Nhắc đến những thiết bị điện tử, đồ gia dụng quen thuộc trong một gia đình, không thể bỏ qua cái tên máy giặt. Máy giặt ra đời hỗ trợ nhiều cho công việc làm sạch quần áo của con người, giúp tiết kiệm thời gian và công sức hơn. Cách sử dụng máy giặt khá đơn giản, chủ yếu bằng bảng điều khiển điện tử của thiết bị. Song có một thông tin cơ bản về máy giặt song không phải ai cũng hiểu đúng, đó chính là thông tin liên quan khối lượng giặt của máy. Khối lượng của máy giặt là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu để gia đình chọn mua được thiết bị phù hợp.
Hiện nay trên thị trường phổ biến các loại máy giặt được quy định khối lượng từ 6kg, 7kg, 8kg cho đến hơn 10kg. Đây không phải là độ nặng của thiết bị, mà chính là dành cho lượng quần áo, trang phục người dùng sẽ xử lý với máy. Nhưng đó là quần áo khô hay quần áo ướt? Câu hỏi này cũng là thắc mắc của nhiều người dùng.
Số khối lượng quy định trên máy giặt là dành cho quần áo khô hay ướt là thắc mắc của nhiều người (Ảnh minh họa)
Theo Global Weighing News, lời giải đáp cho số kg ghi trên máy giặt chính là dành cho quần áo, trang phục khô, hay nói đúng hơn là dành cho khối lượng quần áo sau khi đã hoàn thành chu trình giặt. Cụ thể, khi người dùng đưa quần áo vào máy giặt, đa phần chúng sẽ ở trạng thái khô hoàn toàn. Trong quá trình xử lý, với sự tác động của nước, các chất tẩy rửa, quần áo sẽ trở nên nặng hơn. Và khi kết thúc chu trình, tức là đã được vắt, quần áo lại trở về với trạng thái gần khô.
Vì vậy người dùng nên lưu ý con số về khối lượnng này để cho lượng đồ sao cho phù hợp vào chiếc máy giặt nhà mình. Lời khuyên của các chuyên gia đó là tốt hơn hết người dùng không nên cố đè nén quần áo, trang phục vào máy giặt sao cho đầy nhất có thể. Việc làm tưởng chừng như giúp tiết kiệm thời gian, tận dụng tối đa chiếc máy giặt nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ khiến thiết bị hoạt động không hiệu quả, dễ xảy ra các sự cố trong quá trình, nghiêm trọng hơn là chập cháy.
Người dùng không nên cố gắng cho quần áo vào máy giặt đầy nhất có thể (Ảnh minh họa)
Thông thường người dùng hãy căn sao cho lượng đồ đầy khoảng 70-80%, hay 2/3 dung tích lồng giặt. Khi này, lồng giặt vẫn có đủ khoảng trống để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Hoặc người dùng cũng có thể tham khảo một số cách tính đo lường sau đây khi cho đồ khô vào máy giặt, được đưa ra bởi Global Weighing News. Ví dụ: 1kg đồ giặt sẽ bằng 1 áo sơ mi cộng với 2 món đồ vải bò dày, hoặc 5 áo sơ mi, hoặc 2 khăn tắm; 5kg đồ giặt sẽ bằng 5 áo sơ mi cộng với 5 món đồ vải bò dày, hoặc 25 áo sơ mi, hoặc 10 khăn tắm; 7kg đồ giặt sẽ bằng 7 áo sơ mi cộng với 7 món đồ vải bò dày, hoặc 35 áo sơ mi, hoặc 14 khăn tắm...
Với những đồ vật cồng kềnh hơn, chẳng hạn như chăn, màn, ga giường, đây là những vật dụng cần những không gian trong máy giặt hơn để được giặt đúng cách. Vì vậy người dùng hãy cân đối số lượng so cho vừa phải, không nhồi nhét quá nhiều vào một chu trình giặt.
Như đã nói ở trên, khối lượng giặt của thiết bị là một trong những yếu tố quan trọng để người dùng lựa chọn được thiết bị phù hợp. Người dùng hãy cân nhắc lựa chọn các loại có khối lượng giặt nhỉnh hơn một chút so với nhu cầu giặt hàng ngày của mình. Ví dụ như nhu cầu giặt của 1 gia đình 2-3 thành viên là 5-6kg quần áo/lần thì hãy lựa chọn máy giặt 7kg; gia đình đông người 5-6 thành viên có nhu cầu giặt 8-9kg quần áo/lần thì có thể tham khảo các dòng máy có khối lượng 10kg.
