Sue Boyd – Vị đại sứ nữ đầu tiên của Úc ở Việt Nam: Không phải lúc nào cũng ngoại giao

Tạp chí PNM đã có một cuộc phỏng vấn với bà Susan Boyd (tên gọi thân mật là chị Sue), cựu đại sứ Úc tại Việt Nam (1994 – 1998)

Ngày 18/1/2022, ngay trước thềm Năm mới, ĐSQ Úc tại Việt Nam đã tổ chức lễ vinh danh bà Susan Boyd – vị đại sứ nữ đầu tiên của Úc ở Việt Nam và lấy tên bà đặt cho phòng khánh tiết của ĐSQ. Trong ngày Quốc khánh của Úc 26/1/2022 vừa qua, bà đã được trang trọng xướng danh là một trong số những người Úc tiêu biểu mà sự nghiệp cả đời của họ đã đóng góp lớn lao cho sự phát triển và quyền lợi của nước Úc, bà được vinh danh trong lĩnh vực phát triển phụ nữ, giáo dục và ngoại giao, trong đó phải kể đến vai trò của bà trong sự nghiệp phát triển bang giao hai nước Úc – Việt Nam. Sự vinh danh to lớn mà chính phủ Úc dành cho bà sẽ được ghi nhận vĩnh viễn như một chức danh viết tắt sau tên gọi. Bà cũng là tác giả của cuốn hồi ký đang được nhiều độc giả quan tâm ở Úc và tái bản lần thứ 5 chỉ sau 2 năm “Không phải lúc nào cũng ngoại giao” (Not always diplomatic) kể về cuộc đời làm ngoại giao của mình, trong đó có một chương dài rất thú vị về thời kỳ bà làm đại sứ ở Việt Nam và đặt tên chương sách là: Việt Nam, 1994 – 1998: Nhiệm kỳ tuyệt vời nhất.

Bà Susan Boyd (tên gọi thân mật là chị Sue), cựu đại sứ Úc tại Việt Nam (1994 – 1998)
Bà Susan Boyd (tên gọi thân mật là chị Sue), cựu đại sứ Úc tại Việt Nam (1994 – 1998)

Tạp chí Phụ nữ mới đã có một cuộc phỏng vấn qua mạng với bà Susan Boyd (tên gọi thân mật là chị Sue), cựu đại sứ Úc tại Việt Nam (1994 – 1998)

TCPNM: Thưa bà, TCPNM rất hân hạnh được bà đồng ý dành thời gian chuyện trò. Đầu Xuân năm mới Nhâm Dần theo âm lịch của Việt Nam, TCPNM xin kính chúc bà sức khỏe dồi dào và một năm mới tràn đầy năng lượng, niềm vui.

S.B: Nhân dịp Tết cổ truyền của người Việt, tôi xin chúc các anh chị em phóng viên TCPNM và các độc giả thân mến Năm mới an khang, thịnh vượng. Cảm ơn TCPNM đã gợi nhắc tôi tới Việt Nam – đất nước mà tôi đã có một nhiệm kỳ thành công nhất, ấn tượng nhất. Tôi có rất nhiều kỷ niệm đẹp và bạn bè thân quý ở Việt Nam. Tôi nghĩ rằng tôi đã may mắn có mặt ở Việt Nam vào thời điểm nhiều biến chuyển sôi động và tốt đẹp nhất, những năm đầu Việt Nam mở cửa và tìm kiếm đối tác, làm bạn với tất cả các nước. Có thể nói đó cũng là giai đoạn rất thuận lợi để tôi, với tư cách là một đại sứ, có thể sử dụng tất cả những kỹ năng của mình để phát triển mối quan hệ hai nước.

