổ sau tai nạn và gặp khó khăn như vậy, nhưng một phần nào đó thì cũng có độc giả cho thấy cần phải phê phán thái độ sống của Ogi. Thông qua các nhân vật như thế này, người đọc có thể rút ra rằng cần phải đón nhận, phải nhận diện những mặt bất an trong lòng, để hướng đến một cuộc sống ổn định về mặt tinh thần và cảm xúc.

Q: Tiêu đề cuốn tiểu thuyết được dịch sang tiếng Việt là Hố đen sâu thẳm”, mang đến một ấn tượng mạnh mẽ. Cô đã lựa chọn đặt tên cuốn sách như thế nào? Một số người nói rằng tiêu đề này có một ý nghĩa tiềm ẩn và có thể được hiểu là một vết nứt hoặc một vùng trống. Cô nghĩ gì về điều này?

A: Quý vị độc giả khi đọc cuốn sách này có thể đoán được ý nghĩa của nó, đó là luôn có một vùng trống trong cuộc đời mỗi người. Có những điều ở người khác mà ta không thể hiểu được được, và cũng có những điều người khác không biết được về con người mình. Trước khi giác ngộ ra được sự thật đó, chúng ta cần có những trải nghiệm, và trong tác phẩm này tôi muốn đưa ra những góc nhìn như vậy, những khoảng trống để quý vị độc giả có thể hiểu được. Tựa sách “Hố đen sâu thẳm” trong tiếng Hàn có một chữ mang ý nghĩa “một mình”. Có nhiều người cho rằng điều này có nghĩa là nhân vật Ogi đến cuối sẽ bị bỏ lại một mình. Tôi thường tìm kiếm phản ứng của độc giả sau khi sách được xuất bản, do vậy nên đây là một tựa đề mở, để cho quý vị độc giả có thể tưởng tượng và mở rộng ra theo ý hiểu của mình.

Tác phẩm của Pyun Hye Young không bày ra yếu tố gì khác lạ mà chầm chậm đào sâu vào những cốt lõi của một cuộc sống bình thường
Tác phẩm của Pyun Hye Young không bày ra yếu tố gì khác lạ mà chầm chậm đào sâu vào những cốt lõi của một cuộc sống bình thường

 Q: Nhiều độc giả ở độ tuổi 40 cảm thấy đồng cảm sau khi đọc cuốn sách. Cô có thể cho chúng tôi biết ý nghĩa của tuổi 40 mà cô đã cố gắng định nghĩa thông qua nhân vật chính “Ogi”, cũng như suy nghĩ của chính cô về độ tuổi này?

A: Tôi cũng là một người đã qua độ tuổi này, nên trong quá trình viết sách, tôi đặc biệt chìm đắm vào nó. Nhân vật Ogi trong sách là một người đã đạt được một vị trí nhất định trong xã hội, và tôi nghĩ rằng anh là người có thể dễ dàng đưa ra những lựa chọn hợm hĩnh và trần tục trong khi bằng lòng với cái vị trí của mình ở độ tuổi 40. Tuy nhiên khi bản thân vừa bước qua tuổi 40 thì tôi nhận ra rằng đây không phải là một điểm đặc biệt chỉ giới hạn ở độ tuổi này. Đây là nỗi bất an về cuộc sống mà tôi muốn mô tả, và tôi nghĩ điều đó cũng đúng với mọi đối tượng, ở mọi lứa tuổi.

※ Phân đoạn trong “Hố đen sâu thẳm” được nhiều độc giả Hàn Quốc đồng cảm.

 “Thế nhưng, Ogi vẫn nghĩ rằng không có một định nghĩa về tuổi bốn mươi nào đúng hơn định nghĩa bốn mươi là tuổi mang đầy tội lỗi. Bốn mươi là thời điểm để tội lỗi có điều kiện phát triển, vì người ta hoặc là có quá nhiều thứ, hoặc là chẳng có gì. Nói cách khác, vào tuổi bốn mươi, con người dễ dàng gây ra tội lỗi vì quyền lực hoặc vì phẫn nộ và cảm giác bị tước đoạt. Những người có quyền lực thì thường kiêu ngạo và dễ làm điều ác. Phẫn nộ và cảm giác bị tước đoạt thì dễ dàng động chạm đến lòng tự trọng, cướp đi tính nhẫn nại, làm bản thân cảm thấy mình nhu nhược, khiến người ta tự cho rằng hành động của mình là vì công lý. Nếu lạm dụng quyền thế vào mục đích xấu là người thực dụng thì vì phẫn nộ mà làm chuyện xấu lại chẳng khác nào kẻ thua cuộc cay cú. Vì vậy, có thể coi năm bốn mươi tuổi là thời điểm thể hiện thành quả sống của những tháng ngày trước đây và cũng là căn cứ để phán đoán tương lai sau này. Người ta hoặc sẽ vĩnh viễn sống thực dụng, hoặc sẽ mãi mãi thua cuộc.” (trang 79)

- Q: Ở một bài phỏng vấn, cô có chia sẻ về các tác giả cô yêu thích như Franz Kafka, Stephen King, Shirley Jackson, Angela Carter, Yoko Ogawa… đồng thời cô cũng nói bị cuốn hút bởi cấu trúc cốt truyện, nhịp độ và sự căng thẳng của thể loại rùng rợn/kinh dị. Cô có thể chia sẻ thêm về các tác giả cũng như tác phẩm cô yêu thích/truyền cảm hứng hay ảnh hưởng đến quá trình sáng tác của cô không?

- A: Trong các buổi phỏng vấn, tôi thường đề cập đến các tác giả mà tôi đã hoặc đang đọc hoặc là yêu thích vào thời điểm đó. Tôi nghĩ là mỗi một giai đoạn, một thời kỳ sẽ có những tác giả khác nhau. Những tác giả được hỏi ở trên, tôi đều yêu thích, nhưng khi tôi viết tiểu thuyết thì thay vì những nhân vật chịu ảnh hưởng từ các tác giả đó, tôi có khuynh hướng chọn những nhân vật gần gũi trong đời thực. Do đó nên tôi thường mô tả các nhân vật sợ hãi, lo lắng bởi tội lỗi họ đã gây ra hay sẽ sớm bị phơi bày trước thế giới. Tất cả những điều đó rất đời thường, và những nỗi bất an đó đều có thể gặp trong cuộc sống. 

Q: Tác phẩm tiếp theo của cô sẽ được viết theo thể loại gì?

A: Khi bắt đầu viết thì thường tôi chưa nghĩ được một câu chuyện hoàn chỉnh, mà trong quá trình viết, tôi mới mở rộng câu chuyện của mình; đó là phong cách viết của tôi. Có rất nhiều người gặp khó khăn với cuộc sống hiện thực và muốn sống một cuộc đời khác. Tôi muốn viết câu chuyện về những con người như vậy, những người muốn từ bỏ cuộc sống hiện tại và hướng đến một cuộc sống họ cho là lý tưởng. Đây có thể sẽ là một câu chuyện mà tôi sẽ viết trong tương lai.

Xin cảm ơn những chia sẻ của nhà văn!

 

PV

Giá thép trên thị trường Trung Quốc bật tăng

Giá thép trên thị trường Trung Quốc bật tăng

Thị trường thép trong nước ngày 27/9 kéo dài chuỗi ổn định, trong khi thép thanh vằn giao sau trên thị trường Trung Quốc giao dịch ở mức 3.966 CNY/tấn.