Tùy vào nhu cầu cũng như số lượng các thành viên trong gia đình mà người dùng hãy chọn máy giặt có khối lượng phù hợp (Ảnh minh họa)
Những lưu ý khác khi sử dụng máy giặt
Không cho quá ít quần áo vào máy giặt
Bên cạnh việc tránh cho quá tải quần áo vào máy giặt, việc cho quá ít cũng là không nên. Giải thích cho điều này, các chuyên gia nói rằng là do quy trình hoạt động của thiết bị. Máy giặt có mức nước tối thiểu. Vì vậy nếu người dùng cho vào lượng quần áo quá ít, nước vẫn được đổ đầy theo mức tối thiểu đó, quần áo không thể ma sát với nhau, từ đó hiệu quả làm sạch không được tối ưu. Ngoài ra, việc cho quá ít quần áo vào một chu trình giặt còn vô tình gây lãng phí.
Đặt máy ở vị trí bằng phẳng, thông thoáng
Máy giặt nên được đảm bảo đặt ở vị trí bằng phẳng để tránh tạo ra tiếng ồn lớn khi hoạt động. Vị trí của máy giặt cũng nên ở nơi thông thoáng, tránh nơi ẩm ướt hoặc quá nhiều ánh nắng trực tiếp. Những vị trí ẩm ướt như nhà vệ sinh, nhà tắm sẽ tiềm ẩn nguy cơ khiến máy giặt bị chập bảng mạch, hư hỏng các linh kiện điện tử hoặc bị rỉ sét các bộ phận. Còn ngược lại, ánh nắng trực tiếp chiếu vào quá lâu cũng khiến thiết bị bị suy giảm tuổi thọ.
Chính vì vậy, vị trí lý tưởng để đặt máy giặt là ở ban công được che kín nắng, hoặc trong phòng giặt riêng biệt và khô ráo.
Máy giặt nên được đặt ở vị trí thông thoáng và bằng phẳng (Ảnh minh họa)
Sử dụng đúng và đủ lượng bột, nước giặt
Các loại nước và bột giặt đóng vai trò quan trọng trong việc vận hành máy giặt. Hiện nay trên thị trường có các loại bột, nước giặt riêng dành cho từng loại máy giặt. Chọn đúng loại sẽ khiến quần áo được giặt sạch hơn, tối ưu hơn, thiết bị cũng hoạt động tốt, bền hơn. Chính vì vậy khi mua người dùng nên tham khảo kỹ thông tin để lựa chọn cho đúng.
Đồng thời khi giặt cũng chỉ nên cho vừa đủ lượng bột, nước giặt. không nên sử dụng quá nhiều hoặc quá ít. Việc sử dụng quá nhiều có thể khiến thiết bị phải hoạt động vất vả hơn để làm sạch bọt xà phòng, hoặc có thể không làm sạch được hoàn toàn. Quần áo sau khi xử lý vẫn có thể lưu lại xà phòng, gây hư hại sợi vải. Nghiêm trọng hơn là tình trạng trào bọt máy giặt. Còn nếu sử dụng quá ít quần áo của bạn sẽ không được vệ sinh tối ưu.
Hãy chọn chất tẩy rửa phù hợp với máy giặt nhà mình (Ảnh minh họa)
Kiểm tra kỹ quần áo trước khi giặt với máy
Trước khi cho trang phục vào máy giặt, hãy kiểm tra kỹ và chắc chắn rằng, không có các vật lạ, đặc biệt là những vật có thể gây nguy hiểm bên trong quần áo của bạn. Danh sách những vật này có thể kể tới là đồ bằng giấy, kim loại, vật sắc nhọn hay bật lửa. Khi đưa vào máy giặt để xử lý, chúng sẽ gây ảnh hưởng tới lồng giặt, thậm chí gây chập cháy nguy hiểm.
Với các loại áo, quần có khóa kéo, đảm bảo mở khóa toàn bộ, tất bị cuộn phải được gỡ ra và giũ thẳng, các ống quần hay tay áo cũng tương tự như vậy. Với những loại trang phục có chất liệu vải dễ rách hoặc co giãn, nên được cho vào túi lưới giặt riêng biệt để được bảo vệ tốt hơn.
Ảnh minh họa
Có lịch bảo dưỡng, kiểm tra máy giặt định kỳ
Các chuyên gia nhận định, việc bảo dưỡng, kiểm tra máy giặt định kỳ là vô cùng quan trọng và cần thiết. Thời gian lý tưởng để thực hiện công việc này là khoảng 4-6 tháng/lần, tùy vào tần suất gia đình sử dụng thiết bị.
Đặc biệt với bộ phận lồng giặt, người dùng có thể chủ động vệ sinh bằng chế độ tự vệ sinh của thiết bị để thực hiện 1 tháng/lần.
Thấy quần áo bốc mùi hôi rình, cô gái tá hoả khi phát hiện ra "thủ phạm" lại chính là... chiếc máy giặt
Nếu bạn thấy quần áo càng giặt càng bốc mùi hôi khó chịu, thì rất có thể bạn đã rơi vào tình huống giống cô gái sau đây.