Sau một tuần mãn nhiệm, sóng gió vẫn bủa vây ông Trump

Hạ viện Mỹ đã chuyển cáo buộc luận tội ông Trump lên Thượng viện, cùng ngày Tòa án Tối cao bác các đơn kiện ông Trump thu lợi từ chính phủ nước ngoài.

Hạ viện Mỹ khởi động quá trình xét xử luận tội ông Trump lần hai bằng việc chuyển cáo buộc "kích động bạo loạn" lên Thượng viện. Cụ thể, 9 hạ nghị sĩ đảng Dân chủ đóng vai trò công tố viên đưa điều khoản luận tội cựu tổng thống Donald Trump đến phòng họp Thượng viện Mỹ lúc 19h ngày 25/1 (7h ngày 26/1 giờ Hà Nội).

luan_toi_trump(1).jpg
Hạ viện chuyển điều khoản luận tội ông Trump lên Thượng viện. Ảnh: Reuters

Nghị sĩ Dân chủ Patrick Leahy, người làm việc lâu năm nhất tại Thượng viện, cho biết ông sẽ là chủ tọa, trong khi 100 thượng nghị sĩ sẽ đóng vai trò bồi thẩm đoàn. Cuộc xét xử có thể quyết định khả năng tái tranh cử của ông Trump trong tương lai, theo VnExpress.

Điều khoản luận tội cáo buộc ông Trump "kích động bạo loạn", tập trung vào bài phát biểu của cựu tổng thống Mỹ trước hàng nghìn người ủng hộ trước vụ bạo động tại tòa nhà quốc hội hôm 6/1. Điều khoản nhắc đến việc ông Trump gọi điện yêu cầu Tổng thư ký bang Georgia "tìm" phiếu để lật ngược chiến thắng của Tổng thống Joe Biden ở bang này.

Thượng viện sẽ bắt đầu xét xử cựu tổng thống Donald Trump từ ngày 8/2. Ông chỉ có thể bị kết tội nếu 2/3 số thượng nghị sĩ ủng hộ làm vậy, tức là ngoài tất cả 50 thượng nghị sĩ Dân chủ, cần thêm 17 thượng nghị sĩ Cộng hòa quay lưng với ông Trump.

Một số nguồn tin đảng Cộng hòa nói rằng lượng người muốn trừng phạt cựu tổng thống cao hơn nhiều con số được công khai, nhưng nhiều nghị sĩ Cộng hòa hàng đầu đang tỏ ý phản đối xét xử ông Trump.

Họ cho rằng việc luận tội cựu tổng thống là vi hiến, trong khi Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Chuck Schumer bác bỏ quan điểm và cho rằng "ý tưởng Thượng viện không thể xét xử cựu quan chức sẽ tương đồng với lá bài miễn tội cho mọi tổng thống".

a212122020.jpg
Tòa án Tối cao Mỹ bác đơn kiện của Texas vì thiếu căn cứ pháp lý. Ảnh: Financial Times

Ở một diễn biến khác, Tòa án Tối cao Mỹ từ chối xem xét liệu ông Trump có vi phạm quy định Hiến pháp về cấm tổng thống thu lợi từ chính phủ nước ngoài.

Cụ thể, hôm 25/1 Tòa án Tối cao Mỹ ra quyết định không xét xử hai đơn kiện, đồng thời chỉ thị các tòa án cấp dưới hủy các quyết định trước đó chống lại cựu tổng thống Donald Trump vì ông không còn tại nhiệm. Phán quyết được đưa ra mà không có bình luận hoặc bất đồng quan điểm nào.

Hai vụ kiện, do nhóm Công dân vì Trách nhiệm và Đạo đức ở Washington (CREW) và các tổng chưởng lý của thủ đô Washington và bang Maryland đệ trình, là một phần của nỗ lực pháp lý cáo buộc ông Trump vi phạm Điều khoản Lương bổng được quy định trong Hiến pháp bởi ông tiếp tục sở hữu đế chế kinh doanh khi còn đương chức.

Trước khi ông Trump nhậm chức, các tòa án chưa bao giờ xem xét đơn kiện liên quan nhận quà cáp, lợi ích trong nước và nước ngoài. Tuy nhiên, Trump nắm giữ chức vụ tổng thống trong khi vẫn giữ lợi ích kinh doanh tư nhân là chưa từng có trong thời hiện đại.

Ba vụ kiện về Điều khoản Lương bổng đã được đệ trình chống lại ông Trump trong nhiệm kỳ của ông với cáo buộc mạng lưới kinh doanh của ông cho phép ông chấp nhận các khoản thanh toán vi hiến từ chính phủ nước ngoài, nơi có các nhà ngoại giao lưu trú tại khách sạn của ông Trump, mở ra tầm ảnh hưởng tiềm tàng từ nước ngoài đối với tổng thống.

trump-wh-01.20.21.jpg
Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump lên trực thăng rời Nhà Trắng hôm 20/1. Ảnh: AP.

Vụ kiện thứ ba, do hơn một trăm thành viên đảng Dân chủ đưa ra, đã bị Tòa án Tối cao bác bỏ năm ngoái.

"Quyền sở hữu liên tục của Tổng thống Trump đối với đế chế kinh doanh toàn cầu khiến ông có mối quan hệ sâu sắc với một nhóm thành viên chính phủ nước ngoài và trong nước, vi phạm Hiến pháp, đặt câu hỏi về nhà nước pháp quyền và tính toàn vẹn hệ thống chính trị của đất nước", theo đơn kiện tháng 9/2017 từ tổng chưởng lý ở thủ đô Washington và bang Maryland.

Đơn kiện này cho rằng ông Trump đã vi phạm Hiến pháp khi chấp nhận thanh toán từ các chính phủ nước ngoài và trong nước thông qua Khách sạn Quốc tế Trump ở thủ đô Washington. Quan chức bang và nước ngoài có thể chọn làm ăn với các thực thể mà tổng thống có lợi ích tài chính để được ưu ái.

Trọng tâm của đơn kiện là Điều khoản Lương bổng, vốn rất ít được cơ quan tư pháp giải thích kể từ khi được ban hành gần 250 năm trước. Điều khoản cấm tổng thống nhận "thù lao" hoặc lợi nhuận từ bất kỳ "vua, hoàng tử hoặc nhà nước nước ngoài" nào trừ khi quốc hội đồng ý. Điều khoản cho phép một tổng thống chỉ nhận được mức lương và các quyền lợi do quốc hội ấn định trước, nhưng cấm ông nhận "bất kỳ lợi ích nào khác ngoài Mỹ".

(Tổng hợp)

AN LY