Thị trường toàn cầu trước ‘cú sốc’ cấm xuất khẩu dầu ăn của Indonesia

Hôm nay (28/4) Indonesia cấm xuất khẩu dầu cọ thô và dầu ăn với thời hạn cấm không xác định nhằm ứng phó với cuộc khủng hoảng giá dầu ăn trong nước này đang tăng mạnh từ đầu năm đến nay.

Indonesia sẽ cấm xuất khẩu tất cả các dẫn xuất dầu cọ, chính phủ cho biết hôm 27/4, đảo ngược so với thông báo được đưa ra chỉ một ngày trước đó rằng lệnh cấm sẽ chỉ áp dụng đối với các sản phẩm được sử dụng trong sản xuất dầu ăn tại địa phương.

Ông Airlangga Hartarto, Bộ trưởng Điều phối các vấn đề Kinh tế của Indonesia Airlangga Hartarto cho biết, lệnh cấm xuất khẩu dầu cọ của Indonesia có hiệu lực bắt đầu từ thứ Năm (28/4) sẽ bao gồm dầu cọ thô cũng như các sản phẩm tinh chế.

“Chính sách áp dụng cho tất cả các sản phẩm là CPO (dầu cọ thô), RPO (dầu cọ tinh luyện), RBD (dầu cọ tinh chế, tẩy trắng và khử mùi), POME (nước thải còn sót lại từ quá trình sản xuất dầu cọ) và dầu ăn đã qua sử dụng”, ông cho biết.

dauco.png
Công nhân bốc trái cọ tươi chở dầu đến nơi chế biến. Ảnh: Reuters

Bộ trưởng Hartarto cho biết, chỉ thị được đưa ra trực tiếp từ Tổng thống Joko Widodo sau khi nhận được "ý kiến ​​đóng góp và phản hồi từ công chúng".

“Chính sách này đảm bảo tất cả các sản phẩm CPO được dành riêng để đảm bảo dầu ăn sẵn có ở mức giá 14.000 rupiah (0,97 USD/lít), đặc biệt là tại các chợ truyền thống và cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ”, ông cho biết.

"Tổng thống cam kết đặt người dân Indonesia làm ưu tiên chính cho tất cả các chính sách của chính phủ”, ông cho biết thêm.

Bộ trưởng Hartarto cho biết, lệnh cấm xuất khẩu sẽ kéo dài cho đến khi giá dầu ăn trong nước xuống dưới 14.000 rupiah/lít.

“Lệnh cấm sẽ tạo ra những tác động bất lợi. Nó có khả năng làm giảm sản lượng dầu cọ… Tôi hiểu Nhà nước cần thuế, cần thu, cần thặng dư, nhưng việc đáp ứng các nhu cầu cơ bản của mọi người là một ưu tiên quan trọng”, Tổng thống Joko Widodo cho biết.

Giá trung bình của dầu ăn với số lượng lớn ở Jakarta đứng gần 20.000 rupiah (1,39 USD) / lít vào ngày 27/4, duy trì ở mức cao kể từ cuối năm ngoái bất chấp nhiều nỗ lực giảm giá của chính phủ trong thời gian đó. Dầu ăn được sử dụng trong các món ăn địa phương có nguồn gốc chủ yếu từ dầu cọ - trong đó Indonesia là nhà sản xuất và xuất khẩu lớn nhất thế giới.

Trái ngược với tuyên bố trước đó của ông Airlangga Hartarto rằng lệnh cấm sẽ chỉ áp dụng cho dầu RBD olein.

Trong khi đó, Tổng thống Joko Widodo cho biết: “Là nhà sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới, thật trớ trêu khi chúng tôi đang gặp phải tình trạng thiếu dầu ăn. Là tổng thống, tôi không thể cho phép điều đó xảy ra. Sự khan hiếm đã diễn ra trong bốn tháng qua và chính phủ đã ban hành một số chính sách nhưng chúng không có tác dụng. Tôi yêu cầu tất cả các doanh nghiệp kinh doanh dầu cọ ưu tiên nhu cầu trong nước và đáp ứng nhu cầu của mọi người. Nếu nhu cầu trong nước được đáp ứng, thì chắc chắn tôi sẽ bãi bỏ lệnh cấm xuất khẩu.”

