Nếu như trước đây Thủ Thiêm là bán đảo không ai nhìn tới thì hôm nay giá trị đất đã đắt nhất thế giới. Mở ra một tương lai mới cho khu vực và cho cả thành phố Hồ Chí Minh.
Bán đảo Thủ Thiêm (TP. Thủ Đức) nằm cách trung tâm TP.HCM 300m đường chim bay. Thế nhưng cách đây hơn 25 năm, khi toàn bộ quận 1, quận Bình Thạnh, quận 4, quận 7 đều đang đô thị hoá mạnh mẽ, với hàng loạt công trình kiến trúc thế kỷ, thì phía bên kia bờ sông Sài Gòn, Thủ Thiêm trong ký ức của người Sài Gòn chỉ là vùng đầm lầy lau sậy, kênh rạch hoang vu.
Thời điểm đó, cư dân ở Thủ Thiêm chủ yếu di chuyển bằng thuyền và phà. Dù đã thay đổi diện mạo nhiều, song hiện nay, người ta vẫn sẽ tìm dễ dàng tìm thấy nhiều dấu ấn của vùng đầm lầy này qua hàng loạt con kênh rạch, đám dừa nước, các bãi đất trống rộng rãi. Đồng thời, theo "Từ điển địa danh Sài Gòn - TP.HCM" của TS. Lê Trung Hoa, những cái tên như Cá Trê, Cây Bàng, Ông Cậy, Rạch Lá, Bần Cụt… cũng phần nào phản ánh lịch sử của vùng đất này.
Nhưng, sau 25 năm kể từ đề án quy hoạch năm 1996 của Thủ tướng Chính Phủ Võ Văn Kiệt, đến nay Khu đô thị mới Thủ Thiêm đã bắt đầu thành hình với nhiều trung tâm kiến trúc đặc sắc, diện tích rộng 930 ha. Được biết, thời gian phát triển khu vực này dự kiến là 20 năm với 4 giai đoạn. Trong tương lai, Khu đô thị mới được kỳ vọng sẽ trở thành trung tâm hành chính, thương mại đẹp và hiện đại nhất của Đông Nam Á, tạo cú hích tăng trưởng vượt bậc cho TP.HCM.
Vào tháng 2/2002, Chính phủ cho phép UBND TP.HCM thu hồi đất quận 2. Thế nhưng, kế hoạch dự án đã vấp phải nhiều điểm không thống nhất, thậm chí có dấu hiệu làm trái chỉ đạo của Thủ tướng gây ra hàng loạt khiếu nại, hàng chục hộ gia đình nhất quyết không rời đi khi giá đền bù là 150.000 đồng/m2. Vụ việc kéo dài đến mãi năm 2020, khi Thành phố đã phê duyệt qua chính sách hoán đổi hệ số để bồi thường, nhiều người dân đồng ý rời đi, giúp các công trình kiến trúc tiếp tục thi công sau thời gian dài đóng băng vì không giải phóng được mặt bằng.
Cuối năm 2019, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM cũng đã thông tin dự thảo về quản lý quy hoạch, kiến trúc Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Trong tương lai, Khu đô thị này sẽ được chia làm 5 khu vực chính gồm: Khu vực "lõi trung tâm"; Khu dân cư phía Bắc; Khu dân cư dọc đại lộ Mai Chí Thọ; Khu dân cư phía Đông và Khu châu thổ phía Nam. Tất cả sẽ được kết nối với các quận trung tâm (Bình Thạnh, quận 1, quận 4, quận ) qua 1 đường hầm và 5 cây cầu. Ngoài ra còn có 1 tuyến metro ngầm.
Về đô thị, Thủ Thiêm sẽ có: Khu phức hợp khách sạn; Khu phức hợp tháp quan sát: Không gian quảng trường trung tâm; Khu bờ sông Sài Gòn từ Trung tâm Hội nghị quốc tế đến khu tháp quan sát; Cung thiếu nhi; Công trình vòng quay khổng lồ tại khu 2c; Vùng châu thổ phía nam và công viên đầm lầy; Khu phức hợp bến du thuyền. Đồng thời, tại đây sẽ xây dựng hàng loạt công trình đặc trưng như Tòa tháp quan sát 86 tầng; Trung tâm Hội nghị Triển lãm; Nhà hát giao hưởng và Trung tâm Thông tin quy hoạch,…Như định hướng ngay từ đầu, Thủ Thiêm sẽ trở thành thành phố thông minh từ A đến Z, các dịch vụ thông minh đều dựa trên nền tảng Internet vạn vật.
Hiện nay, hàng loạt công trình kiến trúc đồ sộ đang trong quá trình hoàn thiện. Tháng 9 vừa qua, TP.HCM đã cho hợp long cây cầu Thủ Thiêm 2 dài hơn 1,4 km, thiết kế dây văng với trụ tháp chính cao 113m. Dự án trị giá 3.100 tỷ đồng kết nối trung tâm Thành phố với Thủ Thiêm được rất nhiều người Sài Gòn kỳ vọng. Ngoài ra, Trung tâm Triển lãm quy hoạch thành phố ở ngay Quảng trường trung tâm gồm 1 tầng hầm và 5 tầng nổi đã được xây dựng gần hoàn thiện. Đây được xem sẽ là 1 công trình đặc trưng dành cho khu đô thị mới này.
Đặc biệt, ngày 10/12/2021, TP.HCM cho đấu giá 4 lô đất đầu tiên trong tổng số 55 lô rộng hơn 800.000 m2 tại Khu độ thị mới Thủ Thiêm lên đến 37.000 tỷ đồng. Với trị giá 2,4 tỷ/m2, đây được xem là nơi có lô đất đắt nhất thế giới. Đồng thời nhiều chuyên gia tư vấn đầu tư cho biết, theo thông lệ nếu dự án chung cư cao cấp này mở bán năm 2023 thì một căn hộ 100m2 hoàn toàn có thể cán mốc 50 tỉ đồng, tức 500 triệu đồng/m2.
Tổng Hợp