TCPNM: Vâng, tôi nhớ trong cuốn hồi ký của bà, bà có nhắc tới hình ảnh Việt Nam lúc đó như là “một con hổ phóng xe máy”, một hình ảnh rất chính xác và vui. Tôi đọc cuốn sách của bà và luôn ngạc nhiên, làm như thế nào để bà có thể làm được nhiều việc đến thế, những việc khó mà các vị đại sứ là nam giới cũng phải nghiêng mình. Dưới thời của bà, đại sứ quán Úc được chuyển từ trụ sở thuê về trụ sở xây mới, bà đã nỗ lực mở đường cho sự hợp tác kinh tế, giáo dục giữa hai nước phát triển mạnh mẽ như về sau này: bắt đầu từ sự hiện diện của những công ty lớn của Úc, như công ty điện lực hùng mạnh Telstra với vai trò cố vấn cho Việt Nam phát triển công nghệ viễn thông hiện đại, công ty dầu khí BHP, ngân hàng nước ngoài đầu tiên có mặt ở Việt Nam – ANZ, công ty luật quốc tế đầu tiên có mặt ở Việt Nam Phillips Fox…, những bước đi đầu tiên đặt nền móng cho sự hợp tác về quốc phòng giữa hai nước trong việc chống tội phạm, buôn người xuyên quốc gia… Và đặc biệt là vai trò của bà trong việc mang về cho Việt Nam cây cầu Mỹ Thuận duyên dáng, vững chắc – cây cầu dây văng hiện đại đầu tiên của Việt Nam do chính phủ Úc hợp tác và viện trợ. Có thể nói, đây là một sự giúp đỡ rất lớn và có ý nghĩa cho công cuộc phát triển kinh tế ở miền Nam vì đây là một cây cầu nối liền các huyết mạch giao thông chính của đồng bằng sông Cửu Long. Tôi hết sức cảm động khi đọc đến đoạn bà đã phải đích thân bay từ Hà Nội về Canbera để gặp vị bộ trưởng ngoại giao của chính phủ mới sau bầu cử, khi nghe tin có thể có những quan điểm mới gây đổ vỡ dự án viện trợ xây cầu Mỹ Thuận. Bà đã nỗ lực giải thích, thuyết phục cứu vãn tình thế, có thể nói là đã đặt cả sự nghiệp chính trị của mình vào giây phút đó, khi bà nói với bộ trưởng ngoại giao mới rằng, nếu không được tin tưởng, bà xin từ chức. Bà có thể nói thêm một chút về câu chuyện cây cầu Mỹ Thuận được không?

S.B: Cảm ơn bạn đã thích thú đọc cuốn sách của tôi. Cây cầu Mỹ Thuận được khởi công trong thời gian tôi làm đại sứ, năm 1997. Tôi được mời quay lại dự lễ khánh thành cầu Mỹ Thuận, năm 2000, khi đã kết thúc nhiệm kỳ ở Việt Nam. Một cán bộ địa phương lặng lẽ đến bên tôi và nói, tôi được biết bà là người đã có công lớn trong việc giúp đỡ Việt Nam xây dựng cây cầu này, người Việt Nam chúng tôi có câu: ăn quả nhớ kẻ trồng cây, chúng tôi luôn nhớ tới ơn nghĩa đó của bà, xin vô cùng cảm ơn. Tôi đã thực sự cảm động với câu nói chân thành của ông ấy.

Cựu đại sứ Susan Boyd quay trở lại Việt Nam dự lễ khánh thành cầu Mỹ Thuận, năm 2000, sau khi đã kết thúc nhiệm kỳ ở Việt Nam.
Cựu đại sứ Susan Boyd quay trở lại Việt Nam dự lễ khánh thành cầu Mỹ Thuận, năm 2000, sau khi đã kết thúc nhiệm kỳ ở Việt Nam.

TCPNM: Vâng, có thể nói, bà cũng là vị đại sứ có công nhất trong việc giới thiệu văn hóa, nghệ thuật của hai nước, rất nhiều họa sỹ trẻ của Việt Nam với sự ủng hộ của bà đã khẳng định được tài năng và thành danh từ thời kỳ đó.

S.B: Tôi cho rằng hiểu biết về văn hóa của một đất nước là một nhịp cầu quan trọng để khiến hai bên tiến lại gần với nhau hơn. Tôi đã kết bạn chân tình với nhiều họa sỹ Việt Nam như cựu Hiệu trưởng trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam, ông Nguyễn Thụ, các họa sỹ trẻ như Đặng Thị Khuê, Mai Anh Dũng, Vũ Dân Tân, Bùi Hữu Hùng… và giúp họ đến với người yêu nghệ thuật ở Úc. Nhưng có lẽ, tôi cần phải viết một cuốn sách khác về đề tài này mới được.

TCPNM: Vâng, có thể thấy rằng lĩnh vực hoạt động của bà rất rộng, ngoại giao, kinh tế, giáo dục, nghệ thuật, trong lĩnh vực nào bà cũng là người đi tiên phong và có nhiều đóng góp. Năm 1970, bà gia nhập Bộ Ngoại giao ở Canberra và đóng vai trò tiên phong và liên tục trong việc cải thiện vị thế của phụ nữ. Trong sự nghiệp 34 năm của mình trong ngành ngoại giao Úc, bà là người đứng đầu các cơ quan ngoại giao Úc tại Bangladesh, Việt Nam, Hồng Kông và Fiji và làm việc trong các vai trò khác ở Bồ Đào Nha, Đông Đức, Liên Hợp Quốc… Từ khi bà nghỉ hưu năm 2003 và định cư tại Perth, Tây Úc bà đã tham gia các hội đồng thương mại, phi lợi nhuận và giáo dục, cố vấn cao cấp và giảng dạy tại Đại học Tây Úc và Đại học Murdoch…  Nếu như ta nói, có một Sue Boyd – nhà ngoại giao, một Sue Boyd – cố vấn thương mại, giáo dục và một Sue Boyd – nhà sưu tập nghệ thuật và một Sue Boyd – nhà văn nữa chứ nhỉ, bà thấy có điểm gì chung giữa những con người ấy? Bà thấy mình gần với con người nào hơn cả?

