Thực hư thông tin 'mủ măng cụt + đường mía' tạo ra chất độc

Mới đây trên mạng xã hội đang xôn xao một thông tin cho rằng: Mủ măng cụt kỵ đường mía, nếu kết hợp có thể gây ngộ độc và gây tử vong.

"Mủ măng cụt + đường mía" sẽ tạo ra chất cực độc gây tử vong?

Thơm lừng, căng mọng và ngọt ngào là những gì người ta miêu tả về măng cụt chín. Năm nay, cả măng cụt xanh lẫn măng cụt chín đều được tìm mua nhiều, vì trà mãng cầu hay gỏi măng cụt sống (xanh) đang là những món ăn "dậy sóng" khắp cõi mạng.

Suốt hai tuần qua, món gỏi măng cụt đã "gây sốt" mãng xã hội. Thậm chí, một số cửa hàng cung cấp gỏi măng cụt sống phải thuê 20-30 nhân công để kịp phục vụ nhu cầu khách hàng. Chính vì tính chất măng cụt xanh nhiều mủ, khó gọt, măng cụt có giá từ 500.000 đồng/kg. Tuy giá "chát", dân tình vẫn đổ xô mua măng cụt xanh để bắt kịp xu hướng.

Thực hư chuyện ăn gỏi măng cụt có thể tử vong vì "mủ măng cụt + đường mía" tạo ra chất độc - Ảnh 1.

Gỏi măng cụt sống đang là món ăn gây bão cõi mạng hiện nay

Mới đây nhất, trên trang cá nhân NSƯT Thành Lộc lên tiếng cảnh báo về món ăn "hot trend" gỏi gà măng cụt sống nhận về sự quan tâm của công chúng. 

Theo đó, NSƯT Thành Lộc chia sẻ bản thân từng có trải nghiệm kinh hoàng với măng cụt sống khiến nam nghệ sĩ ám ảnh đến hiện tại cho đến khi thấy món ăn này rần rần những ngày gần đây. 

NSƯT Thành Lộc chia sẻ trên Facebook: "Hồi những năm 70-80 có rộ lên kiểu nhậu ăn "măng cụt sống" chấm đường uống bia rượu, do thời đó dân nghèo quá nên bạ cái gì bắt mồi được là ăn nhậu bất chấp, kết quả là dân nhậu cấp cứu quá trời vì ngộ độc (mủ của măng cụt sống gặp đường mía sẽ phản ứng thành độc) và gây tử vong."

Thực hư chuyện ăn gỏi măng cụt có thể tử vong vì "mủ măng cụt + đường mía" tạo ra chất độc - Ảnh 2.

Dù rất yêu thích món măng cụt chín, Thành Lộc vẫn khẳng định mình không dám thử gỏi măng cụt sống.Bởi lẽ, trong ký ức của anh, món ăn này dễ gây ngộ độc.

"Vụ này những ai vào độ tuổi của tôi thì chắc còn nhớ vì báo chí lúc đó đăng tin nhiều dữ lắm. Giờ người ta lấy măng cụt sống trộn gỏi dễ gì không nêm đường? Tới giờ chưa nghe tin gì nhưng cũng thấy lo lo vì cái tin măng cụt sống chấm đường ăn, nó khắc vào đầu tôi từ đó đến tận bây giờ. Tôi mê ăn măng cụt chín lắm còn trái sống thì không dám, hoàn toàn không dám, thiệt", anh viết.

Hiện tại, những chia sẻ này đang gây chú ý từ cộng đồng mạng. Bởi lẽ, món ăn này đã trở nên phổ biến và được nhiều người thưởng thức. Do đó, nhiều người cho rằng món măng cụt trộn gỏi cũng có thể gây độc vì đó là món ăn có sự hòa trộn giữa măng cụt sống (xanh) và đường. Vậy lời khuyên của chuyên gia về vấn đề này như thế nào?

Măng cụt non không có độc hại, chỉ là ít dinh dưỡng hơn ăn măng cụt chín

Theo lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng (Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội) quả măng cụt có vị chát, có thể dùng làm thuốc, có tác dụng trị tiêu chảy, kết lỵ, rối loạn kinh nguyệt…

"Phần nhựa của quả măng cụt cũng giống như các loại quả khác đều không có lợi cho sức khỏe. Bởi bản chất nó là thứ giúp cho trái cây chống lại côn trùng và các vấn đề sâu hại khác... Việc gây hại đến đâu còn tùy vào việc chúng ta ăn ít hay nhiều. Phần lớn nhựa trái cây chỉ gây ra tác hại cho hệ tiêu hóa, gây táo bón, đau bao tử, đau dạ dày", lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng nói.

Thực hư chuyện ăn gỏi măng cụt có thể tử vong vì "mủ măng cụt + đường mía" tạo ra chất độc - Ảnh 3.

Quả măng cụt có khả năng cải thiện chức năng miễn dịch

Cũng theo vị chuyên gia, trong y học cổ truyền hiện chưa có ghi chép nào nói rằng nhựa quả măng cụt kỵ với đường mía. Trong y học hiện đại lại càng không. Ngay cả các nước châu Âu, họ vẫn điều chế cả quả măng cụt làm nước uống. Thông tin nhựa măng cụt kết hợp đường mía rồi gây độc, gây chết người là không chính xác. Có chăng gây hại là do ăn quá nhiều nhựa măng cụt mà thôi.

Tuy nhiên vị chuyên gia nhấn mạnh: Việc ăn nhựa măng cụt là điều ít khi xảy ra trong cuộc sống, vì phần lớn mọi người chỉ ăn phần cùi, chứ không ăn phần vỏ. Phần cùi của quả măng cụt xanh giòn ngọt, không độc hại, do đó mọi người có thể sử dụng tùy theo nhu cầu. Có thể dùng làm món tráng miệng, hay là làm gỏi mà không có vấn đề gì cho sức khỏe.

Lương y Sáng chỉ lưu ý rằng khi dùng măng cụt xanh nên gọt sạch vỏ. Dù vỏ măng cụt có thể được điều chế để làm thuốc. Tuy nhiên để trở thành một bài thuốc hoàn chỉnh, nó phải được điều chế bằng cách sao, hấp và cần được kết hợp với nhiều nguyên liệu khác... Chứ không thể ăn sống. Do đó, mọi người tuyệt đối không nên ăn vỏ măng cụt, nhất là vỏ măng cụt xanh vì rất nhiều nhựa.

BS CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp, Phó chủ tịch Hội dinh dưỡng Việt Nam cũng khẳng định rằng măng cụt non không có độc hại, có chăng chỉ là ít dinh dưỡng hơn ăn măng cụt chín, nhưng cũng không đáng kể.

"Hiện nay chúng ta không có nghiên cứu nào cho thấy sử dụng măng cụt vừa tới tuổi thu hoạch nhưng chưa chín thì gây ra những độc hại gì với sức khoẻ, chưa có chứng cứ khoa học nào về vấn đề này cả, cho nên lựa chọn măng cụt tuỳ theo sử dụng của chúng ta", BS CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp, Phó Chủ tịch Hội dinh dưỡng Việt Nam nói.

(Nguồn: Tổng hợp)

THANH TRÚC