Thị dân là gì? Câu hỏi tưởng chừng có câu trả lời đơn giản nhưng hóa ra lại khá phức tạp. “Thị dân” tất nhiên là người sinh sống ở các vùng đô thị. Nhưng như thế nào là “sống” hay “lối sống” ở đô thị, và một nơi như thế nào mới được xem là “đô thị”? Những câu hỏi tưởng chừng đơn giản này lại được hiểu, rồi có những định nghĩa khá phức tạp bởi vì thị dân và lối sống thị dân góp phần không nhỏ tạo nên diện mạo một đô thị. Và quan trọng hơn, lối sống thị dân sẽ quyết định “thương hiệu” của đô thị, nhìn từ góc độ văn hóa.
Trước đây người ta hiểu “thị dân” là người sống ở đô thị. Nhưng giờ đây với sự phát triển đa dạng của đô thị và sự phức tạp của quá trình đô thị hóa, cách hiểu này chưa đầy đủ. Không thể định nghĩa “thị dân” bằng cách xác định nơi sinh sống mà phải từ khía cạnh văn hóa của người sống ở đô thị. Từ điển Đô thị (một từ điển online có tên là urbandictionary.com) đưa ra một vài đặc điểm nhận dạng thị dân và văn hóa thị dân như sau:
“Thị dân” là người sinh sống ở một trong những thành phố lớn trên thế giới. Là người tiêu dùng khá giả, có quan điểm sống lạc quan và rất khác những người sống ở “thị trấn nhỏ” hoặc khu vực nông thôn.
Ảnh: Khiếu Minh. |
Văn hóa thị dân vừa là một tiểu văn hóa (subculture), vừa là một lối sống hiện đại. Thị dân có 6 đặc điểm chính: “Thiếu thời gian, tự hào về văn hóa đô thị, có hiểu biết về truyền thông (media-literate), có ý thức về thương hiệu hàng hóa, tiêu dùng theo thị hiếu (trend-sensitive) và có ý thức về văn hóa”.
Đô thị hiện đại có nhiều đặc trưng, trong đó có hai đặc trưng quan trọng nhất là giao thông và truyền thông.
Về giao thông: Thị dân dường như luôn thiếu thời gian cho mọi hoạt động, mọi nhu cầu của mình, vì vậy không đâu tập trung nhiều phương tiện và đầu mối giao thông như ở đô thị, đô thị càng lớn phương tiện giao thông càng nhiều, kéo theo hệ thống đường xá cầu cống phát triển và hoàn thiện.
Nhu cầu giao thông trong đô thị/ giữa các đô thị với nhau là yếu tố chủ đạo cho những phát minh mới về phương tiện và kỹ thuật giao thông, trong đó có phương tiện công cộng. Sử dụng phương tiện giao thông công cộng là một đặc điểm của thị dân, tạo nên và củng cố thói quen đúng giờ, xếp hàng, tuân thủ quy định về an toàn giao thông, khuyến khích hoạt động cá nhân như đọc sách, nghe nhạc, lướt web… đồng thời hạn chế thói quen gây ảnh hưởng đến người xung quanh như nói to, xả rác… trong không gian hẹp và đông như xe bus hay metro.
Ngay cả việc sử dụng phương tiện giao thông cá nhân cũng đòi hỏi sự tôn trọng không gian công cộng: dừng xe đúng đèn tín hiệu, đúng vạch, đi đúng làn đường… để bảo đảm an toàn cho mình và cho người khác. Tiến tới ứng xử văn hóa hơn: sẵn sàng nhường đường cho người đi bộ, người khuyết tật, ở giao lộ và khi tắc đường… Tức là tuân thủ luật pháp và sự tuân thủ ấy trở thành quy tắc đạo đức trong hành xử hàng ngày. Khi ấy văn hóa giao thông ở đô thị là chuẩn mực cho nhiều tiểu vùng văn hóa khác.
Về truyền thông: Ngày nay đô thị là nơi tập trung dày đặc những con người làm việc không thể thiếu máy tính và mạng Internet. Đây cũng là nơi thu nhận và lan tỏa tất cả các loại thông tin “nóng” hay “nguội” bằng nhiều hình thức truyền thông: báo chí in, TV, đài phát thanh, Internet (báo mạng, các mạng xã hội…). Sự hiểu biết về truyền thông trong xã hội hiện đại chính là sự đòi hỏi người tiếp nhận thông tin phải có trách nhiệm chọn lọc cho mình và cho người khác.
