Thanh tra Chính phủ cho biết, Công ty Việt Hân Sài Gòn sử dụng giấy chứng nhận trên, kèm chứng thư xác định giá trị tài sản đảm bảo hơn 7.251 tỉ đồng, phối hợp với Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) và các công ty công chứng để thực hiện ký cùng thời điểm 7 hợp đồng thế chấp có cùng nội dung, cùng giá trị đảm bảo là 6.308 tỉ đồng.
Việc này được thực hiện bằng cách lập hồ sơ dự án “khống” với 4 cơ sở nhà đất, lấy tên là The Goldmark Preminum Tower. Thanh tra Chính phủ khẳng định, dự án trên không tồn tại, không có thủ tục xin lập dự án, không có phê duyệt dự án của các cơ quan có thẩm quyền.
Sau đó, các công ty này ký hợp đồng tín dụng vay ngắn hạn với một trong các chi nhánh ngân hàng của SCB, có mục đích vốn vay là “bổ sung vốn để thực hiện thi công dự án giai đoạn 1 tại địa chỉ của 4 cơ sở nhà đất này và được giải ngân ngay”.
Đáng chú ý, từ các sai phạm nghiêm trọng nói trên, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng giao UBND TP.HCM trực tiếp chỉ đạo, giám sát các đơn vị có liên quan thực hiện xử lý sai phạm và khắc phục hậu quả để thu hồi tài sản nhà nước bị thất thoát.
Công an TP.HCM chủ trì, phối hợp các đơn vị có liên quan kiểm tra việc phá dỡ tài sản Nhà nước tại số 42 đường Chu Mạnh Trinh khi Vinafood 2 chưa thực hiện nộp tiền giá trị công trình xây dựng theo thông báo của Sở Tài chính tại Văn bản số 4165/TC-BVG ngày 25/4/2008.
Đồng thời, xác định giá trị thiệt hại tài sản Nhà nước bị phá dỡ; trách nhiệm bồi thường thiệt hại; đề xuất hình thức xử lý theo quy định pháp luật…
Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, Vinafood 2 đã 4 lần làm trái ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản 1647/CPCP-KTN ngày 15/9/2015, trong giai đoạn từ sau ngày 15/9/2015 đến 29/1/2016.
Lần thứ nhất, Vinafood 2 không thực hiện lập lại phương án sắp xếp lại 4 cơ sở nhà, đất theo quyết định số 09/2007/QĐ-TTg ngày 19/1/2007 của Thủ tướng để trình các cơ quan có thẩm quyền thẩm định và trình Thủ trướng quyết định.
Lần thứ hai, Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm toàn diện chỉ đạo Vinafood 2 trong việc lựa chọn đối tác đảm bảo đủ năng lực thực hiện dự án tại dự án bất động sản số 33 Nguyễn Du và số 34-36-42 Chu Mạnh Trinh. Thế nhưng, Vinafood 2 lại tự ý liên kết hợp tác với Công ty Việt Hân, không lập thủ tục liên kết, góp vốn trình Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính thẩm định trước khi trình Thủ tướng quyết định.
Lần thứ ba, mặc dù UBND TP.HCM, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có rất nhiều văn bản hướng dẫn, yêu cầu Vinafood 2 phải xây dựng phương án thoái vốn góp tại Công ty Việt Hân Sài Gòn theo quy định, song Vinafood 2 không thực hiện.
Sau khi bán xong 4 cơ sở nhà đất, nhận đủ tiền đất từ Công ty Việt Hân, Vinafood 2 mới báo cáo Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn chấp thuận cho triển khai nhanh việc xử lý các cơ sở nhà đất tại 33 Nguyễn Du và 34-36-42 Chu Mạnh Trinh nhằm khắc phục thua lỗ trong hoạt động kinh doanh.
Lần thứ tư, Vinafood 2 không thông báo cho UBND quận 1 biết việc đã chuyển nhượng toàn bộ 20% góp vốn tại Công ty Việt Hân Sài Gòn là 160 tỉ đồng cho Công ty Việt Hân. Vinafood 2 đã không thực hiện lập phương án bồi thường, hỗ trợ di dời 34 hộ dân đang sinh sống tại 3 cơ sở nhà 33 Nguyễn Du và 34-36 Chu Mạnh Trinh trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Bên cạnh việc 4 lần làm trái chỉ đạo của Thủ tướng, Thanh tra Chính phủ cũng chỉ rõ việc Vinafood 2 đã 2 lần lập hồ sơ khống để vay tiền ngân hàng. Cụ thể, ở lần thứ nhất, Thanh tra Chính phủ phát hiện Vinafood 2 và Công ty Việt Hân Sài Gòn sử dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BB971073 của 4 lô đất trên để vay 518 tỉ đồng nhằm trả nợ cho các công ty con.
Khu đất công số 33 Nguyễn Du và số 34 - 36 - 42 Chu Mạnh Trinh đã bị Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) chuyển nhượng cho đối tác và lập dự án khống để vay vốn từ SCB.