Thời điểm hiện tại, khi thị trường đột ngột chững lại, nhà đầu tư xuất hiện tâm lý trái chiều, trong đó có người chờ "bắt đáy", người muốn thoát nhanh để thu hồi vốn. Thị trường ế ẩm, môi giới vẫn dùng chiêu trò "thổi giá" nhằm thu hút chú ý người mua...
Ngoài việc thổi giá trị thực lên cao để rao bán giá rẻ đi, không ít thông tin được tung ra thời điểm này còn mập mờ, tiềm ẩn nhiều rủi ro với khách hàng. Lạm phát còn cao nên việc bắt đáy bất động sản vẫn còn hơi sớm. Do vậy, các nhà đầu tư cần cẩn trọng với những quảng cáo bán cắt lỗ và theo dõi thị trường thêm một thời gian nữa để xuống tiền thì cơ hội sẽ tốt hơn.
Theo ông Nguyễn Chí Thanh - Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam - sau thời gian bất động sản có dấu hiệu tăng "nóng", Ngân hàng Nhà nước có động thái kiểm soát tín dụng để hạn chế đầu cơ. Đối với những nhà đầu tư có vốn thực hoặc sử dụng đòn bẩy tài chính thấp, họ vẫn ôm hàng chờ thời. Còn những người sử dụng đòn bẩy cao, phải trả ngay hoặc không có nguồn thu để trả lãi thì mới bắt buộc phải xả hàng, cắt lỗ.
"Thời gian tới đây sẽ còn nhiều nhà đầu tư không thể gồng lỗ buộc phải tìm cách thoát hàng. Đây là cơ hội thanh lọc, đưa thị trường về trạng thái cân bằng. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế hiện nay, lạm phát còn cao nên việc bắt đáy bất động sản vẫn còn hơi sớm", ông Thanh nói và khuyến cáo, các nhà đầu tư cần cẩn trọng với những quảng cáo bán cắt lỗ và theo dõi thị trường thêm một thời gian nữa để xuống tiền thì cơ hội sẽ tốt hơn.
Không ít thông tin rao bán nhà đất hiện nay được gắn với cụm từ "cắt lỗ", "chủ nhà vỡ nợ" để hấp dẫn người có nhu cầu. Tuy nhiên, việc giảm giá sâu được cho chỉ là một chiêu trò của người đăng thông tin.
Thị trường đang xuất hiện hàng loạt thông tin rao bán bất động sản qua các diễn đàn hội nhóm trên mạng xã hội. Do việc kiểm soát thông tin hạn chế, môi giới không ngừng tung chiêu trò, thổi phồng giá trị thực của lô đất để thu hút sự chú ý của người đang có nhu cầu.
Số liệu thống kê của DKRA cho thấy, tháng 7 vừa qua, sức cầu chung toàn thị trường đất nền, nhà liền thổ chỉ đạt tương ứng 48% và 55%, giảm đáng kể so với các tháng trước đó. Tương tự, sức tiêu thụ căn hộ chung cư trong tháng 7 cũng chỉ đạt 54%, giảm 16% so với tháng 6 và giảm 25% so với tháng 5, ở mức thấp nhất từ đầu năm đến nay.
Nhìn nhận về thực trạng cắt lỗ trên thị trường thời gian qua, bà Nguyễn Thị Hồng Vân - Phó giám đốc Bộ phận Định giá và Tư vấn Tài chính, Savills Hà Nội - cho biết, việc bán cắt lỗ là có thể xảy ra trên thị trường bất động sản ở trường hợp như nhà đầu tư không nghiên cứu kỹ về bất động sản trước khi đưa ra quyết định đầu tư. Ngoài ra, nếu các nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính để thực hiện đầu tư bất động sản, việc bán cắt lỗ để tránh lãi vay ngân hàng cũng là một khả năng có thể nghĩ đến.
Ở góc nhìn chuyên gia, Giám đốc bộ phận R&D của DKRA Việt Nam Nguyễn Hoàng cho hay, tính thanh khoản trên thị trường thứ cấp bất động sản giảm rõ từ năm 2020, và đang bao trùm rộng hơn từ đầu năm. Tuy nhiên, thị trường vẫn có giao dịch chứ không hoàn toàn đóng băng.
Theo ông Hoàng, thị trường bất động sản đang có dấu hiệu "xì hơi" rõ nét. Trước khi nói đến câu chuyện liệu thị trường đang chậm lại để bước vào chu kỳ tăng trưởng mới (bao gồm cả sốt đất trở lại) thì phải nhìn vào thực tế thị trường.
Cụ thể, hiện nay dù thanh khoản chậm, nhưng giá bất động sản vẫn tăng cao so với thu nhập của người dân. Bên cạnh đó, nguồn cung mới trong thời gian qua dù có thời điểm được cải thiện nhưng cơ bản vẫn rất thấp, thấp hơn nhiều so với 2019 trở về trước.
Tổng Hợp