Lồng đèn đã bắt đầu trưng bày tại nhà sách, siêu thị, chợ và các kênh bán hàng online như Zalo, Facebook, sàn thương mại điện tử…
Các loại lồng đèn năm nay được thiết kế đa dạng kiểu dáng, màu sắc. Các mẫu dành cho bé gái chủ yếu là công chúa Elsa, mèo Kitty, nàng tiên cá, nàng Bạch Tuyết, chị Hằng…
Mẫu lồng đèn cho bé trai là siêu nhân, xe ô tô, máy bay, chú cuội, hình thú như voi, hươu cao cổ, khủng long… Bên cạnh mẫu đèn truyền thống thì nhà sản xuất còn tích hợp đèn chớp, nhạc, xe chạy, xoay tròn, nháy múa...
Chất liệu làm lồng đèn truyền thống chủ yếu là giấy, giấy kiếng, nhựa. Đa phần những loại này là lồng đèn ông sao, bươm bướm, gà, cá chép… Loại này được tiêu thụ khá mạnh bởi những hội nhóm mua để làm chương trình từ thiện.
Về giá cả, những lồng đèn được sản xuất thủ công làm từ giấy màu bóng, khung tre nứa, nhựa mỏng... có giá bán phổ biến 25.000 - 60.000 đồng/sản phẩm.
Với dòng lồng đèn nhựa có pin, có âm thanh và điện sáng thì giá bán phổ biến từ 70.000 - 200.000 đồng/sản phẩm, trong đó phần lớn là nhập khẩu từ Trung Quốc.
Ngoài ra, các phụ kiện chơi Trung thu đi kèm như đầu lân, trống, mặt nạ ông địa, mặt nạ giấy bồi… có giá dao động từ 20.000-200.000 đồng/sản phẩm.
Theo chị Thi Hằng, quận Tân Phú, TP.HCM, năm nào chị cũng mua lồng đèn cho con. Chị thường ưu tiên mua hàng việt làm từ những vật liệu thân thiện môi trường, an toàn cho bé như giấy hoặc giấy kiếng, tre nứa... Lồng đèn mang đậm nét truyền thống như lồng đèn ông sao, thỏ ngọc, được chị Hằng ưu tiên để bé hiểu về nét đẹp văn hóa Tết Trung thu.
Theo nhiều cửa hàng bán lồng đèn, mức giá năm nay không có nhiều biến động so với năm ngoái. Sức mua dự báo giảm do kinh tế khó khăn, người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu, nên lượng hàng năm nay chỉ bằng 70% năm ngoái.
Dự báo sức mua sẽ tăng dần và đạt cao điểm khoảng 1 tuần trước rằm tháng 8 âm lịch.