Tiêm mũi 2 vaccine COVID-19 muộn, có bị sao không?

Các nhà sản xuất luôn khuyến cáo người dân nên tiêm đủ hai mũi vắc xin Covid-19 để có hiệu quả bảo vệ tốt nhất. Tuy nhiên, nếu tiêm chậm mũi 2 vaccine COVID-19 thì có bị sao không?


Các mũi tiêm vắc xin Covid-19 cách nhau bao lâu?

Tính đến tháng 8/2021, theo Bộ Y tế, có tổng cộng 06 loại vắc xin phòng, chống Covid-19 đã cấp phép sử dụng tại Việt Nam gồm:

- AstraZeneca: Vắc xin được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại 181 quốc gia, vùng lãnh thổ và đến nay được sử dụng tại 119 quốc gia, vùng lãnh thổ.

- Gam-Covid-Vac (SPUTNIK V): Vắc xin được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại 70 quốc gia, vùng lãnh thổ và đến nay được sử dụng tại 49 quốc gia.

- Vero Cell: Vắc xin được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại 64 quốc gia, vùng lãnh thổ và đến nay được sử dụng tại 59 quốc gia.

- Pfizer (Comirnaty): Vắc xin được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại 111 quốc gia, vùng lãnh thổ và đến nay được sử dụng tại 97 quốc gia.

- Spikevax (Moderna): Vắc xin được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại 64 quốc gia, vùng lãnh thổ và đến nay được sử dụng tại 63 quốc gia, vùng lãnh thổ.

- Janssen: Vắc xin được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại 56 quốc gia, vùng lãnh thổ và đến nay được sử dụng tại 34 quốc gia. Tuy nhiên, hiện nay, Bộ Y tế chưa tiếp nhận loại vắc xin này.

Theo đó, tại Quyết định số 3588/QĐ-BYT, Bộ Y tế nêu rõ, hầu hết các vắc xin hiện nay đều tiêm 02 mũi và khoảng cách giữa hai mũi được thực hiện theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Tại Quyết định này, Bộ Y tế cũng đưa ra khoảng cách giữa hai mũi tiêm của các vắc xin này như sau:

STT
Loại vắc xin
Khoảng cách giữa mũi 1 và mũi 2
1
AstraZeneca
08 - 12 tuần
2
Gam-COVID-Vac (SPUTNIK V)
03 tuần
3
Comirnaty (Pfizer)
03 tuần
4
Vero Cell
03 - 04 tuần
5
Moderna
04 tuần

 

tiem mui 2 vac xin covid-19 muon

Người dân nên tiêm vắc xin theo khuyến cáo của nhà sản xuất (Ảnh minh họa)


Tiêm mũi 2 vắc xin Covid-19 muộn có bị sao không?

Theo Quyết định 3588 nêu trên, Bộ Y tế khuyên nên đảm bảo khoảng cách tiêm giữa các mũi theo thông tin mà nhà sản xuất đưa ra. Đây cũng được xem là mốc lý tưởng nhất khi có nhiều vắc xin phòng Covid-19.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, do tình trạng thiếu vắc xin nên việc tiêm vắc xin vẫn bị chậm. Và hiện nay, chưa có khuyến cáo về thời gian chậm tối đa giữa hai mũi tiêm 1 và 2 của các loại vắc xin Covid-19 là bao nhiêu. Tuy nhiên, khi đã được tiêm mũi 1 thì người dân cũng đã được bảo vệ ở một mức độ an toàn nhất định.

Bởi theo thông tin của chuyên gia tại báo Sức khỏe và Đời sống, người đã tiêm mũi 1 khoảng 14 ngày thì cơ thể đã sinh ra kháng thể giúp bảo vệ phòng, chống Covid-19 ở một mức độ nhất định trước nguy cơ lây nhiễm, đặc biệt giúp giảm nguy cơ bị bệnh nặng hoặc tử vong.

Đặc biệt, chuyên gia này nhấn mạnh, nếu thời gian tiêm chậm hơn so với dự kiến thì không phải tiêm lại từ đầu, Bộ Y tế đang nỗ lực để có nguồn vắc xin sớm nhất và người dân sẽ được nhắc tiêm chủng mũi 2 sớm nhất có thể sau khi địa phương được cấp vắc xin.

Tại Công văn số 6030/BYT-DP hướng dẫn tiêm 02 liều vắc xin phòng Covid-19, Bộ Y tế nêu rõ:

1. Những người đã tiêm mũi 1 vắc xin nào thì tốt nhất tiêm mũi 2 bằng vắc xin đó.

2. Trong trường hợp nguồn vắc xin hạn chế, có thể phối hợp bằng cách tiêm mũi 2 vắc xin do Pfizer sản xuất cho người đã tiêm mũi 1 bằng vắc xin do AstraZeneca sản xuất nếu người được tiêm chủng đồng ý, khoảng cách giữa 2 mũi tiêm là 08-12 tuần.

Không sử dụng vắc xin do Modema sản xuất hoặc các vắc xin khác để tiêm mũi 2 cho người đã tiêm mũi 1 vắc xin AstraZeneca.

3. Những người đã tiêm vắc xin do Sinopharm, Pfizer, Modema sản xuất mũi thứ 1 thì mũi thứ 2 chỉ tiêm vắc xin cùng loại. Khoảng cách giữa 2 mũi tiêm theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Theo hướng dẫn này, nếu mũi 1 tiêm vắc xin nào thì mũi 2 nên tiêm vắc xin đó và thực hiện theo đúng khuyến cáo của nhà sản xuất. Tuy nhiên, nếu nguồn vắc xin hạn chế, có thể tiêm mũi 2 Pfizer cho người tiêm mũi 1 AstraZeneca nếu người tiêm đồng ý.

Ngoài ra, ngày 10/9/2021, Bộ Y tế cũng mới ban hành Công văn số 7548/BYT-DP. Theo đó, nếu nguồn vắc xin hạn chế, không đủ vắc xin cho người đã tiêm mũi 1 thì có thể sử dụng vắc xin khác để tiêm mũi 2: Người đã tiêm mũi 1 vắc xin Moderna thì mũi 2 có thể tiêm Pfizer và ngược lại.

Như vậy, nếu mũi 1 tiêm AstraZeneca thì mũi 2 có thể tiêm Pfizer nhưng không được phép sử dụng Moderna hoặc các vắc xin khác; mũi 1 tiêm Moderna thì mũi 2 cũng có thể tiêm Pfizer và ngược lại. Còn các loại vắc xin khác, mũi 1 tiêm loại nào thì mũi 2 cũng phải tiêm loại đó.

Nói tóm lại: Theo khuyến cáo, người dân nên tiêm đủ mũi vắc xin Covid-19 để được bảo vệ tốt nhất và nên đảm bảo khoảng cách tiêm giữa hai mũi. Nhưng nếu không đủ vắc xin để tiêm thì cũng không cần quá lo lắng và không phải tiêm lại từ đầu. Người dân có thể sử dụng vắc xin loại khác để tiêm thay thế như trên hoặc chờ Bộ Y tế phân bổ vắc xin.

(Tham khảo từ Pháp luật Việt Nam)

PV