Giá cà phê hôm nay
Giá cà phê trong nước hôm nay cao nhất tại tỉnh Đắk Lắk là 48.000 đồng/kg, giá thấp nhất tại tỉnh Lâm Đồng là 47.300 đồng/kg.
Giá cà phê tại Gia Lai: 47.900 đồng/kg, Đắk Nông: 47.900 đồng/kg, Kon Tum: 47.900 đồng/kg, tại cảng TPHCM: 51.900 đồng/kg.
Khảo sát giá cà phê thế giới ngày 21/9/2022, trên sàn New York, giá cà phê Arabica giao tháng 12/2022 tăng 0,70 cent/lb, ở mức 225,85 cent/lb. Cùng với đó giá cà phê trên sàn SaoPaulo của Brazil cũng tăng theo.
Giá cà phê Robusta giao tháng 11/2022 giữ ở mức 2.238 USD/tấn, giao tháng 1/2023 ở mức 2.226 USD/tấn.
8 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam ước đạt 1,24 triệu tấn, trị giá 2,82 tỷ USD, tăng 14,7% về lượng và tăng 39,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam ước đạt 2.268 USD/tấn, tăng 21,7% so với cùng kỳ năm 2021. Cục Xuất nhập khẩu dự báo, giá cà phê thế giới tiếp tục tăng trong thời gian tới do lo ngại nguồn cung thiếu hụt.
Theo Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam, sản lượng cà phê năm nay thấp hơn năm trước do năng suất thấp.
Trong quý III, Việt Nam vẫn còn khoảng 500 nghìn tấn cà phê để xuất khẩu. Dự báo xuất khẩu cà phê của Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều khó khăn. Nếu xung đột vũ trang Nga và Ukraina chưa sớm chấm dứt, giá cà phê sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp trong các tháng còn lại của quý III.
Ước tính của một số thương nhân, tồn kho tính đến cuối tháng 9/2022 có thể chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng cà phê Robusta của Việt Nam cũng được dự đoán sẽ giảm khoảng 6% trong niên vụ 2022 - 2023 xuống 1,72 triệu tấn.
Hiện Việt Nam là quốc gia sản xuất cà phê Robusta lớn nhất thế giới và đứng thứ hai về xuất khẩu cà phê.
Giá tiêu hôm nay
Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước tiếp tục giảm nhẹ tại một số vùng trồng trọng điểm, giao dịch từ 64.000 – 67.000 đồng/kg.
Cụ thể, giá tiêu hôm nay tại Gia Lai thấp nhất thị trường khi ở mức 64.000 đồng/kg.
Giá tiêu hôm nay tại các tỉnh Đồng Nai: 65.500 đồng/kg.; Đắk Nông, Đắk Lắk: 65.000 đồng/kg.; Bình Phước: 66.000 đồng/kg.và Bà Rịa - Vũng Tàu ở ngưỡng cao nhất là 67.000 đồng/kg.
Chỉ còn hơn 3 tháng nữa là kết thúc năm 2022, thị trường cứ liên tục giảm. Trong bối cảnh hiện nay, bức tranh của ngành hồ tiêu không thể tươi sáng như dự tính.
Theo đánh giá, lượng hàng tồn trong dân và tại các công ty, đại lý lớn còn khá nhiều. Tranh thủ giai đoạn này nhiều công ty của Việt Nam tăng cường nhập tiêu từ các nước. Theo dự tính, lượng tồn kho trước khi bước vào vụ thu hoạch năm nay còn khoảng 100.000 tấn - một con số khá lớn khi xuất khẩu sang Trung Quốc chưa thể bứt phá.
8 tháng của năm 2022, Việt Nam đã nhập khẩu 27.917 tấn, trong đó tiêu đen đạt 24.293 tấn, tiêu trắng đạt 3.624 tấn, so với cùng kỳ năm trước lượng nhập khẩu tăng 44,9% tương đương 8.645 tấn.
Theo Vietnambiz, trên thị trường thế giới, năm 2021, lượng tiêu xuất khẩu của Malaysia đạt 7.407 tấn, trị giá 153,7 triệu Ringgit, đưa quốc gia này nằm trong top những nhà xuất khẩu hồ tiêu hàng đầu thế giới, bên cạnh Việt Nam, Indonesia, Ấn Độ và Brazil.
Người dân Malaysia tự hào rằng, bang Sarawak đã đóng vai trò quan trọng trong việc đưa Malaysia lên bản đồ hồ tiêu thế giới.