Cuốn hồi ký “Không phải lúc nào cũng ngoại giao” (Not always diplomatic) kể về cuộc đời làm ngoại giao của đại sứ Susan Boyd, trong đó có một chương dài rất thú vị về thời kỳ bà làm đại sứ ở Việt Nam và đặt tên chương sách là: Việt Nam, 1994 – 1998: Nhiệm kỳ tuyệt vời nhất.
Cuốn hồi ký “Không phải lúc nào cũng ngoại giao” (Not always diplomatic) kể về cuộc đời làm ngoại giao của đại sứ Susan Boyd, trong đó có một chương dài rất thú vị về thời kỳ bà làm đại sứ ở Việt Nam và đặt tên chương sách là: Việt Nam, 1994 – 1998: Nhiệm kỳ tuyệt vời nhất.

S.B: Tôi nghĩ rằng tất cả đều là Tôi, không có sự tách biệt mà là một sự hài hòa. Những hiểu biết và quan tâm đến các lĩnh vực khác nhau đã giúp tôi rất nhiều trong công việc. Hơn nữa, có thể nói rằng, phần lớn cuộc đời tôi phục vụ cho ngành ngoại giao và tôi đã làm tốt và hạnh phúc trong công việc của mình chính là nhờ không phải lúc nào tôi cũng là nhà ngoại giao. Vì vậy, tôi đặt tên cho cuốn hồi ký của mình “Không phải lúc nào cũng ngoại giao”. Tôi may mắn là người thích làm nhiều thứ, và có lẽ điểm chung nhất gắn kết những “con người khác nhau" trong tôi ấy là Niềm vui. Tôi luôn thấy cuộc sống quanh mình có những chuyện buồn cười, ngay cả những lúc khó khăn hay nghiêm trang nhất thì tôi cũng vẫn thấy có chuyện gì đó khiến tôi phải nén cười.

Thư ký Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (DFAT) Frances Adamson (trái) và cựa đại sứ Sue Boyd (phải) tại buổi ra mắt cuốn sách
Thư ký Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (DFAT) Frances Adamson (trái) và cựa đại sứ Sue Boyd (phải) tại buổi ra mắt cuốn sách "Không phải lúc nào cũng là ngoại giao" của bà tại Canberra.

TCPNM: À, vâng, tôi đã được nghe một vài giai thoại về tính hài hước lịch lãm và mạnh bạo của bà. Bà có thể chia sẻ một vài kỷ niệm vui về quãng thời gian bà làm đại sứ ở Việt Nam được không?

S.B: Tôi nhớ hồi đó Việt Nam mới bắt đầu chặng đường Đổi mới thôi, còn nhiều khó khăn. Tôi thích đi công tác tới các tỉnh ngoài Hà Nội và TP. HCM để thúc đẩy các dự án viện trợ của chính phủ Úc cho các địa phương của Việt Nam. Chúng tôi được bố trí ở trong những nhà khách hoặc khách sạn cũng gọi là rất tốt ở mỗi địa phương rồi nhưng vẫn có các rắc rối. Tôi thường buồn cười khi nhớ lại những đồ đạc tôi phải chuẩn bị cho mỗi chuyến công tác xa: một đôi ủng cao su, không phải để đi ngoài đường mà để đi vào mỗi khi bật tắt các công tắc điện trong nhà - tránh bị giật, kim và chỉ khâu để chống muỗi…

TCPNM: Kim và chỉ khâu để chống muỗi?

S.B:  Không phải để khâu quần áo bị thủng đâu. Khi đến các làng mạc xa xôi, chúng tôi được cung cấp những cái màn mới và sạch sẽ nhưng bằng một cách nào đó, đôi khi vẫn có các lỗ thủng. Sau một lần phải vá lỗ thủng bằng băng vệ sinh hằng ngày thì tôi sắm thêm kim chỉ mang theo người, đề phòng màn lại có lỗ thủng nữa, vì nếu cứ phải dán hết các lỗ thủng bằng băng vệ sinh thì tôi e rằng cả đêm tôi tỉnh ngủ vì cứ ngồi trong màn cười nhìn tác phẩm đáng yêu của mình.