Thị trường toàn cầu trước ‘cú sốc’ cấm xuất khẩu dầu ăn của Indonesia

Động thái gây sốc của Indonesia về việc cấm xuất khẩu dầu ăn sẽ gây ảnh hưởng lan rộng trên toàn thế giới, đe dọa đẩy chi phí hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất nhu yếu phẩm như Nestle SA và Unilever PLC lên cao và làm gia tăng lo ngại về lạm phát thực phẩm.

Indonesia - nhà cung cấp dầu cọ lớn nhất thế giới - sẽ tạm dừng xuất khẩu dầu ăn từ ngày 28/4, sau khi tình trạng thiếu hụt dầu ăn trong nước dẫn đến các cuộc biểu tình trên đường phố về chi phí thực phẩm cao ngất ngưởng.

Điều này sẽ “bóp chết” nguồn cung dầu thực vật vốn đã eo hẹp và làm tăng thêm tác động từ cuộc xung đột Nga-Ukraine, khiến hoạt động buôn bán dầu hướng dương rơi vào hỗn loạn.

Mặc dù đã xuất hiện một số thông tin cho thấy lệnh cấm xuất khẩu dầu ăn của Indonesia sẽ không tác động tới một số sản phẩm, song nó vẫn có nguy cơ làm gia tăng lạm phát lương thực.

d.jpg

Giá lương thực thế giới đang ở mức cao nhất mọi thời đại và tăng với tốc độ nhanh nhất từ trước đến nay. Việc sử dụng phổ biến dầu ăn trong mọi sản phẩm, từ kẹo cho đến nhiên liệu, có nghĩa là lạm phát lương thực toàn cầu sẽ tiếp tục đà leo thang trong một thời gian dài sắp tới.

Dưới đây là những diễn biến mới nhất và tác động sâu rộng của chính sách này:

Nguồn cung lương thực toàn cầu

Động thái của Indonesia, quốc gia chiếm 1/3 xuất khẩu dầu ăn toàn cầu, sẽ gây thêm bất ổn cho các thị trường mới nổi từ Sri Lanka cho đến Ai Cập và Tunisia. Ngay cả các nước phát triển cũng có thể chứng kiến giá dầu ăn tăng mạnh.

Dầu cọ là một trong những mặt hàng đa năng, được sử dụng trong hàng nghìn sản phẩm từ thực phẩm, đồ chăm sóc cá nhân đến nhiên liệu sinh học. Giá dầu ăn bất ngờ tăng vọt do hạn hán và thiếu lao động.

Sau đó, cuộc xung đột ở Ukraine đã ảnh hưởng tới khoảng 80% lượng dầu hướng dương xuất khẩu toàn cầu, thúc đẩy nhu cầu về các lựa chọn thay thế như dầu cọ và dầu đậu nành, đẩy giá dầu ăn lên mức cao kỷ lục.

0-5614.jpg

Lệnh cấm của Indonesia có thể làm tăng chi phí cho các nhà sản xuất hàng tiêu dùng thiết yếu bao gồm Nestle, Mondelez International và Unilever.

Unilever cho biết họ đã sẵn sàng tìm kiếm nguyên liệu thay thế và hiện đã có đủ nguồn cung cấp. Trong khi Nestle và Mondelez hiện vẫn từ chối bình luận về vấn đề này.

Ấn Độ

Ấn Độ, nhà nhập khẩu dầu cọ, đậu nành và dầu hướng dương lớn nhất thế giới, đang đối mặt với nguy cơ lạm phát tiếp tục tăng cao.

Giá dầu ăn ở New Delhi tăng từ 12% đến 17% kể từ khi cuộc khủng hoảng Ukraine xảy ra vào cuối tháng Hai. Chính phủ Ấn Độ đã bãi bỏ thuế nhập khẩu dầu ăn và đang cố gắng hạn chế việc tích trữ mặt hàng này, song giá cả vẫn có ít dấu hiệu “hạ nhiệt.”

Người Ấn Độ thích dầu cọ hơn các loại dầu khác vì giá rẻ hơn và có thể dễ dàng trộn với các chất béo khác. Điều này giúp tiết kiệm chi phí cho những đối tượng khách hàng thường sử dụng dầu cọ với số lượng lớn như nhà hàng và khách sạn.

Trung Quốc

Trung Quốc là một nhà nhập khẩu dầu ăn lớn khác của Indonesia. Nước này đã mua 4,7 triệu tấn dầu ăn từ quốc gia Đông Nam Á này vào năm ngoái, chiếm hơn 70% tổng kim ngạch nhập khẩu.