Sarawak hiện lọt top 5 nhà sản xuất hạt tiêu hàng đầu thế giới, với khoảng 90% sản lượng hằng năm (tương đương khoảng 25.000 tấn) cho thị trường xuất khẩu.
Tuy đứng sau các nước sản xuất hàng đầu như Việt Nam về số lượng, nhưng hạt tiêu của Sarawak được bán với giá cao do chất lượng vượt trội.
Giá cao su tăng giảm trái chiều
Giá cao su hôm nay tăng giảm trái chiều tại Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE) và tại Sàn Tocom (Tokyo - Nhật Bản).
Tại Sở giao dịch hàng hóa Tokyo (Tocom), giá cao su kỳ hạn giao tháng 10/2022 ghi nhận mức 227,0 yen/kg, giảm 0,35%, giảm 0,8 yen/kg. Các kỳ hạn cao su tháng 11, 12 và tháng 1/2023 đều ghi nhận mức giảm nhẹ.
Trên Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE), giá cao su RSS3 giao kỳ hạn tháng 10/2022 đứng ở mức 12.005 nhân dân tệ/tấn, tăng 0,46%, tăng 55 nhân dân tệ/tấn.
Giá cao su Thượng Hải hôm nay tăng ở các kỳ hạn tháng 11, tháng 1/2023, tháng 3/2023, tháng 4/2023 ở mức tăng gần 1%.
Trong 10 ngày giữa tháng 9/2022, giá cao su tại các sàn giao dịch châu Á biến động trái chiều: giá tại Nhật Bản giảm so với 10 ngày trước đó, trong khi giá tăng tại Thượng Hải và Thái Lan. Cụ thể: Tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka Exchange (OSE), giá cao su liên tục giảm so với 10 ngày trước đó. Ngày 19/9/2022, giá cao su RSS3 giao kỳ hạn gần ở mức 215 yen/ kg (tương đương 1,5 USD/kg), giảm 3,2% so với 10 ngày trước đó, nhưng tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2021. Giá cao su tại Nhật Bản giảm do lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu, mặc dù sự gia tăng tại thị trường Thượng Hải đã hạn chế đà giảm.
Tại sàn SHFE Thượng Hải, giá cao su biến động mạnh. Sau khi tăng lên 11.940 nhân dân tệ/tấn vào ngày 15/9/2022, giá giảm trở lại, nhưng vẫn tăng so với 10 ngày trước đó. Ngày 19/9/2022, giá cao su RSS3 giao kỳ hạn gần ở mức 11.865 nhân dân tệ/tấn (tương đương 1,69 USD/tấn), tăng 2,9% so với 10 ngày trước đó, nhưng giảm 8,2% so với cùng kỳ năm 2021.
Giá cao su tại Trung Quốc phục hồi sau khi Chính phủ nước này tái khẳng định cam kết ổn định nền kinh tế thông qua hỗ trợ chính sách theo từng giai đoạn. Trung Quốc tiếp tục đưa ra các chính sách theo từng giai đoạn để ổn định kinh tế, tập trung vào sự phục hồi tiêu dùng và thúc đẩy đầu tư, đồng thời khẳng định thực hiện các chính sách này càng sớm càng tốt. Trong khi đó, doanh số bán ô tô của Trung Quốc trong tháng 8/2022 tăng mạnh, đạt 2,38 triệu chiếc, tăng 32,1% so với cùng kỳ năm 2021, dẫn đầu là doanh số bán xe điện do được thúc đẩy bởi chính sách khuyến khích của Chính phủ.
Tại Thái Lan, giá cao su tự nhiên giảm xuống mức 50,9 Baht/kg vào ngày 12/9/2022, sau đó giá tăng nhẹ trở lại. Ngày 19/9/2022, cao su RSS3 được chào bán ở mức 52,1 Baht/ kg (tương đương 1,41 USD/kg), tăng 2,1% so với 10 ngày trước đó, nhưng vẫn giảm 5,3% so với cùng kỳ năm 2021.
Tại Ấn Độ, giá cao su tự nhiên liên tục giảm mạnh trong thời gian qua, khiến khoảng 12 nghìn người trồng cao su quy mô nhỏ ở bang Kerala - khu vực trồng cao su trọng điểm của Ấn Độ đang phải chịu thua lỗ. Nông dân ở bang Kerala đã đưa ra các đề xuất bao gồm việc tăng thuế nhập khẩu đối với mủ cao su và cao su hỗn hợp, đề nghị được tăng trợ cấp tái canh (hiện vẫn ở mức 25.000 Rupee/ha) và điều chỉnh giá hỗ trợ của cây trồng theo chương trình bình ổn giá từ 170 Rupee lên 200 Rupee.