TCPNM: Bây giờ thì tôi hiểu vì sao bà lại chiến thắng ông Kim Beazley (*Thủ hiến hiện nay của Bang Tây Úc, bạn cùng thời đại học của bà Sue Boyd) để trở thành thủ lĩnh sinh viên nữ đầu tiên của Hội đồng sinh viên Bang Tây Úc từ những năm 60 của thế kỷ trước. Tôi nghĩ rằng chính khiếu hài hước là thế mạnh của một phụ nữ thành công, nó khiến ta mạnh mẽ hơn, vượt qua khó khăn dễ dàng hơn? Là một hình mẫu phụ nữ Úc xinh đẹp và thành công, làm việc ở môi trường Bộ Ngoại giao Úc vốn truyền thống dành cho nam giới, đi qua những năm tháng nhiều rào cản khó khăn khi nước Úc còn trong thời kỳ phân biệt bình đẳng giới, một nhà ngoại giao được cựu Bộ trưởng Ngoại giao Úc Gareth Evans (1988 – 1996) đánh giá là “một trong những nhà ngoại giao tích cực và hiệu quả nhất của Úc, bà đã truyền cảm hứng cho rất nhiều phụ nữ Úc. Bà có nhận xét gì về những người phụ nữ Việt Nam bà từng gặp? Bà nghĩ gì về vấn đề bình đẳng giới ở Việt Nam và có lời nhắn nhủ gì cho chúng tôi không?

S.B: Tôi đã tuyển nhiều nhân viên nữ giới thời kỳ tôi làm đại sứ ở Việt Nam và Minh Thu là nhân viên địa phương đầu tiên giữ vị trí là Thư ký đại sứ. Bà Hải, người phục vụ cho tôi là người đã từng vận chuyển vũ khí lên các con tàu 0 số thời chiến tranh… Trong quá trình công tác, tôi đã gặp rất nhiều phụ nữ Việt Nam ở vị trí lãnh đạo quan trọng cả trong giới doanh nghiệp và nhà nước. Hồi đó, tôi đã có may mắn làm việc rất thân gần với bà Phạm Chi Lan, một trong những tác giả của lộ trình Việt Nam Đổi mới, bà Tôn Nữ Thị Ninh, một lãnh đạo ngoại giao nữ rất quý phái và mạnh mẽ… Khi tôi làm việc với họ trong thời gian ở Việt Nam là khi họ mời Đại sứ Canada, bà Christine Desloges, và tôi làm việc với họ trong việc hỗ trợ các nhà lãnh đạo doanh nghiệp nữ thực hiện quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước và hỗ trợ họ vào thị trường quốc tế - Doanh nghiệp Mỹ phẩm Sài Gòn và nước hoa Miss Saigon là một ví dụ. Bộ tứ của chúng tôi thời kỳ ấy đã hợp tác với nhau rất hiệu quả. Cùng với sự phát triển của đất nước, phụ nữ Việt Nam ngày một thể hiện rõ vai trò quan trọng của họ trong xã hội.

Bình đẳng giới và lời khuyên ư? Tôi không muốn tham gia vào một cuộc tranh luận công khai về những vấn đề này. Tôi thường tự nhủ: làm chứ, không làm được ư? Vì sao mình lại không làm được nhỉ? Tôi chỉ trả lời các câu hỏi đơn giản vậy thôi. Một người bạn đã đọc cuốn sách của tôi nói rằng cô ấy chán ngấy với việc bị khuyên nhủ, với tư cách là một người phụ nữ, những gì cô ấy nên và không nên làm. Điều cô ấy thích thú về cuốn sách của tôi là tôi đã không làm điều đó. Tôi chỉ nói: "Đây là những gì tôi đã làm trong hoàn cảnh này". Và sau đó để lại cho người đọc tự sống như họ thấy cần phải thế./.

Hàm Anh

Nữ nhân viên Đại sứ quán Mỹ ‘đốn tim’ dân mạng bằng ca khúc ‘Bụi phấn’ nhân ngày Nhà giáo Việt Nam

Nữ nhân viên Đại sứ quán Mỹ ‘đốn tim’ dân mạng bằng ca khúc ‘Bụi phấn’ nhân ngày Nhà giáo Việt Nam

Dân mạng trong ngày 20/11 được dịp thưởng thức ca khúc “Bụi phấn” do cô Kate Barlett, Tùy viên Văn hóa, phòng Văn hóa – Thông tin, Đại sứ quán Mỹ thể hiện bằng tiếng Việt nhân ngày Nhà giáo Việt Nam.