Chính phủ nhấn mạnh, rủi ro lạm phát trong thời gian tới là hiện hữu xuất phát từ nhiều yếu tố không thuận lợi ở cả phía cung và phía cầu.
Theo ông Francois Painchaud - Đại diện thường trú của IMF tại Việt Nam và Lào lưu ý, Việt Nam không còn nhiều dư địa để nới lỏng tiền tệ hơn nữa do rủi ro lạm phát gia tăng. Theo dự báo của IMF, lạm phát của Việt Nam sẽ tăng trong ngắn hạn, và dự kiến lạm phát năm 2022 sẽ thấp hơn "một chút" so với mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước là 4,0%.
Về phía cầu, kinh tế tiếp tục hồi phục, mở cửa hoàn toàn các hoạt động dịch vụ, du lịch, nhờ đó việc làm và thu nhập người lao động được cải thiện kết hợp với tác động tích cực từ các gói hỗ trợ kinh tế khiến tổng cầu gia tăng, gây áp lực lên mặt bằng giá.
Trong bối cảnh thị trường hàng hóa thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, Chính phủ cho biết nhiều tổ chức quốc tế điều chỉnh tăng dự báo lạm phát của Việt Nam trong năm 2022.
Dẫn số liệu tại Diễn đàn Dự báo kinh tế Việt Nam 2022-2023, TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đánh giá, mặc dù lạm phát cơ bản đã được kiểm soát trong 4 tháng đầu năm song rất nhiều áp lực với giá cả trong năm 2022 – 2023.
Trong đó, lạm phát chuỗi cung ứng là nhóm yếu tố tạo áp lực lớn nhất đến lạm phát của nền kinh tế trong thời gian tới.
Căn cứ vào các yếu tố tác động từ lạm phát chuỗi cung ứng; thiếu hụt nguồn cung; tổng cầu tăng đột biến; thiếu hụt lao động và dự kiến tăng lương tối thiểu vùng. Bên cạnh đó, giá xăng dầu dự báo tăng do nhu cầu sản xuất và tiêu dùng tăng trong thời gian tới; giá lương thực gia tăng theo giá lương thực thế giới; giá thực phẩm, đặc biệt giá thịt dự báo tăng vì giá thức ăn chăn nuôi tăng do đứt gãy chuỗi cung ứng và nhu cầu tiêu dùng cuối năm tăng, ông Lâm dự báo lạm phát Việt Nam năm 2022 nằm trong khoảng 4% - 4,5%.
Tuy nhiên, với độ trễ của gói phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và dự báo năm 2023 lạm phát vẫn ở mức cao so với lạm phát mục tiêu của các nền kinh tế là đối tác quan trọng của kinh tế Việt Nam, lạm phát của nước ta có thể vượt qua ngưỡng 5% trong năm này (khoảng 5%- 5,5%).
Về phía cung, chi phí sản xuất, logistic tăng cao do giá hàng hóa quốc tế đầu vào tăng mạnh trong bối cảnh tình trạng chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục đứt gãy, giá thực phẩm tuy giảm nhưng mức giảm có dấu hiệu chậm lại, tạo áp lực chi phí đẩy lên lạm phát trong nước.
Cụ thể, sau khi đạt mức cao kỷ lục trong tháng 3/2022, giá lương thực, thực phẩm FAO tháng 4/2022 có dấu hiệu hạ nhiệt, giảm nhẹ 0,77% so với tháng trước, tăng 18,5% so với cuối năm trước và tăng 29,8% so với cùng kỳ 2021; bình quân 4 tháng tăng 26,2%.
Giá dầu WTI đến ngày 10/5/2022 ở mức 103,56 USD/thùng, giảm 1,08% so với cuối tháng trước, tăng 37,5% so với cuối năm trước; bình quân từ đầu năm đến 10/5 là 97,39 USD/thùng, tăng 63,9% so với cùng kỳ 2021.
Tổng Hợp