Việt Nam chính thức tiêm thử nghiệm vaccine COVID-19 trên người
Ngày 17/12, các tình nguyện viên đã được tiêm vaccine Nanocovax tại Học viện Quân y. Tình nguyện viên được tiêm vaccine Nanocovax liều 25 microgam dưới sự theo dõi chặt chẽ của lãnh đạo Bộ Y tế, lãnh đạo Học viện Quân y, nhóm nghiên cứu và các chuyên gia.
Sau tiêm, các tình nguyện viên được theo dõi tại phòng tiêm, sức khoẻ của họ ổn định sau 72 giờ.
3 tình nguyện viên được tiêm thử nghiệm trong đợt đầu tiên. |
Ông Đinh La Thăng bị đề nghị 10-11 năm tù trong vụ án tiêu cực xảy ra tại cao tốc TP.HCM – Trung Lương
Ngày 18/12, TAND TP.HCM tiếp tục mở phiên xét xử vụ án tiêu cực xảy ra tại cao tốc TP.HCM – Trung Lương, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 725 tỷ đồng.
Đại diện VKS nhận định, bị cáo Đinh La Thăng không nhận tội nhưng hành vi sai phạm đã được chứng minh, có trong hồ sơ vụ án. VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt cựu Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Đinh La Thăng mức án 10-11 năm tù về tội Vi phạm quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí, theo Vnexpress.
Ông Đinh La Thăng tại phiên tòa. Ảnh: Vnexpress. |
Bị cáo Nguyễn Hồng Trường (cựu Thứ trưởng Bộ GTVT) bị đề nghị 6-7 năm tù.
Bị cáo Dương Tuấn Minh (nguyên Tổng Giám đốc Tổng công ty Cửu Long, Bộ GTVT) bị đề nghị mức án 5-6 năm tù.
Bị cáo Dương Thị Trâm Anh (nguyên Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Cửu Long, Tổ trưởng tổ Thường trực giúp việc Hội đồng bán đấu giá quyền thu phí) mức án từ 5-6 năm tù.
Bị cáo Nguyễn Chí Thành (nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính Bộ GTVT) mức án từ 3-4 năm tù.
Bị cáo Lê Trung Cường (nguyên Chuyên viên Vụ Tài chính, Tổ viên tổ Thường trực giúp việc Hội đồng bán đấu giá quyền thu phí) mức án từ 3-4 năm tù.
Bị cáo Nguyễn Thu Trang (nguyên Phó phòng Đầu tư và quản lý đấu thầu, Tổng công ty Cửu Long, Tổ phó tổ Thường trực giúp việc Hội đồng bán đấu giá quyền thu phí) mức án từ 3-4 năm tù.
Bị cáo Đinh Ngọc Huệ (Út “trọc”, cựu Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn Bộ Quốc Phòng) bị đề nghị mức án chung thân về hai tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lợi dụng quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.
Khởi tố , bắt tạm giam ông Tất Thành Cang
Chiều 16/12, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Tất Thành Cang (cựu Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM), Phó Ban chỉ đạo công trình lịch sử TP.HCM, về hành vi “Vi phạm về các quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Công ty cổ phần phát triển Nam Sài Gòn (SADECO).
Ông Tất Thành Cang bị khởi tố, bắt tạm giam chiều 16/12. Ảnh: Zing |
Cũng liên quan đến vụ án này, ngày 17/12, Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM đã phê chuẩn Quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam của Công an TP.HCM đối với ông Nguyễn Hữu Thành, thành viên HĐQT SADECO, để điều tra về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí".
Theo thông báo của Công an TP.HCM, quá trình điều tra các vi phạm trong việc phát hành cổ phiếu tại Công ty phát triển Công nghiệp Tân Thuận và Công ty cổ phần SADECO, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã phát hiện các dấu hiệu sai phạm liên quan của ông Tất Thành Cang. Ông Cang có sai phạm liên quan đến việc phát hành, bán 9 triệu cổ phiếu cho công ty Nguyễn Kim (cổ đông chiến lược) tại CTCP phát triển Nam Sài Gòn SADECO, gây thiệt hại 153 tỷ đồng.
Ngoài ra, trong thời gian là Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, ông Cang cũng bị cho có liên quan đến các sai phạm về quản lý đất đai tại dự án xây dựng 4 tuyến đường chính tại khu đô thị Thủ Thiêm, Quận 2.
Vào năm 2019, Thanh tra TP.HCM kết luận việc cổ phần hóa tại Công ty TNHH MTV Phát triển khu công nghiệp Sài Gòn (thuộc sở hữu của IPC) có nhiều sai phạm. Ông Tất Thành Cang với tư cách Phó chủ tịch UBND TP.HCM đã có ý kiến chấp thuận trái quy định trong vụ việc này...
Khởi tố, bắt tạm giam ông Diệp Dũng
Ngày 16/12, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP.HCM khởi tố, bắt tạm giam ông Diệp Dũng, nguyên Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op. Ông Dũng bị cáo buộc Lạm quyền trong khi thi hành công vụ.