Tuy nhiên, kim ngạch nhập khẩu dầu cọ của Trung Quốc đã giảm đáng kể trong năm nay do giá cao hơn và lệnh phong tỏa nghiêm ngặt liên quan tới dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ.

So với dầu cọ, Trung Quốc phụ thuộc nhiều hơn vào đậu tương nhập khẩu, được dùng để sản xuất cả dầu ăn và bột làm thức ăn gia súc. Lệnh cấm xuất khẩu dầu ăn của Indonesia gây thêm khó khăn cho Chính phủ Trung Quốc, vốn đang tìm cách kiểm soát lạm phát.

dau-1.jpg
Giá dầu ăn cao liên tục ở Indonesia đã khiến chính quyền của Tổng thống Joko Widodo thất vọng. Ảnh: Reuters

Malaysia

Lệnh cấm xuất khẩu dầu ăn của Indonesia là “con dao hai lưỡi” đối với Malaysia, nhà sản xuất dầu cọ lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Indonesia.

Những đồn điền ở Malaysia có thể thu được lợi nhuận từ doanh số bán hàng tăng vọt và giá cả tăng đột biến. Doanh thu xuất khẩu của nước này cũng có thể sẽ tăng cao.

Tuy nhiên, chi phí mua hạt có dầu cao hơn sẽ có tác động lan tỏa khắp nền kinh tế Malaysia, giữa bối cảnh lạm phát lương thực của nước này đã ở mức cao nhất trong 5 năm.

Chính phủ Malaysia sẽ phải cung cấp nhiều gói trợ cấp hơn để ứng phó với chi phí cao hơn của các sản phẩm dầu cọ. Lệnh cấm này cũng sẽ hạn chế việc nhập khẩu dầu cọ của Malaysia, phần lớn là từ nước láng giềng Indonesia, đồng thời thắt chặt nguồn cung địa phương, đặc biệt là đối với các nhà máy lọc dầu.

Malaysia cũng có thể phải “vật lộn” để lấp đầy khoảng trống về nhu cầu toàn cầu do Indonesia để lại, trong khi nông dân đang gặp khó khăn với tình trạng thiếu lao động kinh niên. Malaysia chiếm khoảng 1/3 nguồn cung dầu cọ của thế giới, so với thị phần “khổng lồ” của Indonesia là khoảng 60%.

Indonesia

Theo Citigroup Inc., trong ngắn hạn, chính sách này có thể sẽ đạt được hiệu quả như dự kiến là giảm giá dầu ăn trong nước.

Chính sách này cũng có thể làm giảm kỳ vọng lạm phát trước những dấu hiệu cho thấy lệnh cấm sẽ không nghiêm ngặt như lo ngại.

Nếu giá dầu ăn trở lại mức đầu năm 2021 và ổn định từ đó, Citigroup có thể hạ dự báo lạm phát của Indonesia trong năm nay.

Tuy nhiên, chính sách này có thể đẩy giá của một số mặt hàng nông sản khác tăng mạnh, ví dụ như đậu tương, một loại cây lấy dầu có thể thay thế cho cây cọ.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Indonesia, từ đầu năm đến nay, giá dầu cọ, dầu ăn tại thị trường Indonesia tăng hơn 40% với mức giá bán lẻ bình quân hiện nay là 26,436 Rp/lít (1,84 USD, tương đương hơn 42.000 đồng/lít). Indonesia là một trong những thị trường cung ứng dầu mỡ thực vật lớn của Việt Nam. Năm 2021, Việt Nam chi 711 triệu USD để mua dầu mỡ thực vật từ thị trường này.

Trong bối cảnh này, Bộ Công Thương khuyến nghị doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng liên hệ với các các doanh nghiệp (đối tác) xuất khẩu Indonesia để tìm giải pháp cho các đơn hàng giao sau ngày 28/4 (nếu có); đồng thời cần theo dõi chặt chẽ các thông tin cập nhật về chính sách, quản lý điều hành liên quan tới mặt hàng dầu cọ thô CPO và dầu ăn tại trang tin điện tử Bộ Thương mại Indonesia - www.kemendag.go.id; Hiệp hội Dầu cọ Indonesia-www.gapki.id (hoặc thông qua Thương vụ Việt Nam tại Indonesia).

(Nguồn: Nikkei/TTXVN)

NGỌC CHÂU

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương