Tia UV là gì? Chỉ số tia UV bao nhiêu thì có hại?

Việt Nam là một nước có cường độ tia UV tương đối cao. Vậy tia UV là gì, chỉ số tia UV bao nhiêu là có hại?

Tia UV là gì?

Tia cực tím (tia UV) là một dạng tia điện từ, có tác dụng giúp da tổng hợp vitamin D, kích thích hoạt động chính của cơ thể. Ngoài ra tia UV còn có khả năng diệt khuẩn, tiệt trùng, chữa bệnh vẩy nến. Tuy nhiên, việc tiếp xúc quá nhiều với tia cực tím có thể gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng cho sức khỏe, thậm chí là nguy hiểm đến sự sống. 

Tia UV là gì? Chỉ số tia UV bao nhiêu thì có hại?

Những ngày gần đây, thời tiết khu vực phía Nam của Việt Nam liên tục hứng chịu các đợt nắng nóng trên diện rộng, nhiệt độ luôn ở mức trên 30 độ, cao nhất lên tới 36, 37 độ C, nắng nóng gay gắt. Các cơ quan chức năng đã đưa ra những cảnh báo đến người dân về tác  hại của tia UV đối với sức khỏe.

Tia UV có ở đâu?

Cụm từ cực tím trong tia cực tím có nghĩa là bên trên của màu tím. Sắc tím là màu sắc có bước sóng ngắn nhất mà mắt thường của chúng ta có thể nhìn thấy. Do vượt ngoài bước sóng của màu tím, nên tia UV là loại tia vô hình với mắt người.

Một vài loài động vật như: chim, bò sát, côn trùng (ong...) có thể nhìn thấy tia cực tím. Một vài loại trái cây, hoa quả và hạt trở nên sặc sỡ hơn trong môi trường tia cực tím so với hình ảnh trong ánh sáng thường được nhìn bởi mắt người, để hấp dẫn các loài côn trùng và chim.

Một vài loài chim còn có những hình thù đặc biệt trên bộ lông của chúng mà chỉ nhìn được dưới tia cực tím, không thể nhìn được dưới ánh sáng mà con người nhìn thấy. Nước tiểu của một số loài động vật cũng chỉ có thể quan sát được bằng tia cực tím.

Mặt Trời tỏa ra cả 3 loại tia cực tím: UVA, UVB và UVC, có ánh sáng mặt trời nghĩa là có tia cực tím. Tuy nhiên, theo lí thuyết, bởi vì sự hấp thụ của tầng ozone, 99% tia cực tím đến được mặt đất thuộc dạng tia UVA, trong khi đó bản thân tầng ozon được tạo ra nhờ các phản ứng hóa học với sự tham gia của tia UVC nên UVC bị tầng ozon hấp thụ. Tuy nhiên, tình trạng thủng tầng ozon hiện nay đang ở mức báo động khiến các tia UVB, UVC trở nên dày đặc hơn trong ánh sáng mặt trời.

Các loại thủy tinh tùy theo chất lượng, thông thường trong suốt với tia UVA (UVA đi xuyên thủy tinh) nhưng mờ đục với các tia sóng ngắn hơn (UVB, UVC không chiếu qua được thủy tinh). Silic hay thạch anh tùy theo chất lượng có thể trong suốt với cả tia UVC.

Các chỉ số UV và những ảnh hưởng đối với sức khỏe

Chỉ số UV dưới 2: Chỉ số này cho thấy lượng bức xạ mặt trời ở mức thấp, ít gây tác hại đến con người. Tuy nhiên vẫn có thể gây ra bỏng da nếu tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng từ 60 phút trở nên mà không có đồ bảo vệ da . Chỉ số này thường vào những lúc sáng sớm hoặc những ngày mát mẻ nhiều mây.

Chỉ số UV từ 3-5: Lượng bức xạ UV ở mức trung bình, nguy cơ gây tổn hại da thấp. Tuy nhiên nếu tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng từ 40 phút trở lên mà không có quần áo che chắn bảo vệ da vẫn có thể bị bỏng da. 