Vào tháng 7/2020, Thanh tra thành phố kết luận nhiều sai phạm có dấu hiệu "chiếm đoạt vốn, tài sản, vi phạm pháp luật" tại Saigon Co.op, trong đó, sai phạm lớn nhất liên quan việc tăng vốn điều lệ.
Thanh tra TP.HCM cho rằng có dấu hiệu thực hiện hành vi huy động góp vốn trái pháp luật và thâu tóm khi Saigon Co.op bổ sung vốn điều lệ lên gần 6.800 tỷ đồng. Điều này dẫn đến Saigon Co.op sẽ bị chi phối bởi các tổ chức, cá nhân bên ngoài, khó giữ được nguyên tắc tổ chức, hoạt động.
Phà biển Cần Giờ - Vũng Tàu hoạt động ngày 29/12
Ông Hà Thanh Sơn, Trưởng phòng Quản lý giao thông đường thủy (Sở Giao thông Vận tải TP.HCM) cho biết, Sở cùng các đơn vị liên quan thống nhất phương án, dự kiến đưa vào khai thác tuyến phà biển Cần Giờ-Vũng Tàu trước Tết Dương lịch 2021.
Phà biển đầu tiên từ huyện Cần Giờ (TP.HCM) đi TP Vũng Tàu hoạt động. Ảnh: Sở GTVT TP.HCM. |
Theo đó, tuyến phà biển Cần Giờ-Vũng Tàu đang hoàn tất các thủ tục để vận hành chạy thử vào ngày 25/12 và khai trương, đi vào hoạt động từ ngày 29/12.
Trước mắt, chủ đầu tư sẽ đưa hai chiếc phà để vận chuyển khách, mỗi lượt có thể chở tối đa khoảng 350 khách, 20 ôtô các loại và 100 xe máy. Ngoài ra, chủ đầu tư cùng các đơn vị đang kê khai và thống nhất giá vé, dao động 50.000-70.000 đồng/lượt; trong đó sẽ xây dựng từng loại giá vé khác nhau dành cho người đi bộ, xe máy, xe tải, ôtô con.
Mỹ tiêm vaccine COVID-19 cho người dân
Các bệnh viện Mỹ triển khai những mũi tiêm vaccine COVID-19 đầu tiên vào 14/12. Mỹ cho rằng sẽ mất nhiều tháng để tất cả người dân có thể tiêm vaccine COVID-19.
Nhân viên y tế và người cao tuổi ở các nhà chăm sóc dài hạn là những người đầu tiên được tiêm chủng. Vaccine COVID-19 đầu tiên Mỹ tiêm cho người dân của hãng Pfizer/BioNTech gồm 2 liều, mỗi lần tiêm cách nhau khoảng ba tuần.
Sandra Lindsay, nữ y tá Khoa Chăm sóc tích cực tại Trung tâm Y tế Jewish Long Island (New York) được tiêm vaccine COVID-19. Ảnh: AP |
Sandra Lindsay, nữ y tá Khoa Chăm sóc tích cực tại Trung tâm Y tế Jewish Long Island (New York), là người đầu tiên tại Mỹ được tiêm mũi vaccine phòng COVID-19 của hãng Pfizer/BioNTech.
Tổng thống Trump ký luật loại công ty Trung Quốc khỏi sàn chứng khoán Mỹ
Theo Reuters, hôm 18/12 (theo giờ Mỹ), Tổng thống Trump đã ký đạo luật cho phép loại bỏ các công ty Trung Quốc ra khỏi sàn chứng khoán Mỹ, nếu những công ty này không tuân thủ các quy tắc kiểm toán.
Tổng thống Donald Trump ký thông qua luật mới cho phép loại bỏ các công ty Trung Quốc ra khỏi sàn chứng khoán Mỹ. Ảnh: AP |
Một số nghị sĩ Mỹ cho rằng luật mới sẽ bảo vệ nhà đầu tư Mỹ, cũng như các doanh nghiệp niêm yết khác. “Luật sẽ đảm bảo mọi công ty niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ tuân thủ các quy định chung”, một nghị sĩ nhấn mạnh.
Cụ thể, dự luật vừa được ký ban hành nêu trên cấm các công ty nước ngoài niêm yết trên các sàn chứng khoán của Mỹ, nếu không đáp ứng được các yêu cầu về kiểm toán trong 3 năm liên tiếp.
Reuters cho biết dự luật được áp dụng cho các công ty đến từ bất cứ quốc gia nào vi phạm các nguyên tắc tài chính. Song theo các nhà ủng hộ dự luật nói trên, đích ngắm chủ yếu hướng đến các công ty Trung Quốc đang niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ. Chẳng hạn như Alibaba, công ty công nghệ Pinduoduo, tập đoàn dầu mỏ PetroChina…
(Tổng hợp)