Liên Hợp Quốc thông qua nghị quyết ngừng bắn tại Gaza
Nghị quyết "yêu cầu ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức trong tháng Ramadan", "thả ngay lập tức và vô điều kiện tất cả các con tin", cũng như nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết phải bảo vệ dân thường và cung cấp viện trợ nhân đạo trên khắp Dải Gaza.
Tháng Ramadan bắt đầu từ ngày 10/3 và kết thúc vào ngày 9/4, đồng nghĩa với việc kể cả khi nghị quyết được thông qua thì yêu cầu ngừng bắn sẽ chỉ kéo dài trong 2 tuần. Tuy nhiên, dự thảo nghị quyết có nhấn mạnh vào việc tạm dừng giao tranh sẽ dẫn đến "một lệnh ngừng bắn bền vững vĩnh viễn".
Sau nhiều thất bại trước đó, nghị quyết này chính thức được thông qua khi 14 thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc bỏ phiếu ủng hộ và Mỹ quyết định bỏ phiếu trắng ngày 25/3. Tiếng vỗ tay đã vang lên sau khi nghị quyết chính thức được thông qua.
Reuters dẫn lời Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres trên mạng xã hội X cho biết: "Nghị quyết này phải được thực hiện và thất bại sẽ không được tha thứ".
Trong khi đó, phó phát ngôn viên Liên Hợp Quốc Farhan Haq cho biết các nghị quyết của Hội đồng Bảo an là "luật pháp quốc tế", vì vậy ở mức độ nào đó chúng có tính ràng buộc như luật pháp quốc tế.
Phản ứng của các bên
Về phía Trung Quốc, Đại sứ của nước này tại Liên Hợp Quốc là ông Zhang Jun cho biết: "Đối với hàng triệu người ở Gaza, những người vẫn đang sa lầy trong thảm họa nhân đạo chưa từng có, nghị quyết này nếu được thực hiện đầy đủ và hiệu quả vẫn có thể mang lại hy vọng đã chờ đợi từ lâu", ông cho biết.
Từ Riyyadh, Saudi cũng đã chính thức lên tiếng hoan nghênh việc Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua Nghị quyết yêu cầu thực thi một lệnh ngừng bắn tức thì tại dải Gaza nhân dịp tháng Ramadan của người Hồi giáo.
Theo hãng thông tấn Ả Rập Saudi (SPA), nước này hy vọng việc hạ nhiệt chiến sự sẽ dẫn tới một lệnh ngừng bắn lâu dài và bền vững, các bên liên quan tuân thủ nghĩa vụ theo luật pháp quốc tế, con tin được trả tự do và hàng cứu trợ được chuyển vào dải Gaza một cách thuận lợi.
Bên cạnh đó, Saudi cũng kêu gọi đảm bảo các quyền của người Palestine về được sống trong an toàn và làm chủ vận mệnh của mình, thông qua một lộ trình không thể đảo ngược hướng tới việc thành lập một nhà nước độc lập với đường biên giới năm 1967 và thủ đô là Đông Jerrusalem.
Cùng ngày, một loạt quốc gia Ả Rập và Hồi giáo khu vực Trung Đông - Bắc Phi cũng ra tuyên bố hoặc thông cáo chính thức hoan nghênh Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết yêu cầu ngừng bắn tại Gaza, kêu gọi các bên liên quan và có ảnh hưởng trong cuộc xung đột, nghiêm túc tuân thủ Nghị quyết mới của Hội đồng Bảo an cũng như các quy định pháp lý quốc tế khác, trong đó có Luật nhân quyền.
Bộ Ngoại giao Ai Cập khẳng định việc Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua Nghị quyết yêu cầu ngừng bắn tại Gaza, là bước đi cần thiết đầu tiên hướng tới đặt dấu chấm hết cho tình trạng đổ máu, bảo vệ dân thường Palestine và đưa hàng cứu trợ nhân đạo vào dải Gaza.
Cùng với lời kêu gọi các bên nghiêm túc thực thi lệnh ngừng bắn ngay lập tức tại Gaza nhằm mở đường cho việc giải quyết toàn bộ các vấn đề liên quan trong cuộc xung đột, Bộ Ngoại giao Ai Cập đồng thời cam kết sẵn sàng phối hợp với các bên khu vực và quốc tế liên quan, để tiến hành các nỗ lực không mệt mỏi nhằm xử lý cuộc khủng hoảng một cách nhanh nhất có thể.
Israel nổi giận với Mỹ
Tuy nhiên, việc nghị quyết được thông qua vấp phải sự phản đối từ phía Israel. Thủ tướng Benjamin Netanyahu khẳng định việc Mỹ không phủ quyết nghị quyết là một "sự rút lui rõ ràng" khỏi lập trường trước đó và sẽ làm tổn hại đến các nỗ lực chiến đấu của Israel cũng như nỗ lực thả hơn 130 con tin vẫn bị Hamas giam giữ.
Sau cuộc bỏ phiếu, ông Netanyahu đã hủy chuyến thăm Washington của một phái đoàn cấp cao dự kiến thảo luận về một chiến dịch quân sự đã được lên kế hoạch tại thành phố Rafah ở phía nam Gaza, nơi khoảng 1,5 triệu người Palestine đang trú ẩn.
Đại sứ Israel tại Liên Hợp Quốc Gilad Erdan nhấn mạnh quan điểm của quốc gia này rằng: "Chính cuộc tấn công của Hamas đã bắt đầu cuộc chiến. Israel không khơi mào cuộc chiến này và Israel cũng không mong muốn cuộc chiến này".
Phản ứng lại các tuyên bố trên, người phát ngôn Nhà Trắng John Kirby cho biết: "Việc bỏ phiếu của chúng tôi hoàn toàn không thể hiện sự thay đổi trong chính sách".
(Nguồn: Reuters/Aljazeera)