Vài năm trước trên một tờ báo mạng có câu chuyện bịa đặt về nồi hủ tíu nấu bằng chuột cống, tin này nhanh chóng lan trên các báo mạng khác, rồi bùng lên trên nhiều mạng xã hội. Sự việc này nói lên điều gì về văn hóa ứng xử với thông tin của thị dân thời hiện đại? Đó là, khi báo viết bài bịa đặt hoặc không được kiểm chứng thì thông tin đó có khả năng gây hại cho bao nhiêu gia đình, bao nhiêu con người.
Vậy nhưng nhiều người đã tiếp tay cho loại tin tức đó khi link về Facebook của mình, bàn tán, lên án... mà thực sự cũng chẳng biết nguồn tin thật giả thế nào. Báo mạng lá cải và các blogger vô trách nhiệm với thông tin mình tung lên mạng xã hội. Những tin tức như thế lan truyền trên mạng chính là những số phận con người bị vứt ra giữa xa lộ thông tin.
Thế giới mạng có thể làm người ta nổi tiếng nhưng cũng có thể làm người ta “thân bại danh liệt” chỉ trong chớp mắt. Vì vậy ứng xử với thông tin thời hiện đại không thể bằng kiểu “dư luận” đồn thổi của làng xã như xưa kia. Truyền thông nào xã hội ấy, và ngược lại. Nhìn vào văn hoá đô thị qua truyền thông có thể nhận biết văn hóa của thị dân.
Nhìn từ góc độ nhân văn, trong không gian đô thị từng cá nhân và từng gia đình ít bị ràng buộc bởi các mối quan hệ chằng chịt như ở thôn quê. Ở nông thôn giữa hai người, hai gia đình có khi vừa là quan hệ huyết thống, vừa là láng giềng, lại vừa có cùng lợi ích kinh tế (cùng làm nông nghiệp hay một nghề thủ công nào đó chẳng hạn)… do đó tính cộng đồng cao hơn.
Còn ở đô thị thì mối quan hệ cùng lợi ích kinh tế là quan hệ chính (buôn có bạn bán có phường) hoặc quan hệ chính trị như cùng giai cấp/ đẳng cấp. Quan hệ láng giềng hay huyết thống vẫn duy trì nhưng là thứ yếu và không phổ biến. Vì vậy, quan hệ của thị dân làm sao vừa giữ được tính truyền thống trong sự quan tâm giúp đỡ nhau, đồng thời cũng cần giữ “khoảng cách” nhất định để tôn trọng cá nhân và không gian riêng của từng người, từng gia đình, từng cộng đồng nhỏ hơn (cùng chung tôn giáo, tín ngưỡng, chung nghề nghiệp, sở thích…).
Bên cạnh sự điều hành của chính quyền đô thị với những quy tắc, luật lệ phù hợp sinh hoạt và vận hành của đô thị, các tổ chức cộng đồng xã hội cần được tạo điều kiện để phát huy trách nhiệm của mình với sự phát triển của đô thị. Đây là điều kiện quan trọng để đô thị phát triển bền vững.
Qua hàng chục, hàng trăm năm, lối sống, văn hóa đô thị được hình thành qua nhiều thế hệ thị dân. Tuy nhiên, khi đô thị chịu nhiều biến động, có những thay đổi lớn về cơ cấu dân cư trong một thời gian ngắn thì không kịp di truyền và củng cố lối sống thị dân và văn hóa đô thị. Vì vậy, giữ cho đô thị ổn định về dân cư, nhất là khu vực trung tâm, tránh những xáo trộn lớn gây bất ổn định về tâm lý, lối sống, văn hóa… chính là một trong những phương cách gìn giữ đặc trưng văn hóa đô thị. Như vậy thị dân mới có thể tích lũy những hiểu biết về văn hóa, từ đó tự hào về văn hóa đô thị, tiến tới xây dựng thương hiệu cho từng đô thị.
Bỗng dưng... nhớ thùng nước gạo
Hồi ấy cũng chẳng có gì ngoài rau cám, nước gạo với lũ lợn đã là được ăn ngon, tất nhiên làm gì có thuốc tăng trọng với chất tạo nạc.