Thứ trưởng Bộ Y tế: Đỉnh dịch dự kiến trong vòng 10 ngày tới

"Ít ngày tới đây số ca dương tính có thể sẽ tăng lên nên tuyệt đối chúng ta không quá hoang mang, không chủ quan", ông Sơn nói.

Trao đổi với Tuổi trẻ, Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, dù số bệnh nhân đang có chiều hướng gia tăng nhanh nhưng đánh giá một cách toàn diện thì đỉnh dịch vẫn phải dự trù trong 10 ngày tới. Ông Sơn cho rằng, dư luận có thể lo lắng, nhưng tất cả đã nằm trong dự liệu và kịch bản của cơ quan phòng chống dịch.

"Ít ngày tới đây số ca dương tính có thể sẽ tăng lên nên tuyệt đối chúng ta không quá hoang mang, không chủ quan" , Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nói. 

Thứ trường Sơn cho biết, hiện việc khoanh vùng, dập dịch truy vết và xét nghiệm vẫn đang được triển khai quyết liệt. Qua phân tích sự lây nhiễm của COVID-19, ngành y tế khuyến cáo trong vòng 10 ngày tới phải hết sức cẩn thận. Trong giai đoạn này ý thức cũng như vai trò của người dân sẽ quyết định chúng ta có thắng được đợt dịch này không. 

  Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn kiểm tra công tác chuẩn bị tại Bệnh viện C17 Quân khu 5 - Ảnh: B.D.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn kiểm tra công tác chuẩn bị tại Bệnh viện C17 Quân khu 5 - Ảnh: B.D.

Ông Sơn nhấn mạnh Bộ Y tế đã tập trung nhân lực, vật lực, phản ứng sớm với dịch COVID-19 ở Đà Nẵng. Ngay từ khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên, Bộ đã cử ngay 6 đội thuộc các cục, vụ, viện của bộ tức tốc vào Đà Nẵng. Đến ngày 30/7 đã có bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại Đà Nẵng với nhiệm vụ gọi là "toàn quyền y tế" tại khu vực miền Trung về tất cả các vấn đề trang thiết bị, nhân lực, vật lực... Hiện đã có 100 nhân viên từ khắp các bệnh viện hỗ trợ năng lực xét nghiệm kháng thể, kháng nguyên PCR với virus. Ngoài ra còn có đội truyền thông đến người dân để họ am hiểu, an tâm hơn. 

Đánh giá về giai đoạn kiểm soát dịch ở miền Trung, Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng hiện đã thành công các nội dung triển khai nhưng không được phép chủa quan. 

"Chúng tôi đã điều không chỉ những chuyên gia dịch tễ học hỗ trợ Đà Nẵng mà còn hỗ trợ Quảng Nam phân tích số liệu, truy vết để dập dịch. Chúng ta còn phải cố gắng hơn trong việc chăm sóc, điều trị vì đã có những bệnh nhân tiên lượng khó đoán", ông Sơn nhấn mạnh. 

Ông Sơn cho biết chúng ta đã dự kiến những tình huống xấu nhất, đưa ra kịch bản cần thiết nhất, đặc biệt là đã chủ động trong các công tác phòng dịch. 

Về việc tại sao Đà Nẵng lại cần có sự chi viện nhiều từ các địa phương khác, ông Sơn khẳng định việc phát hiện ca dương tính lần này rất đặc biệt, lại có nhiều ca nặng, hơn nữa bên cạnh nhân lực tại chỗ thì cần có nhân lực để tham gia hỗ trợ điều trị, xây dựng những cơ sở để tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Phổi, Bệnh viện dã chiến Hòa Vang và Bệnh viện dã chiến.

Ngoài việc hỗ trợ điều trị, xây dựng những cơ sở để tiếp nhận bệnh nhân, Bộ Y tế còn cử một đội từ Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cùng các chuyên gia đến để hỗ trợ xây dựng kế hoạch, phân khu cách ly tại khu dân cư, truy vết những trường hợp nghi ngờ nhiễm COVID-19 trên địa bàn.

Ông Sơn cho biết mục tiêu chủ yếu không còn là truy vết F0 mà là sử dụng xét nghiệm kháng thể phát hiện những ca dương tính trong cộng đồng

"Những trường hợp dương tính kháng thể có nghĩa là những trường hợp đã nhiễm lâu rồi và chúng ta sẽ phải truy vết xung quanh trường hợp đó (bằng xét nghiệm RT-PCR) để tìm xem có những trường hợp nào bị lây nhiễm trong thời gian gần đây hay không. Tôi hi vọng hết 14 ngày, chúng ta có thể kiểm soát được và thành phố Đà Nẵng sẽ có những bước chuyển có thể từ chỉ thị 16 "cách ly xã hội" qua chỉ thị 19 của Chính phủ trong tình thế hiện nay", ông Sơn nói. 

Thanh Mai

Dịch COVID-19, chăm sóc người già thế nào?

Dịch COVID-19, chăm sóc người già thế nào?

Theo thống kê,người lớn tuổi có nguy cơ tử vong cao nhất. Vì thế nếu nhà bạn có người lớn tuổi, luôn ghi nhớ những điều sau để phòng chống dịch SARS-CoV-2.