Tia UV là gì? Chỉ số tia UV bao nhiêu thì có hại?

Chỉ số UV từ 6-7: Lượng bức xạ Mặt Trời ở mức khá cao, có khả năng gây bỏng da sau 30 phút nếu tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mà không bảo vệ da. Khung giờ từ 10h sáng đến 16h là khoảng thời gian cường độ UV mạnh nhất trong ngày, bạn nên hạn chế ra khỏi nhà. Nếu phải đi ra ngoài, nên trang bị đồ chống nắng, kính râm và bôi kém chống nắng.

Chỉ số UV từ 8-10: Lượng tia UV rất cao, nếu tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng hơn 25 phút mà không có đồ bảo vệ, da sẽ bị bỏng. Mắt sẽ bị rối loạn thị giác (giảm thị lực, chảy nước mắt, sợ ánh sáng…) nếu phơi nắng liên tục từ 6 giờ trở lên mà không đeo kính râm.

Chỉ số UV >10: Lượng tia UV cực kỳ cao, có khả năng bị bỏng da nếu tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng hơn 10 phút mà không có đồ bảo vệ da. Tốt nhất bạn nên ở nhà, tránh ra đường khi chỉ số UV ngoài trời cao như vậy.

Làm gì để bảo vệ da khỏi tia UV

Không đi ra ngoài trời nắng trong thời gian từ 10h đến 16h, đây là lúc các tia nắng mặt trời mạnh nhất. Ngay cả trong một ngày u ám, có tới 80% tia UV có thể xuyên qua các đám mây. Lời khuyên của bác sĩ là  nếu bắt buộc ở ngoài trời, cần ở  trong bóng râm càng lâu càng tốt.

Mặc quần áo chống nắng. Chỉ cần bạn che cơ thể nhiều nhất bạn đã loại bỏ được một phần nguy cơ da và sức khỏe bị tác động bởi ánh nắng mặt trời. Có thể mặc quần áo dài, đội mũ rộng vành, đeo kính, khẩu trang…

Tia UV là gì? Chỉ số tia UV bao nhiêu thì có hại?

Bôi kem chống nắng. Đây là cách đơn giản nhưng cực kỳ hiệu quả để bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời. Chỉ số chống nắng (SPF) càng cao, bảo vệ da càng tốt. Ít nhất hãy sử dụng loại kem chống nắng có độ SPF 30.

Để bảo vệ mắt, cần đeo kính râm, tốt nhất nên chọn loại kính có thể chống được các tia UV để bảo vệ mắt. Một số người cho rằng, kính râm càng tối màu càng chống được tia UV là hoàn toàn sai lầm. Thậm chí người đeo kính áp tròng có khả năng chống tia UV vẫn cần đeo kính râm.

Kiểm tra thường xuyên sức khỏe của làn da, nếu có bất cứ những  thay đổi về kích thước, hình dạng, màu sắc của da hoặc xuất hiện những vết bớt, nốt ruồi và đốm bất thường trên da, bạn cần tìm đến các chuyên gia da liễu ngay.

 Cách sử dụng kem chống nắng đúng cách

Thoa kem chống nắng lên tất cả các vùng da không được che chắn, bảo vệ bằng quần áo như cổ, tay, chân, mặt, mũi, tai…. Nếu bạn bị hói, cần thoa kem chống nắng lên đầu, hoặc bảo vệ đầu bằng mũ.

Bôi kem chống nắng trước khi ra ngoài từ 15-30 phút.

Sau 1 giờ hoặc 1,5 giờ tiếp xúc với ánh nắng cần thoa lại kem chống nắng.

Bôi kem chống nắng cho trẻ em loại dành cho trẻ, nếu trẻ cùng đi ra ngoài trời, tuy nhiên với trẻ dưới 6 tháng tuổi tuyệt đối không bôi kem chống nắng.

PHƯỢNG LÊ (t/h)

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương